Trung Quốc tính khoe gì dịp Quốc khánh 2019?

Tờ South China Morning Post ngày 23-9 đưa tin, Trung Quốc đã chuẩn bị tổ chức diễu binh với sự tham gia của những hệ thống vũ khí tấn công tân tiến nhất nhân lễ Quốc khánh lần thứ 70 của mình.

Sự kiện lần này sẽ có quy mô lớn hơn tất cả các lễ diễu binh từng tổ chức trước đó và hội tụ đầy đủ những thành tựu mà nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã đạt được dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, các chuyên gia nhận định. 

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Các loại vũ khí xuất hiện trong lễ kỷ niệm đã được hé lộ qua hình ảnh buổi tổng duyệt của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) diễn ra hôm 14-9.

Tại buổi lễ, ông Tập, người đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, sẽ tham gia diễu binh với 48 đơn vị mặt đất và hơn 10 phi đội bay, South China Morning Post dẫn một nguồn tin quân sự Trung Quốc.

Các phi đội bay sẽ có sự tham gia của máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên của Trung Quốc J-20, các máy bay chủ lực hiện nay như J-10, J-11 B và trực thăng vũ trang Z-20. Một nguồn tin cho biết máy bay chiến đấu phản lực J-8, máy bay đánh chặn đầu tiên do Trung Quốc chế tạo, đã bị cho nghỉ hưu và không tham gia cuộc diễu binh này.

Kế hoạch hiện đại hóa quân đội của ông Tập được thực hiện từ năm 2012, khi ông giải thể bốn tổng cục và thay thế bằng 15 cơ quan tham mưu nhỏ hơn.

Ông lần lượt cắt giảm quân số để xây dựng lực lượng tác chiến nhanh theo tiêu chuẩn quốc tế, chia tách và thành lập Lực lượng Tên lửa, Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược và thúc đẩy các hoạt động của PLA trên không gian mạng và ngoài vũ trụ.

Nổi bật trong số các đơn vị vũ khí tham gia lễ diễu binh là tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41, tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, tên lửa đạn đạo siêu âm DF-17 và tên lửa JL-2 trang bị cho tàu chiến.

Adam Ni, nghiên cứu sinh tại ĐH Macquarie, Úc, cho rằng việc phô trương các loại tên lửa mặt đất và tên lửa phóng từ tàu chiến cho thấy Trung Quốc đã cải thiện khả năng răn đe hạt nhân bằng cách xây dựng lực lượng hiện đại ở cả ba quân chủng hải quân, không quân và lục quân.

Tên lửa DF-41 là vũ khí tối tân của quân đội Trung Quốc, với khả năng tự bảo về khỏi hệ thống radar địch, mang được nhiều đầu đạn và có tầm bắn đến hầu như mọi nơi trên Trái đất, kể cả nội địa Mỹ, chuyên gia Ni cho biết.

Tên lửa JL-2 có tầm bắn chỉ 7.000 km nhưng có thể được bắn từ tàu ngầm. Tên lửa JL-3, cải tiến từ tên lửa JL-2, mới được thử nghiệm hồi tháng 6, nhưng vẫn có tầm bắn thấp hơn tên lửa Trident II của Mỹ. Tên lửa DF-17 là tên lửa chiến lược đất đối đất tầm ngắn có khả năng mang cả đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thường.

Máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên của Trung Quốc J-20. Ảnh: EPA-EFE

Chuyên gia Ni cho rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, bao gồm việc giới thiệu các hệ thống tên lửa mặt đất có khả năng cơ động và sống sót tốt hơn. Nghĩa là những tên lửa này có khả năng duy trì hoạt động sau đòn tấn công đầu tiên.

Nhà bình luận quân sự Hong Kong Song Zhongping cho biết các vũ khí hạt nhân sẽ tham gia lễ diễu binh là những tên lửa chiến lược phục vụ ý đồ nâng cao khả năng răn đe của Trung Quốc.

Trước đó vào tháng 7, PLA đã công bố sách trắng quốc phòng, trong đó nhấn mạnh mục tiêu "duy trì an ninh chiến lược quốc gia bằng việc ngăn chặn các quốc gia khác sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đối với Trung Quốc".

Ông Zhou Chenming, một nhà quan sát quân sự ở Bắc Kinh, nhận định Trung Quốc cần "phô diễn cơ bắp" của mình giữa lúc căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ. Tuy nhiên, để tránh hiểu lầm, "hầu hết những vũ khí được sử dụng chỉ là trang bị chiến lược, không phải vũ khí chiến thuật, bởi vì Bắc Kinh không muốn chọc giận Washington".

Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, có khoảng 280.000 người đã tham gia buổi tổng duyệt và phục vụ các hoạt động hỗ trợ liên quan. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm