Ra luật Hải cảnh, Trung Quốc âm mưu gì?

Ngày 22-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc (TQ) thông qua luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh nước này được “thực hiện mọi biện pháp cần thiết trong đó bao gồm việc sử dụng vũ khí” khi cái mà TQ gọi là “chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền, và tài phán bị các tổ chức và cá nhân nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp trên biển”.

Theo luật thì hải cảnh TQ được bắn vào tàu nước ngoài mà không cần cảnh báo trước, nếu chỉ huy thấy cần thiết. Luật quy định trong bối cảnh nào thì được dùng vũ khí nào (cầm tay, trên tàu, trên máy bay).

Luật cho phép hải cảnh TQ phá các cấu trúc nước khác dựng trên các đảo đá mà TQ tuyên bố của mình, khám xét tàu nước ngoài trong vùng biển TQ cho thuộc chủ quyền của mình. Hải cảnh TQ được phép lập các khu vực cấm tạm thời ngăn tàu và người nước khác xâm nhập vùng biển mà TQ tuyên bố chủ quyền.

Luật cho phép hải cảnh TQ bắt giữ hoặc yêu cầu tàu nước ngoài bị cho là xâm nhập trái phép cái TQ gọi là lãnh hải của mình phải rời đi.

Hải quân Malaysia trong một lần tiếp cận tàu hải cảnh TQ ở Biển Đông. Ảnh: GETTY IMAGES

Luật có hiệu lực từ ngày 1-2. TQ âm mưu gì khi ra luật Hải cảnh mà nhiều chuyên gia cho là rất nguy hiểm này?

TQ là nước có lực lượng hải cảnh mạnh nhất khu vực và hoạt động tích cực ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Từ trước khi ra luật Hải cảnh, TQ đã rất thường xuyên cho tàu hải cảnh rượt đuổi thậm chí đánh chìm tàu cá các nước khác trong vùng biển tranh chấp. Hải cảnh TQ đã va chạm nhiều với các lực lượng trên không và trên biển của Nhật, của đồng minh Mỹ ở biển Hoa Đông, với các nước cùng tranh chấp ở Biển Đông.

Theo báo South China Morning Post, thông qua luật Hải cảnh là bước đi tiếp tục nhằm mục tiêu đưa lực lượng hải cảnh TQ trở thành gần như một lực lượng quân đội.

Nhớ lại, từ ngày 1-7-2018, TQ chuyển quyền chỉ huy Hải cảnh từ Cục hải dương quốc gia sang Lực lượng cảnh sát vũ trang (Vũ cảnh). Từ đầu năm 2018 quyền chỉ huy Vũ cảnh được chuyển cho Quân ủy Trung ương, đồng nghĩa Hải cảnh chịu sự kiểm soát trực tiếp của Quân ủy Trung ương TQ. Với thay đổi này Hải cảnh có thể tập trận và huấn luyện với Hải quân TQ, cũng như được cấp pháo hạm cỡ nòng lớn cho các tàu và nhân sự trên tàu.

Nhà nghiên cứu Collin Koh tại trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng luật Hải cảnh mở đường cho TQ dùng vũ lực để bất chấp đòi quyền lợi cho mình trước các nước khác, thậm chí khi hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của nước khác.

Ngay từ khi TQ mới công bố dự thảo luật hồi tháng 11-2020, nhà nghiên cứu Hunter Stires tại ĐH Chiến tranh Hàng hải Mỹ đã cho rằng đây là tín hiệu cho thấy TQ muốn cảnh báo các nước “đừng thách thức các hoạt động của hải cảnh TQ ở ngay trong các vùng biển là vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của các nước Đông Nam Á”.

Theo đài Al Jazeera, thông qua luật Hải cảnh có thể là tín hiệu cho thấy TQ sẽ quyết liệt hơn nữa trong các tranh chấp ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông. Kiểm soát hai vùng biển này là điều khẩn thiết chiến lược nếu TQ muốn chiếm vị trí sức mạnh quân sự hàng đầu của Mỹ ở Đông Á, chưa kể chiếm luôn các nguồn tài nguyên cá và dầu khí dưới biển - một yếu tố chính để duy trì đà phát triển kinh tế của TQ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm