Thổ Nhĩ Kỳ cam kết bảo toàn hệ thống phòng thủ NATO

Tại hội thảo trực tuyến do Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở ở Washington (Mỹ) tổ chức ngày 14-4, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phát biểu rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng mua hệ thống tên lửa đất đối không Patriot của Mỹ cũng như các hệ thống tương tự khác từ các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo hãng tin TASS.

Hệ thống Patriot của Mỹ. Ảnh: EPA-EFE

“Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 là kết quả của việc Mỹ từ chối đáp ứng các nhu cầu cấp bách của chúng tôi trong 10 năm qua. Và điều này cũng đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận” - ông Cavusoglu nói.

“Chúng tôi sẵn sàng mua hệ thống Patriot nếu chúng tôi nhận được đề nghị tốt. Và lập trường của chúng tôi về vấn đề S-400 không thay đổi. Chúng tôi đề nghị Mỹ thiết lập một nhóm làm việc kỹ thuật có sự tham gia của cả NATO, và NATO có thể dẫn đầu nhóm làm việc này. Và đề nghị này vẫn đang được bàn bạc” - ông Cavusoglu nói tiếp.

Ông khẳng định rằng “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ đặt tính toàn vẹn của hệ thống phòng thủ NATO vào tình trạng nguy hiểm”.

“Điều này cũng bao gồm chương trình F-35, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác sáng lập” - Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Ông Cavusoglu nói thêm: Ankara đã phân bổ 1,35 tỉ USD cho chương trình này trước khi bị Washington loại khỏi chương trình do nước này mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga.

“Những gì chúng tôi muốn nói là: Chúng tôi phải mua hệ thống phòng không S-400 chỉ bởi vì chúng tôi không thể mua những loại hệ thống khác từ các đồng minh của mình trong 10 năm qua. Và trong tương lai, chúng tôi cần thêm hệ thống phòng không. Nếu các đồng minh có thể cung cấp, không nhất định phải là Patriot của Mỹ mà có thể là hệ thống SAMP/T của Tập đoàn Eurosam (liên doanh giữa Ý và Pháp) hay bất kỳ hệ thống tương tự nào từ các đồng minh khác thì chúng tôi ưu tiên mua từ các đồng minh của mình. Nếu không, chúng tôi phải tìm phương án thay thế” - ông Cavusoglu nhấn mạnh.

Chỉ trích Mỹ

Ông Cavusoglu đã chỉ trích Mỹ đặt ra nhiều điều kiện tiên quyết khác nhau để bàn giao hệ thống Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ.

“Trước hết, không phù hợp khi đưa ra các điều kiện tiên quyết khi một đồng minh đang cần mà lại là nhu cầu cấp bách. Thổ Nhĩ Kỳ cần sự ủng hộ của NATO và của các nước thành viên. Và chúng tôi cần hệ thống tên lửa và phòng không tiên tiến để bảo vệ người dân của mình” - ông Cavusoglu nói.

Nhà ngoại giao hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh: Mối đe dọa tên lửa đạn đạo Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt là có thật.

Theo ông Cavusoglu, các nỗ lực trước đó của Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống Patriot từ Mỹ không thành công.

“Thật không may, Quốc hội Mỹ - đúng vậy, tôi có thể hiểu được sự thất vọng và phản ứng của họ (trước việc Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng mua S-400 với Nga) nhưng Quốc hội Mỹ đã đóng vai trò tiêu cực trong vấn đề này” - ông Cavusoglu nói.

S-400, F-35 và Thổ Nhĩ Kỳ

Tháng 9-2017, Nga thông báo đã ký thỏa thuận trị giá 2,5 tỉ USD với Thổ Nhĩ Kỳ để bàn giao các hệ thống phòng không S-400 cho Ankara.

Theo hợp đồng, Ankara sẽ nhận một trung đoàn S-400 (gồm hai tiểu đoàn). Thỏa thuận cũng bao gồm nội dung chuyển giao một phần công nghệ sản xuất S-400 cho phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Hệ thống S-400 của Nga. Ảnh: AFP

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO đầu tiên mua S-400 từ Nga. Nga bắt đầu bàn giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12-7-2019.

Mỹ và NATO đã cố gắng chặn thương vụ S-400. Washington nhiều lần cảnh báo sẽ áp lệnh trừng phạt vào Ankara nếu nước này quyết mua S-400.

Hôm 17-7-2019, thư ký báo chí Nhà Trắng trong một tuyên bố nói rằng quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga đã khiến cho việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tham gia chương trình phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 là điều không thể.

S-400 Triumf là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa hiện đại nhất và đã đi vào biên chế trong quân đội Nga năm 2007. S-400 được thiết kế để phá hủy máy bay, tên lửa hành trình và đạn đạo, kể cả vũ khí tầm trung. S-400 có thể kết liễu các mục tiêu ở khoảng cách 400 km và ở độ cao lên tới 30 km.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm