'Tàu xấu xí nhất từng thấy' của Nga nguy hiểm thế nào?

Hôm 18-12, một nhà máy đóng tàu của Nga ở TP St. Petersburg ra mắt một trạm khoa học nổi tự hành mới và con tàu này sẽ được triển khai tại Bắc Cực. Con tàu được đặt tên Severnyy Polyus (Bắc Cực) và đã khiến giới quan sát phương Tây xôn xao vì hình dáng khác thường của nó, theo hãng tin Sputnik.

Ông Alexander Makarov, Giám đốc Viện Nghiên cứu Bắc cực và Nam cực của Nga cho biết mục đích của tàu Severnyy Polyus - nền tảng khoa học tự hành, có khả năng chịu băng giá - là cung cấp một pháo đài di động đáng tin cậy cho các nhà khoa học làm việc tại Bắc Cực.

“Con tàu xấu xí nhất từng thấy”

Trước đó, trang tin Warzone (Mỹ) có đăng một bài viết về tàu Severnyy Polyus – tàu thuộc Đề án 00903 do nhà máy đóng tàu Admiralty ra mắt hôm 18-12. Tàu Severnyy Polyus có thiết kế hình quả trứng.

Tàu Severnyy Polyus của Nga sẽ đưa các nhóm nhà khoa học tới Bắc Cực khi Nga tìm cách mở rộng hiện diện trong khu vực. Ảnh: The Moscow Times

Trong khi ca ngợi tàu có sự tối ưu hóa về sức bền và tự hành, Warzone chạy tiêu đề: “Tàu nghiên cứu Bắc Cực mới có sức chịu đựng lâu của Nga có thể là con tàu xấu xí nhất chúng tôi từng thấy” để mô tả về tàu Severnyy Polyus.

“Con tàu sẽ thường ở trong băng và nhờ các cạnh tròn của thân tàu, tàu sẽ không bị băng nghiền nát” – Tiến sĩ Makarov giải thích về hình dáng khác thường của tàu.

 “Điều quan trọng là nền tảng của chúng tôi, nhờ vào những đặc tính của nó, sẽ có thể cũng cấp cho các nhà thám hiểm vùng cực một môi trường làm việc thoải mái trong những điều kiện khắc nghiệt” – ông Makarov nói thêm.

Tiến sĩ Makarov tiết lộ rằng thiết kế hình quả trứng của Severnyy Polyus được lấy cảm hứng từ tàu Fram của Na Uy. Tàu Fram được sử dụng trong các cuộc thám hiểm ở Bắc Cực và Nam Cực do các nhà thám hiểm nổi tiếng của Na Uy thực hiện cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Ông Makarov nhớ lại tàu Fram của nhà thám hiểm Fridtjof Nansen được chế tạo đặc biệt để tàu tự gắn vào một tảng băng Bắc Cực và trôi dạt theo nó để được thám hiểm cực bắc của Trái đất. Tàu Fram đã thể hiện một cách xuất sắc trong suốt ba năm trôi dạt Bắc Cực.

 “Thật tình cờ, vì hình dáng kỳ lạ của thân tàu, tàu Fram cũng được gọi bằng nhiều cái tên, song giờ đây nó được coi là một con tàu huyền thoại đã tham gia ba cuộc thám hiểm quan trọng nhất thời đó. Chúng tôi tin nền tảng của chúng tôi cũng sẽ có một quá trình hoạt động tươi sáng không kém” – ông Makarov nhấn mạnh.

Theo ông Makarov, nhiều nhà khoa học nước ngoài đã bày tỏ quan tâm tới việc tham gia các cuộc thám hiểm trong tương lai trên tàu Severnyy Polyus.

Biết gì về tàu Severnyy Polyus?

Severnyy Polyus là tàu đầu tiên trong seri Đề án 00903. Tàu đang được nhà máy đóng tàu Admiralty chế tạo cho Cơ quan Giám sát Môi trường và Khí tượng Thủy văn Liên bang Nga.

Mô hình tàu Severny Polyus. Ảnh: The Moscow Times

Một khi hoàn thành, Severnyy Polyus sẽ đảm nhiệm việc thực hiện quan sát hải dương học, âm học, địa vật lý và địa chất ở Bắc Băng Dương. Tàu có thể tự trôi và di chuyển trong băng với tốc độ lên tới gần 19 km/giờ. Severnyy Polyus sẽ được trang bị đủ nhiên liệu để cho phép tàu duy trì các hoạt động tự động trong hai năm liên tiếp.

Nền tảng này sẽ gồm một phòng thí nghiệm hiện đại, phương tiện liên lạc và một bãi đáp cho trực thăng Mi-8 và Mi-38. Tàu Severnyy Polyus dài 83,1 m, rộng 22,5 m và có lượng giãn nước khoảng 10.400 tấn. Thủy thủ đoàn trên tàu sẽ gồm 14 nhân viên và 34 nhà khoa học.

Con tàu được khởi đóng vào tháng 4-2019 và dự kiến hoàn thành năm 2022.

Cơ sở khoa học di động này sẽ tiếp tục truyền thống lâu đời của Nga là sử dụng các trạm nổi để thực hiện công việc nghiên cứu học thuật. Từ những năm 1930, các nhà khoa học Liên Xô bắt đầu thiết lập tiền đồn trên các tảng băng trôi và tiến hành nghiên cứu khi núi băng trôi nổi xung quanh Bắc Băng Dương.

Những trạm này được gọi là “Cực Bắc 1”, “Cực Bắc 2”, “Cực Bắc 3”,… với hơn 30 trạm như vậy được thiết lập trong hơn 80 năm qua, phục vụ từ một đến chín năm và di chuyển tới 17.000 km trong quá trình sử dụng. Những trạm này cho phép các nhà khoa học có được những hiểu biết quan trọng về địa lý khu vực, trong đó có dãy núi ngầm Lomonosov Ridge cũng như những hình thái khí hậu địa phương.

Lịch sử nghiên cứu Bắc Cực

Viện Bắc Cực và Nam Cực của Nga lần đầu đề xuất xây dựng một nền tảng cố định để thay thế các trạm nổi hàng năm hoạt động tại những vùng biển Bắc Cực cách đây 14 năm.

“Kể từ năm 1973, tổng cộng 40 cuộc thám hiểm đã được thực hiện, song do sự nóng lên toàn cầu và băng tan đầu những năm 2000, chúng tôi buộc phải dừng chương trình” – ông Makarov cho biết.

Tàu huyền thoại Fram của Na Uy. Ảnh: HARTMAN YACHTS

Ông Makarov nhấn mạnh: “Việc chế tạo một nền tảng tự hành, chống băng giá cho phép chúng tôi tiếp tục các nghiên cứu quan trọng về Bắc Băng Dương ở độ cao lớn”.

Liên Xô và sau này là Nga đã triển khai các trạm nghiên cứu nổi ở Bắc Băng Dương từ năm 1937 ngoại trừ những năm 1991-2003.

Các trạm nghiên cứu thường được thiết lập trên một tảng băng nổi vào tháng 9 hoặc tháng 10 trong năm, và khoảng hai chục nhà khoa học sẽ dành cả mùa đông ở đó để đo khí hậu và điều kiện thời tiết.

Những năm gần đây, do mùa đông ngày càng ấm áp trong khu vực nên ngày càng khó tìm những tảng băng đủ cứng để làm trạm nghiên cứu.

 “Bắc Cực 40” - trạm băng “thật” cuối cùng được thiết lập hồi tháng 10-2012 song đã phải sơ tán vào tháng 5-2013 do tảng băng mà trạm được đặt lên bắt đầu tách ra. Khi đó, một tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân từ TP Murmansk được triển khai tới để giải cứu 16 nhà khoa học.

Trong thời gian năm 2013-2014, Nga không thiết lập bất kỳ trạm nổi nào. Tháng 4-2015, Nga thiết lập một trạm gọi là Bắc Cực 2015 song chỉ tồn tại trong bốn tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm