Sự kết hợp hoàn hảo trong quân đội Ấn Độ

Ấn Độ - khách hàng VIP nhất của Mỹ

Tờ Finiancial Times ngày 25/2/2014 có bài đăng, trích dẫn thông tin từ nghiên cứu của HIS Jane’s cho biết, Ấn Độ đã trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí Mỹ lớn nhất toàn cầu. Năm 2013, quốc gia này đã nhập khẩu 1,9 tỷ USD thiết bị quân sự từ Mỹ.

Năm 2009, Ấn Độ nhập 237 triệu USD thiết bị quân sự từ Mỹ, song con số này vọt lên con số đáng kinh ngạc 1,9 tỷ USD vào năm 2013.

Đồng thời, tổng giá trị nhập khẩu sau nhiều năm lên tới 5,9 tỷ USD, Ấn Độ đã “soán ngôi” của Ả Rập Saudi trở thành khách hàng VIP nhất của nước Mỹ.

Hiện tại, Ấn Độ chiếm gần 10% thị trường quốc phòng toàn cầu trị giá 63 tỷ USD. Theo Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong năm 2010. Và Mỹ vẫn là nước xuất khẩu lớn nhất về thiết bị quân sự, với tổng trị giá trong năm 2013 đạt 25,2 tỷ USD so với 24,9 tỷ USD của năm 2012.

Lực lượng đổ bộ của Ấn Độ đang được hiện đại hóa bằng những khí tài quân sự của Mỹ
Lực lượng đổ bộ của Ấn Độ đang được hiện đại hóa bằng những khí tài quân sự của Mỹ

Ngựa Nga, ngựa Mỹ kéo cỗ xe quân sự Ấn Độ

Dù là quốc gia nhập khẩu vũ khí Mỹ nhiều nhất thế giới, tuy nhiên, Ấn Độ cũng là một đối tác quan trọng của Nga. Nếu như quân đội Ấn Độ là một cỗ xe thì vũ khí Nga và Mỹ đang là song mã kéo cỗ xe đó.

Từ trước tới nay, các hợp đồng mua sắm vũ khí của Ấn Độ đa số được thực hiện với Nga bởi mối quan hệ thân thiết giữa quốc gia này với Liên Xô trước đó. Theo thống kê, tổng giá trị các đơn hàng vũ khí cũng như hợp tác quân sự mà Delhi ký kết với Moscow qua nhiều năm đã lên tới con số 35 tỷ USD.

Ấn Độ vẫn lựa chọn Nga làm đối tác cung cấp tàu ngầm phi nguyên tử, nguyên tử, bảo dưỡng tàu ngầm, đóng tàu sân bay, máy bay chiến đấu… Đây đều là những vũ khí chiến lược trong quân đội Ấn Độ. Mới đây, cường quốc châu Á này vừa ký kết một bản hợp đồng sản xuất khoảng 360 xe tăng chiến đấu T-90MS của Nga để làm tăng chủ lực. Đồng thời, Ấn Độ cũng mong muốn mua thêm khoảng 120 tiêm kích SU-30MKI.

Trong khi đó, Ấn Độ lại lựa chọn những vũ khí mang tính hậu cần và hỗ trợ của Mỹ. Nga đã thất bại ở những hợp đồng béo bở về phân khúc vũ khí này khi phải cạnh tranh với Mỹ. Tiêu biểu như việc New Delhi đã lựa chọn trực thăng chiến đấu Apache thay vì lựa chọn Mi-28. Hợp đồng này có trị giá tới 1,5 tỷ USD. Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ đã đặt hàng 15 máy bay trực thăng vận tải hạng nặng Chinook của Mỹ thay vì chọn Mi-26 của Nga.

Ấn Độ đã lựa chọn Apache của Mỹ chứ không phải Thợ săn đêm Mi-28 của Nga
Ấn Độ đã lựa chọn Apache của Mỹ chứ không phải Thợ săn đêm Mi-28 của Nga

Bên cạnh đó, còn một loạt bản bản hợp đồng trị giá khác nữa đó là Ấn Độ đặt hàng 12 máy bay tuần tra săn ngầm hiện đại P-8 của Mỹ (3 tỷ USD), 10 máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster có trị giá 4,1 tỷ đô (thay vì IL- 476 )…

Có thể thấy, Ấn Độ đã có những định hướng và toan tính rõ ràng trong việc kết hợp vũ khí Nga – Mỹ vào cỗ máy quân sự của họ.

Nước cờ sáng của Ấn Độ?

Có thể nói, để kết hợp một cách hoàn hảo được vũ khí Nga, Mỹ cần phải có một tầm nhìn khôn ngoan, chiến lược cụ thể, hiểu rõ điểm mạnh yếu của từng loại khí tài, và quan trọng hơn, phải xác định được quân đội của mình có nguy cơ đối mặt cao nhất với kẻ thù nào.

Nhiều nhà phân tích quân sự thân Mỹ cho rằng cách “bài binh bố trận” của Ấn Độ cho thấy quốc gia này đang nỗ lực thay thế vũ khí Nga (Liên Xô) trong quân đội của mình. Việc duy trì những khoản hợp đồng với Nga một phần do New Dehli cần thay thế hoặc nâng cấp những khí tài họ đã mua trước đây.

Suy nghĩ này đúng, nhưng có lẽ hơi phiến diện khi Ấn Độ vẫn mua SU-30MKI làm tiêm kích chủ đạo chứ không phải F-16, hay hợp tác sản xuất hàng loạt xe tăng T-90MS. Lý giải cho việc này, chỉ có thể hiểu rằng các tướng lĩnh, các nhà chiến thuật Ấn Độ hiểu địa hình địa vật đất nước họ, hiểu điều kiện tác chiến và từ đó đưa ra lựa chọn thích hợp nhất cho người lính của mình.

Tăng T-90 của Nga trong biên chế quân đội Ấn Độ
Tăng T-90 của Nga trong biên chế quân đội Ấn Độ

Đồng thời, việc sử dụng vũ khí Mỹ sẽ khiến Nga có cảm giác mình đang vuột mất Ấn Độ khỏi tầm tay, và Mỹ sẽ càng gồng mình lên để cưng chiều khách hàng đầy tiềm năng này. Cả hai nền xuất khẩu quốc phòng lớn nhất thế giới sẽ mang đến cho khách hàng sự chiều chuộng như thượng đế, từ chất lượng vũ khí, giá thành, chế độ bảo hành, huấn luyện… Và điều này thực sự có lợi cho Ấn Độ.

Đồng thời, Mỹ quan tâm tới Ấn Độ không chỉ vì quốc gia này có tiền, mà còn có cả địa vị chính trị quan trọng, trong khi Mỹ đang nỗ lực thiết lập những đồng minh mới, xiết chặt vòng vây cô lập và kìm chế Trung Quốc mà chiến lược chuyển trục của Tổng thống Obama đã đề ra.

Còn lý giải việc vì sao Ấn Độ lại lựa chọn vũ khí Mỹ? Nhìn xung quanh Ấn Độ, những quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Pakistan đang sử dụng nền tảng vũ khí quân sự của Nga. Dù Trung Quốc đang ngày càng nỗ lực tự sản xuất vũ khí, tuy nhiên, những công nghệ mà quốc gia này sử dụng vẫn mang nền tảng vũ khí Nga.

Hiện tại, Ấn – Trung đang trong mối quan hệ không tốt đẹp, những tranh chấp liên miên về biên giới phía bắc Ấn Độ, cùng với sự động chạm lợi ích kinh tế, địa chính trị, hàng hải khiến cho người khổng lồ châu Á nghiễm nhiên trở thành mối lo lớn nhất của Ấn Độ.

Ấn Độ đã nỗ lực tự chế tạo các hệ thống vũ khí công nghệ cao và nhập khẩu vũ khí để theo kịp các lực lượng vũ trang được trang bị tốt hơn của Trung Quốc. Trong thế kỷ 20, Trung Quốc cũng đã không ngần ngại gây ra cuộc chiến tranh biên giới với quốc gia này.

SU-30MKI trong quân đội Ấn Độ thị uy
SU-30MKI trong quân đội Ấn Độ thị uy

Một điều cần chú ý, vũ khí Nga phát triển dựa vào nền tảng vũ khí Liên Xô. Còn vũ khí Mỹ ra đời để trở thành đối trọng với vũ khí Nga (Liên Xô). Tiêu biểu như việc Ấn Độ phát triển tên lửa vác vai FGM-148 Javelin của Mỹ nhằm tạo thành một mũi giáo nguy hiểm để đối chọi với xe tăng Type 99 của Trung Quốc phát triển dựa trên công nghệ Nga.

Hoặc lựa chọn máy bay săn ngầm P-8 của Mỹ để đối chọi với những Kilo, Lada của Trung Quốc trong cuộc chơi trên biển.

Có thể thấy, Ấn Độ đã có những nước cờ khôn khéo, nếu không muốn nói là đầy toan tính. Một mặt, dù mất tiền, nhưng đây là đồng tiền mang lại những quyền lợi nhiều hơn những vũ khí thông thường.

Mặt khác, giới quân sự Ấn Độ đã có tầm nhìn chiến lược khi xác định đối thủ của mình là ai, và dũng cảm gạt đi quá khứ, truyền thống để lựa chọn những gì là phù hợp nhất cho quốc gia vào thời điểm hiện tại.

Đỗ Minh Tú (VOH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm