Rút tàu sân bay gần Iran, Mỹ muốn hạ nhiệt căng thẳng?

Mỹ đã rút tàu sân bay USS Nimitz ra khỏi Trung Đông sau hơn 270 ngày hiện diện tại khu vực này. Đây là một dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa Iran và Mỹ - vốn tăng cao dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - đang có chiều hướng hạ nhiệt, hãng tin AFP đưa tin.

Hôm 2-2, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz đã di chuyển từ Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ ở Trung Đông đến khu vực do Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phụ trách.

"Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz đang rời vùng hoạt động của Bộ tư lệnh Trung tâm và di chuyển đến khu vực do Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phụ trách. Chúng tôi muốn cảm ơn tất cả quân nhân trên các tàu đã hỗ trợ Bộ Tư lệnh Trung tâm trong suốt hơn 270 ngày qua, đảm bảo an ninh quốc gia và ngăn chặn xung đột ở một khu vực đặt biệt quan trọng đối với thế giới" - phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nhấn mạnh.

Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ. Ảnh: AFP

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc từ chối xác nhận thông tin rằng nhóm tàu USS Nimitz sẽ quay trở lại quê nhà tại Bremerton, bang Washington. Việc con tàu rời đi đồng nghĩa với việc Mỹ không còn tàu sân bay nào hoạt động tại khu vực Trung Đông.

Ông Kirby nói rằng sau khi chính quyền ông Trump tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Vùng Vịnh, chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden không thấy việc giữ tàu sân bay ở đó là cần thiết cho các nhu cầu an ninh của Mỹ.

Hiện ông Kirby từ chối thảo luận về các đánh giá hiện tại của Lầu Năm Góc về mối đe dọa quân sự của Iran đối với các căn cứ của Mỹ hoặc các đồng minh ở vùng Vịnh.

Tuy nhiên, theo hãng tin Sputnik, ông Kirby cho biết: "Chúng tôi không đưa ra quyết định như thế này một cách hời hợt. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã lưu tâm đến bức tranh địa chiến lược rộng lớn hơn khi ông chấp thuận việc di chuyển nhóm tác chiến tàu sân bay khỏi khu vực chịu trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Trung tâm. Ông ấy tin rằng chúng tôi vẫn có sự hiện diện vô cùng mạnh mẽ ở Trung Đông và sẵn sàng đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào".

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cũng không cho biết liệu Mỹ có điều thêm tàu sân bay nào đến Trung Đông để thế chỗ USS Nimitz trong tương lai gần hay không. Ông lưu ý thêm rằng Washington chỉ có số lượng tàu sân bay hạn chế và luôn theo dõi sát sao các mối đe dọa.

"Chúng tôi liên tục theo dõi và không ngừng cố gắng đối phó các mối đe dọa" - ông khẳng định.

Trước đó, căng thẳng giữa Washington và Tehran leo thang nghiêm trọng hơn bao giờ hết khi chính quyền tiền nhiệm tuyên bố Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 - còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) - hồi năm 2018. Sau đó, ông Trump đã khôi phục các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo.

Đáp trả lại Mỹ, Iran bắt đầu cắt giảm các nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận và thông qua luật tăng cường làm giàu uranium. Đồng thời, Iran nhấn mạnh rằng họ sẽ chỉ tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ.

Chính quyền ông Biden đã nhiều lần để ngỏ khả năng quay trở lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Theo đó, tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tuyên bố rằng Washington sẽ chỉ quay lại thỏa thuận này khi Tehran khôi phục các cam kết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm