Sức mạnh của tàu ngầm bán chạy nhất thế giới

Trải qua hơn 40 năm phục vụ, hiệu quả tác chiến của tàu ngầm Type 209 vẫn không hề suy giảm. Với lực công-thủ toàn diện, Type 209 không hổ danh là loại tàu ngầm bán chạy nhất thế giới…

Mạnh mẽ, linh hoạt

Tàu ngầm lớp Type 209 với 4 động cơ diesel 6.100 mã lực do Tập đoàn Howaldtswerke-Deutsche Werft (HDW, Đức) nghiên cứu, thiết kế cho mục đích xuất khẩu. Kiểu cơ bản của nó được trang bị 8 ống phóng ngư lôi, khả năng tấn công rất mạnh. Kiểu cải tiến thế hệ sau được trang bị thêm tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ và hệ thống tên lửa phòng không SLAM của Anh, nâng cao khả năng chống tàu nổi và máy bay. Loại tàu ngầm này được phát triển từ thập niên 1960. Cho đến nay, nó đã được hơn 10 nước sử dụng với số lượng khoảng 70 chiếc, doanh số bán hàng đứng đầu trong bảng xếp hạng các loại tàu ngầm thông thường.

Một chiếc tàu ngầm 209/1400 được Đức bán cho Nam Phi. Nguồn: naval-technology.com

Một chiếc tàu ngầm 209/1400 được Đức bán cho Nam Phi. Nguồn: naval-technology.com

Điểm nổi bật của Type 209 là sự linh hoạt về kích thước cũng như thiết kế với 5 biến thể chính gồm: Type 209/1100 (lượng giãn nước 1.207 tấn, dài 54,1m); Type 209/1200 (lượng giãn nước 1.285 tấn, dài 55,9m); Type 209/1300 (lượng giãn nước 1.390 tấn, dài 59,5m); Type 209/1400 (lượng giãn nước 1.586 tấn, dài 61,2m) và Type 209/1500 (lượng giãn nước 1.810 tấn, dài 64,4m). Thủy thủ đoàn phục vụ trên mỗi lớp tàu cũng có sự khác nhau (Type 209/1100 cần 31 người; Type 209/1200 và 1300 cần 33 người; Type 209/1400 cần 30 người; Type 209/1500 cần 36 người).

Thông thường tàu ngầm lớp Type 209 đạt tầm hoạt động hơn 10.000km, lặn sâu tối đa 500m, hoạt động liên tục trên biển 50 ngày. Tàu được thiết kế hệ thống định vị thủy âm học và ra-đa trinh sát tùy theo yêu cầu của khách hàng. 5 biến thể của Type 209 đều được thiết kế với 8 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm cho phép bắn ngư lôi chống ngầm, tên lửa hành trình chống hạm UGM-84 Harpoon, thủy lôi. Tuy nhiên, trên mỗi biến thể, tùy theo yêu cầu của khách hàng, tàu ngầm có sự thay đổi về động cơ, hệ thống điện tử, vũ khí. Ví dụ, tàu ngầm Type 209 của Bra-xin tích hợp hệ thống chiến đấu do Mỹ sản xuất cho phép phóng ngư lôi hạng nặng Mk 48. Các biến thể Type 209 xuất khẩu cũng được các nước tùy ý gọi tên. Ví dụ, tàu ngầm Type 209/1100 xuất khẩu sang Ác-hen-ti-na được gọi là lớp Salta, Type 209/1400 của Bra-xin gọi là lớp Tupi hay Type 209/1200 của Hàn Quốc gọi là lớp Chang Bogo. Thiết kế tàu ngầm Type 209 linh hoạt theo hợp đồng với nước nhập khẩu làm sao vừa bảo đảm chi phí sản xuất hợp lý, vừa bảo đảm những tính năng tiên tiến như kiểm soát tiếng ồn, hỏa lực mạnh và khả năng hoạt động dưới nước, được đánh giá là sự lồng ghép đầy thông minh của các nhà sản xuất vũ khí Đức.

“Ông trùm” xuất khẩu tàu ngầm phi hạt nhân

Trong thập niên 1970, lực lượng hải quân của nhiều nước bắt đầu có nhu cầu thay thế các tàu ngầm trong Chiến tranh Thế giới thứ hai đang bắt đầu bị lão hóa và lỗi thời. Trong thời gian này, rất ít thiết kế tàu ngầm phương Tây có sẵn để xuất khẩu vì hầu hết rất to, đắt tiền và được thiết kế cho Chiến tranh Lạnh, còn một số khác thì được thiết kế để dùng cho một số nước cụ thể nào đó như tàu ngầm lớp Daphné, tàu ngầm lớp Oberon hay tàu ngầm Đề án 641. Vì thế, Bộ Quốc phòng Đức đã quyết định thực hiện một thiết kế tàu ngầm để cung cấp một giải pháp với vũ trang đầy đủ và giá cả hợp lý. Tàu ngầm lớp Type 209 ra đời từ đó và đã chứng minh Đức là quốc gia có công nghệ tàu ngầm phi hạt nhân số 1 thế giới.

Theo Trung tâm phân tích thương mại quân sự thế giới (WATAC), giai đoạn 2008-2015, Đức liên tục duy trì vị trí đầu bảng trong các nước xuất khẩu tàu ngầm (17 chiếc với trị giá 6,4 tỷ USD) và các đơn hàng vẫn tăng đều đặn. 4 năm đầu của giai đoạn này, Đức đã xuất khẩu 6 tàu ngầm phi hạt nhân (2,2 tỷ USD), còn đơn hàng cho giai đoạn 2012-2015 là 11 tàu ngầm diesel mới (xấp xỉ 4,2 tỷ USD). Đức là một nhà xuất khẩu vũ khí lớn và khá đặc biệt, theo trang fas.org nhận định. Hợp đồng bán tàu của họ thường xuyên kèm cả trang thiết bị sản xuất và cách chế tạo tàu. Ví dụ như những đơn hàng “hợp tác sản xuất” mà họ đã từng ký với Hàn Quốc, Ấn Độ và Ác-hen-ti-na.

Mới đây nhất, lực lượng hải quân Ai Cập cũng đã tiếp nhận chiếc tàu ngầm Type-209/1400 đầu tiên trong lô hàng 4 chiếc tàu ngầm Ai Cập đã mua của Đức. Tàu ngầm được trang bị các tên lửa hành trình chống hạm UGM-84 Harpoon Block II cùng nhiều loại vũ khí và thiết bị công nghệ mới nhất. Ai Cập đã ký thỏa thuận với Đức mua 2 tàu ngầm Type-209 vào năm 2011. Sau đó 3 năm, Ai Cập đã đề nghị mua thêm 2 chiếc nữa. Tại khu vực Đông Nam Á, Hải quân In-đô-nê-xi-a là quốc gia đầu tiên và duy nhất nhập khẩu 2 chiếc Type 209/1300 từ thập niên 1980. Ngoài ra, những quốc gia sở hữu tàu ngầm lớp Type 209 còn có Chi-lê, Cô-lôm-bi-a, Ê-cu-a-đo, Hy Lạp, Pê-ru, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Vê-nê-xu-ê-la…

Cạnh tranh khốc liệt

Ngày nay, thị trường xuất khẩu vũ khí nói chung và xuất khẩu tàu ngầm nói riêng đang trở thành miếng mồi ngon béo bở và có sự cạnh tranh khốc liệt. Bên cạnh những ông trùm nổi tiếng xưa nay trong ngành xuất khẩu tàu ngầm như: Đức, Nga, Pháp…, Trung Quốc cũng đang trở thành một ngôi sao sáng. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) hồi tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã vượt Đức để trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới.

Mới đây, hãng tin Roi-tơ dẫn các nguồn tin cho biết, Bắc Kinh đã tìm cách cạnh tranh với các hãng chế tạo tàu ngầm phương Tây về giá và đưa ra những lời chào mời xuất khẩu hấp dẫn hơn tại châu Á. Một nguồn tin từ quân đội Ai Cập cho hay, Trung Quốc cũng đã cạnh tranh với Đức để chào bán tàu ngầm cho Cai-rô. Trong năm nay, Pa-ki-xtan đã phê chuẩn một thỏa thuận nhằm mua 8 tàu ngầm từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đã bán 2 tàu ngầm cho Băng-la Đét. Trung Quốc giờ đây là một đối thủ đáng gờm của các nhà thầu quốc phòng phương Tây trong các đơn hàng tàu ngầm. Giá của họ rẻ hơn nhiều và các điều kiện xuất khẩu của Trung Quốc cũng đặc biệt hấp dẫn đối với các sản phẩm quân sự, hãng tin Roi-tơ nhận định.

Đối với những nhà sản xuất vũ khí, sự phát triển nhanh chóng về công nghệ tàu ngầm đã trở thành bàn đạp để họ nắm bắt cơ hội cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lại bày tỏ lo ngại sự phát triển quá nhanh này có thể đe dọa đến an ninh hàng hải và sự ổn định của các khu vực vốn đã đủ “nóng” với các tranh chấp trên biển.

Theo NGỌC THƯ (QĐND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm