Quân chủng mới của Mỹ chọn căn cứ đầu tiên nằm gần Iran

Chưa đầy một năm sau ngày thành lập, lực lượng phòng thủ không gian thuộc quân đội Mỹ đã được triển khai tới căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, đài CBS News ngày 21-9 đưa tin.

Một phi đội gồm 20 quân nhân đang được triển khai tới căn cứ không quân Al-Udeid (Qatar) ở sa mạc Ả Rập, đánh dấu nhiệm vụ đồn trú ở nước ngoài đầu tiên của Lực lượng Không gian - quân chủng mới nhất của quân đội Mỹ.

Nói về nhiệm vụ mới ở Qatar, chỉ huy phi đội tại Al-Udeid, Đại tá Todd Benson cho rằng trong bối cảnh nhiều nước đang "cực kỳ tích cực" chuẩn bị cho chiến trường mới trong không gian, quân đội Mỹ "phải có khả năng đánh bại, phòng thủ và bảo vệ tất cả các lợi ích quốc gia của mình", theo hãng tin AP.

Ông Beson nói rằng "quân đội Mỹ muốn thấy một không gian hòa bình" nhưng Washington đã hành động để phản ứng lại sự khiêu khích từ các nước khác. Dù ông Benson không nêu đích danh, giới phân tích cho rằng đối tượng hàng đầu mà Mỹ nhắm tới khi triển khai Lực lượng Không gian ở Qatar là Iran. 

Đại tá Todd Benson (giữa) và các quân nhân Lực lượng Không gian Mỹ tại căn cứ không quân Al-Udeid (Qatar). Ảnh: AP/US AIR FORCE 

Chuyên gia Daryl Kimball - Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (một tổ chức có trụ sở tại thủ đô Washington, Mỹ) - cho rằng nếu các cường quốc không thể đạt được thỏa thuận ngăn chặn việc sử dụng vũ khí thông thường bắn hạ vệ tinh và các tài sản nhân tạo khác trên quỹ đạo, khả năng duy nhất có thể xảy ra là không gian sẽ bị quân sự hóa nhiều hơn.

Trong tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã cảnh báo Moscow và Bắc Kinh đang phát triển các vũ khí có thể bắn hạ các vệ tinh của Mỹ.

Trước đó, hồi tháng 4, Iran thông báo phóng thành công vệ tinh đầu tiên vào quỹ đạo. Phương Tây cho rằng điều này chứng tỏ Tehran đang phát triển một chương trình quân sự không gian bí mật.

Đại úy Ryan Vickers, một thành viên Lực lượng Không gian Mỹ, cho rằng "quân đội quá phụ thuộc vào việc liên lạc, định vị và cảnh báo tên lửa trên phạm vi toàn cầu bằng vệ tinh".

Ông Vickers còn nhấn mạnh vai trò của GPS trong việc tránh những căng thẳng không mong muốn với Iran. Hệ thống định vị được cho là giúp quân đội Mỹ không vô tình vùng biển thuộc các quốc gia quanh eo biển Hormuz.

Sa mạc Ả Rập được coi là nơi đầu tiên diễn ra một cuộc "chiến tranh không gian". Đó là chiến dịch "Bão táp sa mạc" năm 1991 của Mỹ nhằm đẩy quân đội Iraq khỏi lãnh thổ Kuwait.

Đây là lần đầu tiên quân đội một nước nhờ đến sự hỗ trợ của hệ thống định vị toàn cầu GPS để xác định vị trí và định hướng tiến công.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran trong tình trạng căng thẳng kéo dài từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức năm 2017. Đầu năm 2020, hai nước như đứng trước miệng hố chiến tranh sau khi Mỹ tấn công hạ diệt Tướng Qassem Soleimani của Quân đoàn Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.

Với việc đồn trú ở Trung Đông, lực lượng Mỹ cũng có thể linh hoạt giám sát quân đội Nga (tại Syria) và Trung Quốc (tại căn cứ ở Djibouti tại khu vực Sừng châu Phi).

Từ ngày 20-9-2019, Lực lượng Không gian - tiền thân là Bộ Chỉ huy Không gian thuộc quân chủng không quân - được tách ra trở thành quân chủng thứ sáu của quân đội Mỹ. Trước đó, Lực lượng Không quân (được thành lập năm 1947) là quân chủng được thành lập muộn nhất ở Mỹ. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ukraine 'nắm thóp' lỗ hổng phòng không Nga

Ukraine 'nắm thóp' lỗ hổng phòng không Nga

(PLO) - Những hệ thống phòng không Nga không được thiết kế để đối phó các cuộc tấn công của Ukraine ở phía nam, mà là để đối phó các cuộc tấn công của NATO ở phía tây.