Quốc gia ASEAN đầu tiên thông báo mua vaccine COVID-19 Pfizer

Malaysia trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên công bố hợp đồng mua vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng do công ty dược phẩm Pfizer (Mỹ) phát triển, hãng tin Reuters cho hay.

Dẫn thông tin từ hãng thông tấn nhà nước Malaysia Bernama, hãng tin Reuters cho biết trong ngày 27-11, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin thông báo nước này đã ký hợp đồng mua vaccine ngừa COVID-19 của công ty Pfizer (tên là BNT162b2, vẫn chưa được cấp phép).

Ông Yassin cho biết Malaysia sẽ mua 12,8 triệu liều vaccine COVID-19 từ Pfizer. Trong đó, chính quyền Kuala Lumpur kỳ vọng nhận được một triệu liều vaccine đầu tiên vào quý 1 năm 2021. Trong các quý tiếp theo, lần lượt 1,7 triệu, 5,8 triệu và 4,3 triệu liều vaccine sẽ được Pfizer giao cho phía Malaysia. 

Vaccine ngừa COVID-19 mang tên BNT162b2 do công ty Pfizer (Mỹ) phối hợp cùng đối tác BioNTech (Đức) nghiên cứu phát triển. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Yassin cho biết Malaysia sẽ uu tiên "các nhóm có nguy cơ cao bao gồm lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, người cao tuổi và người mắc các bệnh lý không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường".

Tuy nhiên, Thủ tướng Malaysia lưu ý rằng vaccine của Pfizer vẫn phải nhận được giấy phép từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Bộ Y tế Malaysia trước khi được dùng để tiêm cho người dân nước này.

Pfizer cùng với đối tác là công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) đã nộp hồ sơ lên FDA xin phép sử dụng khẩn cấp vaccine BNT162b2. FDA dự định sẽ tổ chức một buổi họp vào ngày 10-12 để thảo luận về hồ sơ này.

Quyết định này của Malaysia được công bố trong bối cảnh nhiều nước châu Á không mấy mặn mà với vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer. Dù đạt hiệu quả tới 95% nhưng yêu cầu vận chuyển, bảo quản vaccine rất khắc nghiệt. Vaccine BNT162b2 cần được giữ ở nhiệt độ -70 độ C và chỉ bảo quản được trong khoảng 5-15 ngày.

Theo kỳ vọng của Kuala Lumpur, lượng vaccine này sẽ đủ để tiêm chủng cho 6,4 triệu người, tương đương 20% số dân Malaysia. Khoảng 10% số dân khác sẽ được tiêm vaccine nhận từ chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Người dân Malaysia sẽ được tiêm ngừa COVID-19 miễn phí.

Bên cạnh Malaysia, Pfizer đã đạt được thỏa thuận cung cấp vaccine BNT162b2 cho nhiều nước như Mỹ, Đức, Nhật, Canada, Úc, Anh...

Pfizer đặt mục tiêu chỉ trong năm 2020 sẽ cung cấp 50 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trên phạm vi toàn cầu và kỳ vọng sang năm 2021, công ty này sẽ bán được 1,3 tỉ liều vaccine.

Theo thống kê của WHO, trên toàn thế giới, hơn 150 loại vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng đang được nghiên cứu, phát triển. Trong đó, 48 loại ứng viên vaccine đang trải qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người.

Hiện nay, khoảng 3.000 người Malaysia đang tham gia giai đoạn thử nghiệm thứ ba của vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng do Viện Khoa học Y tế Trung Quốc phát triển. 

Vaccine ngừa COVID-19 mang tên AZD1222 do công ty AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu phát triển. Ảnh: AP

Trong cùng ngày 27-11, Thái Lan và Philippines đã công bố các hợp đồng mua vaccine COVID-19 tiềm năng AZD1222 do công ty dược phẩm Anh AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển, theo hãng tin AP.

Các cơ quan nhà nước Thái Lan mua 26 triệu liều, trong khi các công ty tư nhân ở Philippines đã đặt mua tổng cộng 2,6 triệu liều vaccine AZD1222 của AstraZeneca.

Trước đó, vào ngày 11-10, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên thông báo đã đặt mua vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca (100 triệu liều).

Trong bốn quốc gia trên, Indonesia và Philippines là hai nước có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á. Indonesia đã phát hiện gần 522.600 ca nhiễm (gồm hơn 16.500 ca tử vong), trong khi Philippines có hơn 425.900 ca nhiễm (gồm 8.255 ca tử vong).

Malaysia và Thái Lan có số liệu dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn. Malaysia có 350 trường hợp tử vong trong tổng số gần 61.900 ca nhiễm. Thái Lan có gần 4.000 ca nhiễm, gồm 60 trường hợp tử vong. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm