Trận đại chiến xe tăng lớn nhất mọi thời đại

tran-dai-chien-xe-tang-lon-nhat-moi-thoi-dai

Trận chiến Kursk diễn ra giữa phát xít Đức và Hồng quân Liên Xô năm 1943. Ảnh:Wikimedia

Năm 1943, sau thất bại nặng nề trong trận Stalingrad, trùm phát xít Đức Adolf Hitler thúc giục các tướng lĩnh tập trung lực lượng mở một hướng tấn công mới nhằm đè bẹp ý chí kháng cự của quân và dân Liên Xô, và đến tháng 7/1943, trận đại chiến quy mô lớn của phát xít Đức và Hồng quân Liên Xô diễn ra tại Kursk, mỏm đất nằm cách thủ đô Moscow khoảng 500 km về phía nam.

Nếu quân Đức chọc thủng được các phòng tuyến của Nga ở Kursk và giành được chiến thắng mang tính quyết định trước Hồng quân Liên Xô, nhiều khả năng họ sẽ xoay chuyển cục diện chiến trường theo ý mình, theo DailyBeast.

Vùng đồng bằng Kursk là một dải đất nhô cao do Liên Xô kiểm soát, phần nhô ra rộng 193 km, dài 144,8 km vào sâu bên trong vùng đất do quân Đức kiểm soát. Nếu muốn tấn công Kursk, cách dễ dàng nhất cho quân Đức là tiến theo hai mũi đồng thời theo trục bắc - nam, cắt rời mỏm đất này khỏi phần lãnh thổ còn lại của Liên Xô. Không may cho quân Đức, các tướng lĩnh Hồng quân Liên Xô đã đoán ra ý đồ của họ, và có những động thái chuẩn bị sẵn sàng.

Ngày 17/2/1943, Hitler bay đến đây để bàn kế hoạch tác chiến với thống chế Erick von Manstein trên tiền tuyến trong ba ngày. Khu vực sân bay nơi máy bay chở Hitler hạ cánh nằm sát với chiến tuyến của Liên Xô đến mức nằm trong tầm bắn của một số xe tăng T-34.

Do hai bên đều nhận thức rõ động thái tiếp theo của nhau nên thống chế Manstein muốn tấn công càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là ngay đầu tháng ba, tuy nhiên Hitler ra lệnh hoãn thực hiện chiến dịch Citadel cho tới khi tuyết trên mặt đất hoàn toàn tan hết. Hitler cũng muốn hoãn chiến dịch cho đến khi xe tăng Tiger được sản xuất đầy đủ, bởi ông ta tin rằng một tiểu đoàn tăng Tiger có sức mạnh bằng cả một sư đoàn tăng khác. Tuy nhiên, lúc đó Đức mới chỉ sản xuất được 12 chiếc Tiger mỗi tuần.

Đến mùa hè năm 1943, quân đội Đức đã tiếp nhận thêm những vũ khí mới như xe tăng Tiger, Panther, và pháo tự hành Ferdinand. Không quân Đức tiếp nhận tiêm kích Focke-Wolfe 190A và Henschel 129. Cũng trong thời gian này, 2/3 quân đội Đức đã có mặt tại Nga.

Để tấn công vào Kursk, Đức đã huy động 900.000 lính, 10.000 khẩu pháo, 2.700 xe tăng và 2.000 máy bay đến khu vực này. Hitler ra lệnh cho các tướng lĩnh phải giành chiến thắng bằng mọi giá, đồng thời tuyên bố trận chiến ở Kursk là "lời cảnh báo cho toàn thế giới".

Trong khi đó, Nga đã xây dựng thế trận phòng ngự bất khả xâm phạm ở phần dải đất nhô ra này. Tại một số khu vực phòng ngự, Nga bố trí hơn 20.000 khẩu pháo, trong đó có hơn 6.000 súng chống tăng 76,2 mm và 920 bệ phóng hỏa tiễn Katyusha sẵn sàng dội hỏa lực vào xe tăng Đức.

tran-dai-chien-xe-tang-lon-nhat-moi-thoi-dai-1

Quân Đức chia làm nhiều mũi tấn công theo hướng bắc - nam hòng chia cắt Kursk. Đồ họa:Wikimedia

Ngoài ra, các khẩu pháo và bom xuyên giáp trên cường kích Shturmovik Ilyushin II-2 cũng là mối hiểm họa lớn với các xe tăng Đức. Trên mặt đất, Hồng quân đào hơn 4.828 km chiến hào, bố trí hơn nửa triệu mìn chống tăng và gần 440.000 mìn chống bộ binh để cản bước quân Đức.

Đại chiến xe tăng

Từ lời khai của các tù binh Đức, Hồng quân Liên Xô nắm được rằng quân Đức sẽ phát động tấn công vào rạng sáng ngày 5/7. Không kịp chờ chỉ thị từ cấp cao nhất, các chỉ huy Nga trên chiến trường ra lệnh tấn công phủ đầu "chống chuẩn bị" của quân Đức bằng hỏa lực pháo binh và hỏa tiễn Katyusha. Bị pháo kích dữ dội suốt nhiều giờ, quân Đức mất gần hai tiếng đồng hồ mới có thể tái tổ chức đội hình chiến đấu.

4h30 sáng ngày 5/7, quân Đức bắt đầu tấn công với hỏa lực pháo binh nã dồn nập. Trên mũi tấn công chính có 500 xe tăng; các xe tăng hạng năng đi tuyến đầu, được hỗ trợ bằng xe tăng hạng trung và bộ binh phía sau. Đức cố gắng phá vỡ phòng tuyến Liên Xô 4 lần, và giành được 9,65 km đất trong 24 giờ giao tranh đầu tiên, nhưng cái giá phải trả không hề rẻ khi có tới 25.000 quân thương vong, 200 xe tăng và pháo tự hành cùng 200 máy bay bị phá hủy.

Lúc 8:30 sáng 12/7, các lực lượng Liên Xô phát động một đợt phản công chống lại sư đoàn tăng Panzer số 4 của Đức. Nhận thấy lực lượng tấn công của Liên Xô nếu thành công có thể nghiền nát toàn bộ quân Đức ở phía Nam, Thống chế Đức Erich Von Manstein đã dồn tất cả lực lượng trong tay để chống lại. Một cuộc giao tranh ác liệt nổ ra trên một mặt trận trải dài hơn 199 km ở phía đông nam Kursk, với tổng số 1.500 xe tăng tham chiến.

"Sau vài phút khai hỏa khi đang di chuyển, đội hình tấn công bậc thang của quân đoàn tăng số 18 và 29 của chúng tôi đã thọc sâu nhanh chóng vào đội hình tăng của Đức", chỉ huy quân đội Liên Xô Pavel Rotmstrov nhớ lại.

Bị xe tăng đối phương thọc sâu bất ngờ, các xe tăng Tiger và Panther của Đức đánh mất lợi thế hỏa lực tầm xa của mình, trở nên bị động trước các tăng T-34 và thậm chí là tăng T-70 hạng nhẹ hơn của Liên Xô trong khoảng cách gần hơn.

Khói bụi cuồn cuộn trên khắp chiến trường, mặt đất rung chuyển sau những tiếng nổ lớn. Các xe tăng tấn công nhau, quần thảo trên chiến trường và không thể tự tìm đường thoát ra, chiến đấu cho đến trúng đạn bốc cháy hoặc đứt bánh xích không di chuyển được. Có những xe tăng bị loại khỏi vòng chiến vì đứt xích, nhưng vẫn tiếp tục khai hỏa pháo và súng máy vào đối phương.

"Tôi loại được chiếc tăng đầu tiên của địch khỏi vòng chiến và di chuyển được khoảng 100 m thì bắt gặp một chiếc tăng Tiger đang ở trước mặt, đang bắt đầu khai hỏa vào các xe tăng của chúng tôi", Yevgeny Shkurdalov, sĩ quan tăng của Liên Xô, hồi tưởng lại.


Chiếc Tiger quay nòng pháo liên tục, bắn gục từng chiếc xe tăng T-34 của Liên Xô, cho đến khi bị Shkurdalov bắn một phát đạn xuyên giáp khiến nó bốc cháy. Shkurdalov bồi thêm một phát đạn nữa, chiếc Tiger cháy dữ dội hơn.

Wilhelm Res, một lính xe tăng Đức, nhớ lại: "Bỗng dưng một chiếc T-34 đột phá và xông thẳng vào chúng tôi. Pháo thủ số một bắt đầu nạp đạn, và chỉ huy xe chúng tôi hét lên gấp gáp 'Bắn, bắn!', bởi chiếc tăng địch đã tiến gần hơn. Sau khẩu lệnh bắn lần thứ 4, tôi nghe thấy ông nói 'Tạ ơn Chúa!'"

"Chiếc T-34 dừng lại cách chúng tôi chỉ 8 mét. Phía trên tháp pháo có một lỗ rộng 5 cm như thể bị khoan thẳng vào. Lực lượng hai bên trộn lẫn vào nhau trên chiến trường hỗn loạn. Các xe tăng của chúng tôi tiêu diệt được đối thủ trong khoảng cách gần, nhưng cũng hứng chịu tổn thất nặng nề", Res nói.

Theo tài liệu từ Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng Nga, kíp tăng của đại úy Skripkin, chỉ huy tiểu đoàn 2, lữ đoàn 181, quân đoàn tăng số 18 đã thọc sâu chia cắt một đội hình tăng Tiger của Đức, loại hai xe tăng của đối phương khỏi vòng chiến trước khi bị một quả đạn 88 mm bắn trúng tháp pháo và một quả đạn khác xuyên lớp giáp sườn.

Chiếc tăng T-34 này bốc cháy, đại úy Skripkin bị thương và được trung sĩ Nikolayev lái xe và lính liên lạc Zyryanov kéo ra khỏi xe, nhưng họ bị một chiếc tăng Tiger phát hiện và truy đuổi. Nikolayev và lính nạp đạn Chernov nhảy vào chiếc xe đang bốc cháy và hướng nó đâm vào chiếc Tiger làm cả hai cùng phát nổ.

Cuộc tấn công của lực lượng thiết giáp Liên Xô, trong đó có nhiều xe tăng mới với đầy đủ đạn dược đã áp đảo hoàn toàn các sư đoàn mệt mỏi vì chiến đấu trong thời gian dài của địch, khiến Đức mất dần lợi thế tấn công.

Kết quả là sau cuộc phản công của quân đoàn chủ lực tăng bảo vệ số 5 của Liên Xô, hai sư đoàn tăng Panzer số một và số ba của Đức bị chặn đứng ở phía bắc Prokhorovka, cách Kursk không xa. Các sư đoàn tăng này bị tổn thất nặng nề và không thể phát động một cuộc tấn công thực sự nào nữa.

Sư đoàn Panzer số hai của Đức cũng bị tổn thất nặng nề do bị quân đoàn tăng số hai của Liên Xô phản công ở phía nam Prokhorovka. 

Ngày 23/7, quân Đức bị đẩy lùi về nơi họ bắt đầu cuộc tấn công. Thế chủ động trên chiến trường giờ thuộc về quân Nga và quân Đức buộc phải rút lui. Ước tính trong trận đấu tăng ở Provkhorovka, Liên Xô mất 500 xe tăng và pháo tự hành, trong khi Đức có 300 xe tăng bị phá hủy.

Diễn biến tương tự cũng diễn ra trên hướng nam của dải đất. Quân Đức tại đây có 300.000 quân và khoảng 600 xe tăng, trong khi Liên Xô có gần một triệu quân và xe tăng cũng nhiều hơn. Kết quả là ngày 13/8, Hồng quân đã phản công chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài ở thành phố Kharkov, và ngày 23/8, thành phố này được giải phóng. Việc lấy lại thành phố Kharkov được xem là dấu chấm hết của trận đánh Kursk.

Đến nay, các nhà sử học vẫn không khỏi sửng sốt trước quy mô của trận chiến ở Kursk, nơi gần ba triệu quân nhân, 8.000 xe tăng và gần 5.000 chiến đấu cơ tham chiến, phá vỡ mọi kỷ lục về số lượng chiến đấu cơ lẫn xe tăng tham gia một trận chiến trong lịch sử nhân loại.

Trận đánh Kursk đã khiến Đức chịu tổn thất nặng nề với 500.000 lính bị chết, bị thương hoặc mất tích cùng lượng lớn xe thiết giáp bị phá hủy. Đây là lần cuối cùng Đức phát động cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào Nga. Sau trận chiến này, quân Đức chỉ còn cách rút lui và gắng tránh bị Hồng quân truy kích.

Theo Duy Sơn (Vnexpress)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm