Tiêm kích 'Chiếu tướng' mới của Nga có thể khiến nhiều nước 'xếp hàng mua'

Hôm 20-7, văn phòng thiết kế máy bay Sukhoi của Nga tiết lộ máy bay chiến đấu mới nhằm cạnh tranh với tiêm kích F-35 Joint Strike Fighter của Mỹ. Dựa trên công nghệ từ tiêm kích Su-57 cũng của Sukhoi, Sukhoi đặt tên cho tiêm kích mới này là Checkmate (Chiếu tướng), theo hãng tin Sputnik.

Nguyên mẫu Checkmate là màn mở đầu của cuộc triển lãm hàng không MAKS-2021, được tổ chức tại sân bay Zhukovsky (đông nam thủ đô Moscow của Nga). Cuộc triển lãm diễn ra từ ngày 20-7 đến ngày 25-7. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến tham dự trong ngày khai mạc.

Mới "nhá hàng" nhưng nhu cầu mua khá cao

Hôm 20-7, Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov nói rằng Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi là những khách hàng tiềm năng của mẫu máy bay chiến đấu hạng nhẹ mới Checkmate của Nga. Ông Borisov nói thêm nhu cầu mua máy bay này khá cao, ước tính 300 chiếc.

Nguyên mẫu máy bay chiến đấu mới Checkmate của Nga tại cuộc triển lãm hàng không và vũ trụ quốc tế MAKS-2021 hôm 20-7. Ảnh: CNN

“Trước tiên, máy bay sẽ thực sự tập trung vào các nước châu Phi, Ấn Độ và Trung Quốc. Nhu cầu mua máy bay này khá cao, ước tính ít nhất 300 chiếc trong tương lai gần” – ông Borisov nói tại Viện hàng không và không gian quốc tế MAKS-2021 hôm 20-7.

Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov hy vọng Lực lượng không gian vũ trụ Nga cũng sẽ mua tiêm kích Checkmate.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thị sát một nguyên mẫu Checkmate – tiêm kích thế hệ thứ năm mới của tập đoàn Sukhoi. Checkmate được ca ngợi là đối thủ của tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ.

Tập đoàn công nghiệp quốc phòng nhà nước Nga Rostec cho biết tiêm kích Checkmate rất khó bị phát hiện và sẽ có chi phí vận hành thấp.

Một video quảng cáo ngắn có các phi công Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Argentina cho thấy Moscow muốn đưa máy bay mới này ra nước ngoài.

Tiêm kích Su-57 của Nga. Ảnh:  Maksim Blinov/Sputnik

“Chắc chắn máy bay tấn công hạng nhẹ Checkmate có tiềm năng xuất khẩu cao. Máy bay có khả năng giải quyết mọi nhiệm vụ do khách hàng đặt ra, bao gồm phá hủy hiệu quả mục tiêu trên biển và đất liền cũng như chiến đấu giành ưu thế trên không với các lực lượng vượt trội về số lượng” – người đứng đầu Rostec, ông Sergey Chemezov  nói.

Ông Chemezov nhấn mạnh rằng Checkmate cũng sẽ dành được sự quan tâm đặc biệt từ các khách hàng ở Trung Đông, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ Latinh.

Theo ông Chemezov, Checkmate có tầm radar thấp, hiệu suất bay cao và được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Checkmate còn sở hữu khoang vũ khí bên trong rộng rãi nhất trong số các loại máy bay cùng loại.

Checkmate có thể mang tới năm tên lửa không đối không với nhiều tầm bắn khác nhau và các vũ khí hàng không khác. Máy bay mới này còn có thể được sử dụng để phóng máy bay không người lái.

Tổng giám đốc United Aircraft Corporation (UAC) – ông Yury Slyusar đã ca ngợi những đặc tính của Checkmate trên truyền hình nhà nước Nga. Ông Slyusar mô tả Checkmate độc đáo và có bán kính chiến đấu 1.500 km, tỉ số giữa lực đẩy và trọng lượng máy bay cao nhất, thời gian cất và hạ cánh được rút ngắn.

Dự kiến chuyến bay đầu tiên của Checkmate diễn ra vào năm 2023. Theo kế hoạch UAC sẽ bắt đầu bàn giao máy bay một động cơ mới này vào năm 2026.

Tải trọng chiến đấu tốt đa của Checkmate là 7,4 tấn, trong khi tầm bay khi không có thùng nhiên liệu bên ngoài là 2.900 km, ông Chemezov lưu ý. Bên cạnh đó, Checkmate có chi phí bảo trì thấp nhờ được trang bị hệ thống hỗ trợ hậu cần tự động.

Giá chỉ bằng một phần nhỏ giá của F-35 Mỹ

Người đứng đầu Rostec cho biết Checkmate sẽ có giá 25 triệu USD – 30 triệu USD mỗi chiếc, chỉ bằng một phần nhỏ giá của một số tiêm kích hiện đại của châu Âu như Dassault Rafale và Saab Gripen cũng như F-35 của Mỹ.

 “Tại sao chúng tôi có thể chế tạo máy bay này nhanh đến vậy? Chúng tôi đã dựa trên công nghệ của tiêm kích Su-57” – ông Chemezov giải thích.

Nga chế tạo Checkmate dựa trên công nghệ của Su-57. Ảnh: Sergei Fadeichev/TASS

Giống như Su-57, Checkmate có phần vòm “bong bóng” và khoang vũ khí bên trong, một tiêu chuẩn để giảm thiểu tiếp xúc với tín hiệu radar của đối phương. Một màn hình hiển thị gần Checkmate cho thấy một số loại vũ khí tiềm năng của máy bay, bao gồm tên lửa phòng không tầm nhiệt R-73, tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar R-77 và tên lửa hành trình diệt hạm Kh-59MK. Điều này có nghĩa là Checkmate có thể được sử dụng cho cả nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và tấn công mặt đất.

Checkmate cũng sẽ có thể triển khai UAV hình tên lửa từ khoang vũ khí bên trong. Tiêm kích mới của Nga có thể đạt đến vận tốc 2.695 km/giờ và độ cao 16 km.

Những điểm khác biệt đáng chú ý của Checkmate so với Su-57 là Checkmate có một động cơ, giúp tiêm kích nhẹ hơn nhiều. Thiết kế của Checkmate có một cửa nạp Diverterless Supersonic Inlet (DSI) được gắn dưới mũi máy bay.

Nga đã không ra mắt máy bay chiến đấu một động cơ trong hơn 50 năm kể từ khi tiêm kích Su-22 và MiG-27 đi vào hoạt động năm 1970.

Trong khi Mỹ từ chối bán tiêm kích hiện đại F-22 cho các nước khác thì F-35 đã được bán cho nhiều quốc gia, không chỉ các nước đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà còn đối tác của Mỹ như Israel và UAE. Do đó, có thể nói Checkmate là câu trả lời của Moscow đối với sự phổ biến F-35 trên toàn cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm