Quốc hội Mỹ 'ép' ông Trump trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vụ S-400

Các nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ lên kế hoạch buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt trừng phạt vào Thổ Nhĩ Kỳ nếu ông Trump không “sớm phác thảo” những biện pháp trừng phạt Ankara vì đã mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, tờ The Washington Post ngày 7-8 đưa tin.

“Chúng tôi sẽ phải thông qua dự luật xóa bỏ các mối đe dọa an ninh quốc gia, điều mà chúng tôi cố gắng không làm vì chúng tôi muốn cho tổng thống sự linh động. Nhưng nếu an ninh quốc gia bị xâm phạm, chúng tôi sẽ phải hành động” - tờ The Washington Post dẫn lời thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio cho biết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại trụ sở của NATO ở Bỉ năm 2018. Ảnh: AP

Tuyên bố trên của ông Rubio được thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jeanne Shaheen hưởng ứng. Bà Shaheen yêu cầu tung ra các “lệnh trừng phạt theo từng cấp”, trong đó quy định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với hậu quả từ từ vì thực thi thương vụ S-400 với Nga.

Bà Shaheen cho hay Quốc hội Mỹ sẽ để Tổng thống Trump có cơ hội tiếp tục đàm phán với Ankara và “khuyến khích họ ở lại NATO”.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Cộng hòa James Lankford chỉ ra rằng Quốc hội muốn “thực hiện các lệnh trừng phạt” để “nếu các quốc gia khác muốn mua hệ thống của Nga, họ cũng sẽ phải chịu sự đáp trả tương tự từ phía Mỹ”.

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham khẳng định "điều tốt nhất Thổ Nhĩ Kỳ nên làm là hợp tác với chúng ta về kinh tế và không nên để S-400 ảnh hưởng đến mối quan hệ này". Cùng lúc đó ông Graham cho biết thêm "chúng tôi đang nỗ lực tránh áp dụng các lệnh trừng phạt nếu có thể".

Tuy nhiên, thành viên thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Robert Menendez cảnh báo sẽ không dễ dàng gì để "tổng thống tuân theo một đạo luật mà ông ấy không muốn".

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ James Risch từ chối tiết lộ kế hoạch liên quan tới lệnh trừng phạt.

Những thông tin trên xuất hiện sau khi ông Trump tháng trước nói với báo giới rằng Washington vẫn đang xem xét áp trừng phạt vào Thổ Nhĩ Kỳ quanh thương vụ S-400.

“Chúng tôi vẫn đang xem xét nó, một tình huống vô cùng khó khăn bởi nhiều lý do. Chúng tôi sẽ xem mình có thể làm gì" - ông Trump nói.

Lô S-400 thứ hai sẽ được giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020. Ảnh: TASS

Tuyên bố của ông Trump đưa ra sau khi Nhà Trắng thông báo rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga khiến việc nước này tiếp tục tham gia chương trình phát triển tiêm kích F-35 là không thể.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ gọi quyết định của Mỹ là bước đi đơn phương, có thể đưa tới những tổn hại không thể khắc phục được cho quan hệ song phương.

Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 6-8 cho hay không có bằng chứng cụ thể nào chứng minh hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất mà Thổ Nhĩ Kỳ mua có thể gây hại cho tiêm kích F-35 hay khối liên minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thống Erdogan cũng cho hay ông tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không cho phép mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ “cầm tù” vì vấn đề S-400.

Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) mà Quốc hội Mỹ thông qua năm 2017 cho phép chính quyền Tổng thống Trump áp dụng năm trong số 12 biện pháp đối với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó gồm các lệnh trừng phạt về giấy phép xuất khẩu, vũ khí, các thể chế tài chính và các khoản nợ từ các ngân hàng Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra quy trình tiếp nhận hệ thống tên lửa đất đối không S-400 do Nga sản xuất tại căn cứ không quân Murted ở Ankara, một nguồn tin quân sự ngoại giao tiết lộ với hãng tin TASS hôm 7-8.

“Các kỹ thuật viên của Nga đã bay sang Thổ Nhĩ Kỳ đầu tháng 8 và quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ - những người được huấn luyện ở Nga đã bắt đầu tiếp nhận lô trung đoàn S-400 đầu tiên được chuyển tới Ankara hồi tháng 7 vừa qua” - nguồn tin cho biết, nói thêm quá trình này sẽ kéo dài khoảng hai tháng.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 sẽ trở thành tài sản của Thổ Nhĩ Kỳ tại thời điểm ký giấy chứng nhận nghiệm thu, nguồn tin nói. Đồng thời, “giấy bảo hành, bảo trì các hệ thống S-400 của phía Nga sẽ có hiệu lực và hoạt động trong một năm rưỡi theo quy định trong hợp đồng” - theo nguồn tin.

Nga ngày 25-7 đã hoàn tất việc bàn giao lô S-400 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport khi đó cho hay các máy bay vận tải Nga đã thực hiện 30 chuyến bay để giao được lô này cho Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm