Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý tăng quyền cho tổng thống

Thông tấn xã Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) cho hay sau gần ba tuần tranh luận, sáng 21-1, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp gồm 18 điều, được biết là “dự thảo quyền lực”, với tổng cộng 339 phiếu thuận. Theo qui định, chỉ cần 330/550 nghị sĩ ủng hộ thì dự thảo được thông qua.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, người đứng đầu đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, cùng ngày đã chúc mừng các nghị sĩ khi các khoản sửa đổi hiến pháp được thông qua.

Hiến pháp mới sẽ được đem ra trưng cầu dân ý và có khả năng diễn ra vào tháng 4 năm nay trước khi chính thức có hiệu lực. Nếu kết quả trưng cầu dân ý cho thấy người dân ủng hộ các điều khoản sửa đổi, hiến pháp mới này sẽ trao cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quyền lực đáng kể.

quốc hội thổ nhĩ kỳ

Các nghị sĩ bỏ phiếu thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp tại phiên tranh luận thứ hai ở Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 21-1. Ảnh: CNN

Theo đó, hệ thống quốc hội của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tập trung vào tổng thống, hợp nhất ba cơ quan lập pháp thành một ngành Hành pháp.

Hiến pháp mới cũng sẽ cho phép xóa bỏ vai trò của thủ tướng, đồng thời trao cho tổng thống các quyền như ban luật, tuyên bố tình trạng khẩn cấp, giải tán quốc hội và bổ nhiệm các bộ trưởng, công chức và phân nửa số thẩm phán cấp cao.

Hiến pháp mới cũng sẽ cho phép Tổng thống Erdogan tại vị cho đến ít nhất năm 2029. Dưới hiến pháp hiện hành, vai trò của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhìn chung không quá nhiều. Để trở thành tổng thống khi hiến pháp mới có hiệu lực, ông Erdogan sẽ phải tái tranh cử. Nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức bầu cử đột xuất.

Việc chính thức thông qua hiến pháp mới đòi hỏi 51% số phiếu thuận trong cuộc trưng cầu dân ý. Kemal Kilicdaroglu, lãnh đạo đảng đối lập Nhân dân Cộng hòa (CHP), đã kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ phản đối hiến pháp mới.

Trong gần ba tuần tranh luận qua, nghị sĩ các đảng đã mâu thuẫn tới mức ẩu đả nhau. Tuần trước, một nghị sĩ bị cắn vào chân chảy máu trong khi một nghị sĩ khác bị đấm thương tích ở mũi. Không lâu sau đó, một vụ ẩu đả thứ hai diễn ra khiến một nữ nghị sĩ phải nhập viện.

Những người phản đối lo ngại các điều khoản sửa đổi sẽ trao cho tổng thống quá nhiều quyền lực.

Kể từ vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7-2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã có các biện pháp mạnh tay nhằm vào những người chỉ trích chính phủ và những ai bị cáo buộc có liên hệ tới giáo sĩ đang sống tại Mỹ Fethullag Gulen, người bị cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính.

Sau vụ việc, hàng trăm sĩ quan quân đội đã bị cách chức, gần 11.000 giáo viên bị đình chỉ công tác và nhiều tổ chức truyền thông buộc phải đóng cửa. Phát biểu tại cuộc gặp với các nhà lãnh đạo địa phương ở thủ đô Ankara hôm 19-1, ông Erdogan cho biết cho tới nay có 43.000 người đã bị bắt giữ và 95.000 cá nhân bị sa thải có liên quan tới cuộc đảo chính. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm