Reuters: Mỹ bắt tay vô hiệu hóa ưu thế tên lửa của Trung Quốc

Mỹ đang tăng cường trang bị vũ khí để vô hiệu hóa ưu thế về tên lửa của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hãng tin Reuters ngày 6-5 phân tích.

Các quan chức cấp cao và chuyên gia cố vấn chiến lược của Lầu Năm Góc cho rằng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã xây dựng lực lượng tên lửa khổng lồ và đang nắm lợi thế rõ ràng về loại vũ khí này. 

Tên lửa vượt siêu thanh DF-17 của Trung Quốc trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh Trung Quốc, 1-10-2019. Ảnh: GLOBAL TIMES

Reuters cho rằng các hành động của Mỹ sau khi rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là dấu hiệu cho thấy Washington đang có kế hoạch triển khai tên lửa hành trình tầm xa đến các cơ sở quân sự của Mỹ ở khu vực.

Gia tăng đối đầu Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương

Reuters nhận định trong những năm gần đây, trong khi Mỹ bị phân tâm với các cuộc chiến ở Trung Đông và Afghanistan, Trung Quốc đã tập trung phát triển năng lực tên lửa chống lại các tàu chiến (bao gồm tàu sân bay) và các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Hiện tại, nhiều tên lửa của PLA được cho là có thể cạnh trạnh hoặc thậm chí là vượt trội so với các vũ khí tương tự của Mỹ và đồng minh.

Một trong những nguyên nhân giúp chương trình tên lửa của Trung Quốc không bị cản trở là nước này không tham gia vào INF, trong khi cả Mỹ và Nga đều bị ràng buộc bởi hiệp ước này.

Ngày 3-8-2019, chỉ một ngày sau khi Mỹ chính thức rút khỏi INF, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố ông muốn triển khai tên lửa phóng từ mặt đất đến châu Á trong vòng vài tháng. Đây được coi như một động thái nhắm vào lực lượng tên lửa của Trung Quốc.

Ngày 17-4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với người đồng cấp Nga, ông Sergey Lavrov, rằng mọi cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí trong tương lai phải sự tham gia của cả Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Trong khi đại dịch COVID-19 hoành hành khắp toàn cầu, Bắc Kinh đang gia tăng áp lực ở xung quanh đảo Đài Loan và Biển Đông.

Trong tháng 4, tàu sân bay Liên Ninh và nhiều tàu chiến khác của PLA đã tổ chức tập trận ở Biển Đông. Trước đó, các máy bay chiến đấu và tàu chiến Trung Quốc cũng tổ chức tập trận ở phía đông nam đảo Đài Loan.

Đáp trả lại, Mỹ cũng tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực. Trong tháng 4, tàu khu trục USS Barry của Hải quân Mỹ đã hai lần đi qua eo biển Đài Loan. Các tàu chiến Mỹ còn phối hợp với tàu chiến Úc tiến hành diễn tập ở Biển Đông.

Tăng cường trang bị thủy quân lục chiến để hỗ trợ hải quân

Trong dự luật ngân sách quốc phòng năm 2021, Lầu Năm Góc đề nghị trang bị biến thể của tên lửa hành trình Tomahawk lên các tàu của Thủy quân lục chiến Mỹ và tăng tốc tiến độ bàn giao các tên lửa chống hạm tầm xa mới.

Reuters đánh giá hành động này là một "sự thay đổi căn bản về chiến thuật" của quân đội Mỹ nhằm chống lại thế áp đảo của Trung Quốc về tên lửa đạn đạo và trên lửa hành trình phóng từ mặt đất.

Trong phiên điều trần ở Thượng viện Mỹ về dự luật ngân sách này hôm 5-3, Tư lệnh lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ - Tướng David Berger nói rằng các tàu thủy quân lục chiến được trang bị thêm tên lửa sẽ hỗ trợ Hải quân Mỹ giành quyền kiểm soát tây Thái Bình Dương.

Các quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ cho biết nếu có có xung đột, các tàu của Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ được triển khai đến các vị trí then chốt ở tây Thái Bình Dương và dọc theo "chuỗi đảo thứ nhất" quanh Trung Quốc.

"Chuỗi đảo thứ nhất" là cách giới quốc phòng Mỹ gọi các đảo và quần đảo của đồng minh nằm gần Trung Quốc nhất, bao gồm Nhật, Đài Loan, Philippines và đảo Borneo (của Malaysia, Indonesia và Brunei).

Tên lửa Tomahawk được Hải quân Mỹ sử dụng lần đầu tiên vào năm 1991 ở chiến tranh vùng Vịnh. Thủy quân lục chiến Mỹ dự định sẽ thử nghiệm tên lửa này đến năm 2022 để chuẩn bị triển khai chúng trong lực lượng này trong những năm sau đó. 

Tên lửa Tomahawk được phóng từ tàu USS Cape St. Geogre ở Địa Trung Hải hôm 23-3-2003. Ảnh: REUTERS

Giới phân tích quân sự phương Tây cho rằng sự thay đổi này vẫn còn ở quy mô nhỏ và sẽ không tạo ra sự thay đổi lớn ngay lập tức. Hiện tại, các mối đe dọa trực tiếp đối với Bắc Kinh là vẫn các tên lửa chống hạm tầm xa của Hải quân và Không quân Mỹ.

Tuy nhiên, động thái này có ý nghĩa chính trị quan trọng hơn vì cho thấy Washington đang chuẩn bị để cạnh tranh với kho vũ khí khổng lồ của Trung Quốc.

Đồng thời, việc Mỹ gia tăng số lượng vũ khí trong dài hạn, cùng với năng lực tên lửa của hai đồng minh là Nhật và Đài Loan, được đánh giá là sẽ tạo ra mối đe dọa thực sự đối với Trung Quốc

Ông Ross Babbage - cựu quan chức quốc phòng Úc và là thành viên của Trung tâm Đánh giá ngân sách và chiến lược (CSBA - trụ sở tại thủ đô Washington, Mỹ) cho rằng kế hoạch mới của Lầu Năm Góc cho thấy "người Mỹ đang trở lại mạnh mẽ".

 Trong khi đó, "đến năm 2024 hoặc 2025, có một rủi ro nghiêm trọng đối với PLA là sự phát triển quân sự của họ sẽ trở nên lỗi thời", ông Babbage nói tiếp.

Trung Quốc: Mỹ đang hành động như trong Chiến tranh lạnh

Phản ứng lại quyết định của tăng cường sức mạnh thủy quân lục chiến của Mỹ, Bắc Kinh kêu gọi Washington "thận trọng trong lời nói và hành động", "dừng những nước cờ trong khu vực" và "dừng phô diễn sức mạnh quân sự quanh Trung Quốc".

Từ tháng 10-2019, người phát ngôn PLA - Đại tá Wu Qian đã cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ "không ngồi yên" nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm xa phóng từ mặt đất đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ đang đưa ra các quyết định nhắm vào Trung Quốc, trong đó có việc "tăng cường liên tục việc triển khai quân đội" đến khu vực và hành động theo "tâm lý của thời Chiến tranh lạnh".

Trong một tuyên bố phản hồi các câu hỏi của Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng gần đây, Mỹ "đang đẩy mạnh việc theo đuổi cái gọi là "chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" nhằm tìm cách triển khai vũ khí mới, bao gồm các tên lửa tâm trung phòng từ mặt đất, đến khu vực".

Tuyên bố cũng nêu rõ "Trung Quốc kiên quyết phản đối" các việc làm này của Mỹ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm