Reuters: 'Canh bạc Ukraine' phản ánh tính toán của ông Putin để gặp ông Biden

Theo hãng tin Reuters, hai nguồn tin thân cận với giới chính sách đối ngoại Nga cho biết việc Tổng thống Vladimir Putin tái bố trí quân đội gần Ukraine là một phần trong nỗ lực vạch ra và đảm bảo các điều khoản trong một cuộc hội nghị thượng đỉnh có thể sẽ diễn ra với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Bên cạnh đó, động thái trên của Nga còn nhằm báo hiệu với phương Tây rằng họ nên ngừng giúp Ukraine nâng cấp quân đội và chính quyền Kiev nên tránh leo thang xung đột với lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.

Nga muốn thu hút chú ý từ Mỹ

Trong những tuần gần đây, các quan chức Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine đã lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng quân số của Nga tại khu vực biên giới phía Tây đất nước. Theo đó, họ cho rằng đây là sự chuyển quân bất thường của Nga đến gần Ukraine, cho thấy Moscow có thể sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công mới nhằm vào nước láng giềng. Tuy nhiên, những các buộc trên đã bị Nga bác bỏ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: REUTERS

Hiện vẫn chưa rõ tính toán của Nga là gì trong khi căng thẳng Đông-Tây đang dần leo thang khi Ukraine, Nga và NATO đều tiến hành các cuộc tập trận quân sự. Hồi đầu tháng, Moscow cũng đã cáo buộc Washington diễn tập tấn công hạt nhân nhằm vào Nga.

Theo Reuters, "canh bạc Ukraine" của ông Putin có nhiều mục tiêu, kể cả khả năng tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine. Theo đó, một trong những ưu tiên của Moscow là thu hút sự chú ý của ông Biden để ông đồng ý tiến hành một hội nghị thượng đỉnh khác mà tại đó hai nhà lãnh đạo có thể giải quyết những lo ngại của Nga về Ukraine.

Ông Andrey Kortunov - người đứng đầu tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại RIAC ở Moscow - cho biết: "Ông Putin cần một cuộc gặp thượng đỉnh khác với ông Biden. Dường như ông Putin tin rằng châu Âu không thể hành động gì nhiều nếu không có Mỹ và Tổng thống Biden sẽ thay mặt liên minh phương Tây đưa ra quyết định cuối cùng về các biện pháp an ninh của châu Âu".

Tổng thống Putin cho biết ông lo ngại về việc Mỹ và NATO viện trợ quân sự cho Ukraine và cũng như chiến dịch “đông tiến” của liên minh này. Ông cũng nhấn mạnh rằng ông muốn phương Tây đảm bảo rằng Kiev không leo thang xung đột ở Donbass, miền đông Ukraine. 

Điện Kremlin cho biết đang thảo luận với Nhà Trắng về việc tiến hành cuộc gặp mới giữa giữa ông Putin và ông Biden. Trong tháng này, tờ Kommersant của Nga đưa tin rằng hội nghị thượng đỉnh trên có thể sẽ diễn ra vào đầu năm 2022.

Phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho biết hai bên đều thấy rằng hai nhà lãnh đạo nên tiếp tục gặp mặt và trao đổi.

Tuy nhiên, trong tuần này, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, bà không có thông tin nào về bất kỳ kế hoạch tổ chức cuộc gặp mặt trên dù Washington đang thảo luận với Moscow về vấn đề Ukraine.

Ngày 24-11, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về việc ông Putin đang tăng cường lực lượng quân sự gần Ukraine nhằm đảm bảo diễn một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga.

Lằn ranh đỏ của Moscow

Trong một bài phát biểu vào tuần trước, ông Putin nói rằng Moscow không muốn chiến tranh, nhấn mạnh rằng: “Những cảnh báo gần đây của Nga đã có tác dụng nhất định. Dù sao thì căng thẳng cũng đã gia tăng. Điều quan trọng là phải duy trì hiện trạng để không xảy ra bất kỳ cuộc xung đột nào ở biên giới phía tây của chúng tôi".

Lãnh đạo Điện Kremlin sau đó đã yêu cầu Ngoại trưởng Nga - ông Sergei Lavrov thúc đẩy các cam kết lâu dài nghiêm túc từ phương Tây để đảm bảo an ninh cho Nga.

Trong nhiều năm, Moscow đã đặt lằn ranh đỏ nhằm ngăn cản Ukraine đạt được tham vọng gia nhập NATO dù nỗ lực này của chính quyền Kiev vẫn còn là một chặng đường dài. Tuy nhiên, cựu quan chức ngoại giao Nga tại Mỹ Vladimir Frolov cho biết các hình thức hỗ trợ khác của phương Tây dành cho Kiev đã dấy lên một số lo ngại mới cho Moscow.

Theo Reuters, việc Mỹ cung cấp đạn dược và tên lửa chống tăng cho Kiev, việc Anh giúp đỡ cho Hải quân Ukraine và việc Thổ Nhĩ Kỳ bán máy bay tấn công không người lái cho Ukraine đều khiến Điện Kremlin không hài lòng.

Ông Frolov cho biết: “Các lằn ranh đỏ của Nga đã thay đổi. Nó không còn là việc Ukraine gia nhập NATO nữa mà là việc NATO tăng cường hiện diện ở Ukraine".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm