Trung Quốc điều tàu chiến tối tân tập trận cùng Nga

Theo đài CNN, Bộ Quốc phòng hai nước Trung Quốc và Nga đã xác nhận sự tham gia diễn tập của khu trục hạm có tên lửa dẫn đường Hefei Type 052D của Trung Quốc. Đây là đợt tập trận chung đầu tiên từ trước tới nay ở vùng biển châu Âu giữa hai nước, theo báo cáo trên trang web chính thức của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc diễn tập bắt đầu vào ngày 21-7, sẽ bao gồm nội dung tác chiến chống ngầm và tập trận phòng không. Các cơ sở hải quân của Nga trong khu vực Kaliningrad kẹp giữa Ba Lan và Lithuania – hai đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), được chọn làm trụ sở cuộc tập trận.

Khu trục hạm Type 052D của Trung Quốc. Ảnh: Military-Today

Bắc Kinh cho biết đây là lần đầu tiên khu trục hạm Hefei Type 052D, được hạ thủy cách đây hai năm, tham gia tập trận. Tham gia cùng có một tàu khu trục tên lửa nhỏ, một tàu cung ứng và khoảng 10 tàu chiến của Nga.

Giới phân tích nhận định lựa chọn biển Baltic làm nơi tập trận có ý nghĩa rất lớn. Khu vực này vẫn còn là nguồn cơn dẫn tới căng thẳng dâng cao giữa Nga và Mỹ cùng các đồng minh NATO. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Trung Quốc trong vùng biển này phát đi tín hiệu rằng Bắc Kinh muốn được nhìn nhận ngang bằng với các cường quốc đó.

Trong một thông báo về tập trận ở biển Baltic, Trung Quốc cho hay họ không hề nhắm tới bất kỳ “bên thứ ba” nào. Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn cầu của nước này dẫn lời chuyên gia hải quân Li Jie nói rằng sự xuất hiện của một tàu chiến tối tân trong tập trận mang thông điệp nhất định.

“Bằng cách điều khu trục hạm có tên lửa dẫn đường hiện đại nhất, Trung Quốc đang  bày tỏ thiện chí đối với Nga và cũng gửi một tín hiệu mạnh mẽ cho các quốc gia khác – những nước muốn khiêu khích chúng tôi” – ông Li nói.

Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, các tàu chiến Trung Quốc đã trải qua quãng đường dài hơn 16.000 km để đến biển Baltic. Tại biển Địa Trung Hải hồi tuần trước, các tàu này cũng đã tiến hành tập trận bắn đạn thật. Ngoài ra, một nhóm tàu nhỏ của Trung Quốc do khu trục hạm có tên lửa dẫn đường Changchun gần đây đã tham gia tập trận với hải quân Ý cũng tại Địa Trung Hải.

 “Bắc Kinh đã bắt đầu gia tăng triển khai lực lượng hải quân trên phạm vi diện rộng, giúp các nhân viên hải quân có được kinh nghiệm quý báu về các chiến dịch tuần dương” – theo một phân tích của Stratfor, trung tâm phân tích tình báo địa chính trị của Mỹ.

Magnus Nordenman, phó giám đốc Trung tậm An ninh quốc tế Brent Scowcroft tại Hội đồng Atlantic, đánh gia vai trò đang tăng của Trung Quốc trong thương mại thế giới đồng nghĩa với việc nước này muốn tiếp cận các cảng biển ở Bắc Âu.

Một đội tàu chiến của Trung Quốc với sự dẫn đầu của tàu sân bay Liêu Ninh (giữa) tiến hành tập trận ở biển Đông hôm 2-1-2017. Ảnh: CNN

Cuộc tập trận giữa Bắc Kinh và Moscow ở biển Baltic cũng diễn ra trong bối cảnh hải quân PLA có một tháng tất bật với việc cố gắng hiện diện trên toàn thế giới. Tuần trước, Bắc Kinh đã điều các tàu chiến cùng binh sĩ tới một căn cứ quân sự mới thành lập ở Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi. Căn cứ quân đội ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc có vai trò vô cùng quan trọng, sẽ hỗ trợ các tàu chiến Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và phục vụ các chuyến đi xa hơn. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết nhóm tàu chiến do khu trục hạm Hefei Type 052D trên đường tới biển Baltic đã ghé lại căn cứ Djibouti trước khi tới Biển Đỏ và đi vào kênh đào Suez.

Việc khu trục hạm Hefei Type 052D của Trung Quốc đến biển Baltic tập trận chung với hải quân Nga đã thu hút sự chú ý của một số nước châu Âu. Hãng tin RT đưa tin, Anh, Hà Lan và Đan Mạch lần lượt điều tàu chiến theo dõi ba tàu Trung Quốc đang di chuyển đến khu vực trên.

“Tàu hộ tống, tàu tiếp tế và khu trục hạm Trung Quốc di chuyển qua vùng biển Đan Mạch. Chúng tôi hộ tống ba tàu này. Đây là một phần của hoạt động trinh sát thông thường trong lãnh hải của chúng tôi” - ông Klaus Thing Rasmussen, đại diện của quân đội Đan Mạch, cho biết. Tuy nhiên, ông Rasmussen từ chối công bố vị trí của ba tàu Trung Quốc.

Trong vài ngày qua, hải quân Anh, Hà Lan và Đan Mạch lần lượt xác nhận đã điều các chiến hạm hộ tống nhóm tàu Trung Quốc.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo cuộc tập trận chung Nga - Trung giai đoạn 1 diễn ra tại Baltic bắt đầu vào ngày 21-7, với sự tham gia của hàng chục tàu chiến và máy bay quân sự hai nước. Còn giai đoạn thứ hai của tập trận sẽ tiếp tục ở biển Nhật Bản và Biển Okhotsk vào tháng 9 tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm