Ra tay với Syria, bước đi khinh suất của Mỹ?

Mỹ ngày 26-6 lại tố cáo Syria đang chuẩn bị một cuộc tấn công hóa học khác và cảnh báo sẽ đáp trả quân sự nếu Syria tiến hành vụ tấn công. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đối ngoại Mỹ cho rằng nếu Lầu Năm Góc ra tay với Syria, hay với các lực lượng Nga và thân Iran thì đó sẽ là một bước đi khinh suất đe dọa các quyền lợi an ninh sống còn của Mỹ.

Nguy cơ sa lầy

Viết trên trang National Interest, Aaron David Miller, Phó Chủ tịch Trung tâm Quốc tế vì các học giả Woodrow Wilson - từng là nhà đàm phán Trung Đông trong các chính phủ Mỹ, cho rằng dù ông Assad có ra đi thì Mỹ cũng chưa chắc tiêu diệt được tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Sự phức tạp của các lực lượng chính trị, các yếu kém về kinh tế, những xung đột giáo phái tại Syria sẽ luôn là cái nôi dung dưỡng Hồi giáo cực đoan. Chính sự suy yếu của chính phủ Damascus giai đoạn đầu nội chiến đã mở đường cho giai đoạn cực thịnh của IS.

Ông Miller cũng cho rằng ý tưởng cố làm suy yếu Tổng thống Bashar al-Assad nhằm đẩy ông từ bỏ quyền lực và thương lượng chính trị là ảo tưởng. Trước khi Nga can thiệp năm 2015, ông Assad đã không có ý định thương lượng. Sau khi có sự hỗ trợ của Nga thì điều này càng xa vời. Nga dù có thể không từ chối một giải pháp chính trị ở Syria nhưng sẽ không dễ bỏ cuộc trước áp lực hay sự đe dọa để chấp nhận đề nghị của phía Mỹ.

Cho dù kịch bản khó tin này có xảy ra, tình hình của Syria cũng sẽ chẳng mấy bình yên khi phương Tây chưa lựa chọn được tổ chức chính trị nào sẽ thay thế chính phủ Assad. Rất nhiều nhóm từ Hồi giáo cực đoan như IS và al-Qaeda đến lực lượng thân Iran hay người Kurd ở phía Bắc sẽ lao vào cuộc chiến mới để tranh giành quyền lực. Các bước đi can dự quân sự lẫn dân sự của Washington vào Syria có thể dẫn đến kết cục sa lầy như tại Iraq.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad thăm căn cứ không quân Hneymim Nga đang sử dụng ở Syria. Ảnh: SANA

Không thể đối đầu Nga-Iran

Cũng viết trên tờ National Interest, Richard Sokolsky, chuyên gia tại Viện Hòa bình quốc tế Carnegie Endowment, từng có 37 năm làm việc trong Bộ Ngoại giao Mỹ, đánh giá rằng tham vọng kiềm chế ảnh hưởng Iran ở Syria là “nói dễ hơn làm”. Leo thang căng thẳng với Iran có thể sẽ hủy hoại thỏa thuận hạt nhân đa phương mà Mỹ đã vô cùng cố gắng đạt được. Thỏa thuận này dù chưa hoàn hảo nhưng đã giúp kiềm chế đáng kể con đường phát triển năng lực vũ khí hạt nhân của Iran trong 10-15 năm tới. Với những đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên ngày càng tăng, chính phủ Tổng thống Donald Trump hiểu rõ mình không muốn lo sợ chồng thêm lo sợ.

Căng thẳng Nga-Mỹ vài tháng gần đây tại chiến trường Syria khiến nhiều người lo ngại xung đột quân sự giữa hai cường quốc nổ ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lo ngại này thật ra không đáng kể vì cả Nhà Trắng và Kremlin đều nhận thức rõ hậu quả nếu mọi sự vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Không chỉ vậy, Moscow mới là bên nắm ưu thế ngoại giao lớn hơn trong vấn đề Syria. Về dài hạn, Nga có vai trò cực kỳ quan trọng trong thiết kế các thỏa thuận ổn định và tái thiết Syria. Không có Nga, việc xây dựng một giải pháp chính trị đủ ổn định tại Syria sẽ vô cùng khó khăn và Mỹ sẽ càng mất thêm thời gian để chấm dứt tình trạng sa lầy ở Syria.

Không khát khao bằng đối thủ

Theo nhận định của Miller và Sokolsky, các nước trong khu vực như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Jordan, các nước vùng Vịnh sẵn sàng hy sinh nhiều hơn Mỹ để bảo vệ quyền lợi ở Syria.

Các nước này hiểu Syria rõ hơn và có lợi thế hơn Mỹ về vị trí địa lý. Iran đã dốc cả người và của vào Syria từ trước khi cuộc nội chiến nổ ra. Nga có căn cứ quân sự và các tài sản quốc phòng đang nằm tại Syria. Các chuyên gia cho rằng liên minh Syria - Iran - Nga hiện tại được xây dựng trên nền tảng ý muốn chung và quyền lợi chung, mạnh hơn nhiều so với liên minh chống IS mà Mỹ dẫn đầu cũng như mạng lưới các đối tác do Mỹ chống lưng ở Syria. Ý tưởng tăng áp lực lên Nga, hay lên Iran để các nước này thay đổi ở Syria là một trò chơi nguy hiểm.

Theo hai chuyên gia Miller và Sokolsky, mục tiêu hàng đầu của Mỹ ở Syria vẫn nên là tiêu diệt IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan, ngăn các tổ chức này tấn công Mỹ, châu Âu và các đồng minh Trung Đông. Đây có thể chưa phải là kỳ vọng lớn nhất Mỹ theo đuổi tại Syria nhưng lại là điều khả thi nhất. Đặc biệt nếu các mục tiêu còn lại thiếu tính thực tế và có thể kéo Mỹ vào một cuộc chiến không có điểm dừng.

Việc Nhà Trắng cảnh báo trước rằng Syria đang chuẩn bị một vụ tấn công hóa học được truyền thông Mỹ đánh giá là một động thái bất thường. Theo The Washington Post, đây là sự phối hợp cấp tốc giữa Nhà Trắng và các quan chức quốc phòng Mỹ. Sau khi nhận thông tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức cấp cao đã phải sắp xếp lại lịch tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi để gấp rút họp bàn về vấn đề này. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson, cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster đều được báo cáo về vụ việc.

Tuy nhiên, tiến trình ra tuyên bố nhanh đến mức có nhiều quan chức cấp cao không kịp biết về diễn tiến. Nhà nghiên cứu cấp cao Ilan Goldenberg tại Trung tâm Vì an ninh Mỹ Mới cho rằng sự nóng vội trong ra cảnh cáo khiến nhiều quan chức không cập nhật kịp thông tin “làm tổn thương uy tín của Mỹ”.

______________________________

11,5 triệu USD là số chi phí Mỹ phải bỏ ra mỗi ngày để thực hiện sứ mệnh “chống IS” tại Syria kể từ tháng 8-2014 đến nay. Trong khi chi phí cho hoạt động không kích của Nga tại chiến trường Syria chỉ dao động 3-4 triệu USD/ngày. Thế nhưng chính Nga mới là bên thay đổi cục diện chiến trường Syria.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm