'Tàu sân bay Trung Quốc không thể dọa tàu sân bay Mỹ'

Trong số tất cả loại vũ khí mới trong kho vũ khí ngày càng phát triển của Trung Quốc, ít có loại nào dành được sự quan tâm nhiều như hàng không mẫu hạm, theo trang tin Business Insider.

Trung Quốc có hai tàu sân bay đang được biên chế và tàu sân bay thứ ba đang trong quá trình chế tạo. Tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh được hạ thủy năm 2012, trong khi tàu sân bay thứ hai Sơn Đông được đưa vào hoạt động tháng 12-2019.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương năm 2018. Ảnh: Stringer/ Reuters

Truyền thông Trung Quốc nhiều lần đưa những tàu sân bay này vào các video nhằm phô diễn khả năng của chúng, video như vậy gần đây nhất là cuối tháng 8-2020.

Bất chấp sự quảng bá rầm rộ và thổi phồng của truyền thông Trung Quốc, những tàu sân bay của nước này không phải là mối đe dọa lớn với các tàu sân bay của Mỹ, Bussiness Insider nhận định.

Thiết kế lỗi thời

Cả tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông đều được chế tạo dựa trên tàu sân bay lớp Kuznetsov do Liên Xô thiết kế trong những năm 1980.

Thực tế, Liêu Ninh là tàu sân bay lớp Kuznetsov đóng dở dang cho hải quân Liên Xô. Dự án dừng lại do Liên Xô tan rã năm 1991. Trung Quốc mua phần thân chưa hoàn thiện từ Ukraine năm 1998 và sau đó tiến hành quá trình tái trang bị kéo dài gần một thập niên nhằm biến con tàu thành một tàu sân bay thực thụ.

Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc – Sơn Đông khởi hành từ TP Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh năm 2018. Ảnh: REUTERS/Stringer

Trung Quốc đã loại bỏ một số hệ thống cũ do Liên Xô thiết kế chẳng hạn như kho vũ khí tên lửa trên tàu. Sơn Đông cũng được nâng cấp tương tự.

Dù vậy, một “di tích” có nguồn gốc từ thời Liên Xô của con tàu vẫn cản trở tính hiệu quả của chúng, đó là những đoạn dốc phóng máy bay kiểu nhảy cầu (ski – jump).

Ski jump nằm trong hệ thống cất cánh cự ly ngắn và cáp hãm đà hạ cánh (STOBAR). Kiểu phóng này yêu cầu trọng lượng máy bay phải nhẹ mới có thể cất cánh. Cũng chính điều này khiến các máy bay Trung Quốc chỉ có thể mang được một ít tên lửa và nhiên liệu.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Enterprise của Mỹ ở Đại Tây Dương. Ảnh: Business Insider

Ngược lại, các tàu sân bay Mỹ sử dụng máy phóng chạy bằng hơi nước (và cuối cùng là chạy bằng điện từ) để phóng máy bay, cho phép máy bay cất cánh với trọng tải nặng hơn. Các tàu sân bay Mỹ có thể phóng máy bay, máy bay ném bom, máy bay trinh sát và kiểm soát trên không và thậm chí cả máy bay vận tải nhỏ. Trong khi đó, các tàu sân bay Trung Quốc chỉ có thể phóng tiêm kích với khả năng tấn công hạn chế.

So với tàu sân bay Mỹ, tàu sân bay Trung Quốc có nhược điểm nữa là chỉ có thể phóng tiêm kích từng chiếc một, trong khi tàu sân bay Mỹ có thể phóng hai chiếc trong vòng vài giây.

Đội bay kém

Thêm vào một thực tế nữa là tiêm kích hải quân hiện tại của Trung Quốc “Cá mập bay” J-15 Flying Shark được cho là kém hơn nhiều so với các máy bay hải quân của Mỹ. Giống như các tàu sân bay Trung Quốc, J-15 dựa trên thiết kế của Liên Xô.

Tiêm kích J-15 của Trung Quốc hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh trong cuộc tập trận ở biển Hoa Đông năm 2018. Ảnh: AFP/Getty Images

Do không thể mua tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay Su-33 của Nga, Trung Quốc chọn mua một nguyên mẫu Su-33 chưa hoàn thiện từ Ukraine và tân trang lại nó. Kết quả là cho ra một tàu sân bay gặp nhiều vấn đề.

Mặc dù nguyên mẫu này có khung máy bay tốt nhưng lại không có các động cơ của Su-33. Trung Quốc vốn được biết đến là gặp nhiều khó khăn trong sản xuất động cơ phản lực hiệu quả, nên đành phải chấp nhận các phiên bản nội địa kém hiệu quả.

Động cơ kém hiệu quả cùng những vấn đề kỹ thuật khác đã dẫn tới nhiều vụ rơi máy bay, trong đó có một số vụ chết người. Điều này trở thành vấn đề nghiêm trọng tới mức có thời điểm toàn bộ phi đội J-15 đã phải đắp chiếu trong ba tháng.

J-15 là chiến đấu cơ có trọng lượng khá nặng, một trở ngại khi tàu sân bay của Trung Quốc sử dụng hệ thống STOBAR. Tải trọng rỗng của J-15 (tức là lúc máy bay không có nhiên liệu hoặc vũ khí) là 17,2 tấn, nặng hơn tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ 2,7 tấn và nặng hơn F-35C 1,8 tấn.

Kinh nghiệm vận hành hạn chế

Những khác biệt trên tạo nên điểm yếu của tàu sân bay Trung Quốc. Liêu Ninh mang được 40 máy bay, Sơn Đông mang được 44 máy bay, thấp hơn so với các tàu lớp Nimitz (60 máy bay) và Gerald R.Ford (75 máy bay) của Mỹ.

Tàu sân bay Trung Quốc được cho di chuyển chậm hơn và chỉ hoạt động trên biển trong khoảng sáu ngày trước khi cần tiếp nhiên liệu. Trong khi đó, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ có thể hoạt động liên tục trong vài năm.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78) của Mỹ đi qua Đại Tây Dương tháng 6-2020. Ảnh: US Navy/USNI News

Hơn nữa, Trung Quốc có chưa tới 10 năm kinh nghiệm về vận hành tàu sân bay, trong khi Mỹ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong gần một thế kỷ từ nhiều cuộc xung đột trên khắp các châu lục.

Điều quan trọng cần nhớ là các tàu sân bay Trung Quốc có sứ mệnh khác.

“Tàu sân bay Trung Quốc chẳng liên quan gì tới việc chiến đấu chống Đài Loan hay chiến đấu ở biển Hoa Đông. Trong cả hai tình huống này, tàu sân bay có lẽ không có nhiều tác dụng” – ông Timothy Heath, một nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại Tập đoàn RAND nói với Business Insider.

Theo ông Heath, thay vào đó, Trung Quốc hy vọng sử dụng tàu sân bay giúp đảm bảo các tuyến đường thương mại quan trọng ở Ấn Độ Dương, một phần trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

“Đó chính là giá trị thực sự của những tàu sân bay Trung Quốc. Chúng ta nên ghi nhớ điều đó khi chúng ta bắt đầu đặt câu hỏi tại sao họ sẵn sàng chi quá nhiều tiền để đóng tàu sân bay với sức chứa hàng không hạn chế. Đối với nhiệm vụ đó, những tàu sân bay hiện tại có thể đã đủ” – chuyên gia Heath nhận định.

Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay thế hệ mới. Tương lai, tàu sân bay lớp Type 003 của Trung Quốc sẽ có sàn bay phẳng thay vì ski- jump, được bổ sung hệ thống phóng máy bay năng lượng hơi nước hoặc năng lượng điện từ trường. Tàu sân bay này dự kiến đi vào hoạt động năm 2024. Cũng có thông tin cho rằng Trung Quốc đang thúc đẩy việc thay thế tiêm kích J-15 bằng máy bay tàng hình.

Chuyên gia Heath cho rằng những tàu sân bay hiện tại của Trung Quốc có thể trở thành tàu huấn luyện để giúp nước này tích lũy kinh nghiệm về tàu sân bay. Cho đến lúc đó, tàu sân bay Trung Quốc có nhiều điều cần học hỏi mới có thể trở thành đối thủ của tàu sân bay Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ukraine 'nắm thóp' lỗ hổng phòng không Nga

Ukraine 'nắm thóp' lỗ hổng phòng không Nga

(PLO) - Những hệ thống phòng không Nga không được thiết kế để đối phó các cuộc tấn công của Ukraine ở phía nam, mà là để đối phó các cuộc tấn công của NATO ở phía tây.