Phóng vệ tinh Thần châu 11, Trung Quốc tham vọng gì?

Tham vọng quân sự của Trung Quốc

Các phi hành gia Trung Quốc từng tham gia nhiều vai trò “ngoài sức tưởng tượng” khi bay vào vũ trụ, gồm cả vai trò của một giáo viên từ vũ trụ, thợ sửa chữa và khách du lịch. Tuy nhiên, tất cả những lớp học về khoa học, nhiệm vụ sửa chữa hay màn vẫy cờ trong không gian đều nhằm che đậy một sự thật rằng: Đầu tiên và trước hết, họ là “người nhà” của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Cho đến nay, chương trình đưa người vào không gian của Trung Quốc đã tạo cho các nhà du hành vũ trụ cơ hội để hoàn thành nhiệm vụ về mặt quân sự của mình. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ thay đổi khi một trạm vũ trụ có người điều khiển thường trực đầu tiên của Trung Quốc được đưa vào không gian trong sáu năm tới.

Một nhiệm vụ nằm trong danh sách những thứ cấp thiết phải làm của Trung Quốc là thăm dò và theo dõi các tàu ngầm hạt nhân trên Trái đất thông qua các đột phá về mặt công nghệ mà giới khoa học Trung Quốc gặt hái được.

Phóng vệ tinh Thần châu 11, Trung Quốc tham vọng gì?

Phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 2 trải qua kiểm tra trước khi được phóng vào không gian hồi tháng trước. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Sáng nay 17-10, phi thuyền có người lái Thần Châu 11 đã được phóng thành công từ Trung tâm phóng tàu vũ trụ Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi, tây bắc Trung Quốc. Tàu Thần Châu 11 sẽ kết nối với trạm không gian Thiên cung 2 (Tiangong-2), nơi gắn chiếc đồng hồ nguyên tử lạnh ngoài không gian (CACS) đầu tiên trên thế giới.

Chiếc đồng hồ CACS siêu chính xác sẽ hỗ trợ cho thiết bị đo giao thoa nguyên tử lạnh (CAI) mà có thể đo được sự thay đổi dù rất nhỏ trong sóng trọng lực với độ tinh nhạy chưa từng có. Và một thiết bị tham vọng thế này được xây dựng trên trạm vũ trụ của Trung Quốc có khả năng sẽ được dùng để theo dõi các tàu ngầm.

Tàu ngầm hạt nhân thường có thiết kế đồ sộ với loại lớn nhất có thể dài hơn 170 mét và độ giãn nước 48.000 tấn. Khi các tàu ngầm hạt nhân lặn ở độ sâu vài trăm mét so với mặt biển, chúng sẽ phát ra các gợn sóng trọng lực. Một thiết bị thăm dò khá tinh nhạy có thể sẽ bắt được nguồn sóng và phân tích các gợn sóng để định vị và theo dõi tàu ngầm.

Liệu Trung Quốc đủ sức chế tạo?

Sử dụng thiết bị đo giao thoa nguyên tử lạnh để phát hiện tàu ngầm hiện là một công nghệ gây tranh cãi. Một số nhà khoa học cho rằng những thách thức lớn về mặt công nghệ đồng nghĩa với việc ứng dụng một thiết bị như vậy là không khả thi, đặc biệt khi khoảng cách rất xa nếu đặt trên một trạm không gian. Một số khác lại cho rằng nên thử triển khai kế hoạch trên.

Theo một nhà nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Không gian Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc có thể trở thành quốc gia đầu tiên tiến hành kế hoạch này. Ông cho biết thiết bị đo giao thoa nguyên tử lạnh sẽ là một phần  trong phòng thí nghiệm nguyên tử siêu lạnh trên trạm vũ trụ của Trung Quốc.

Phóng vệ tinh Thần châu 11, Trung Quốc tham vọng gì?

Tàu Thần Châu 11 rời bệ phóng sang 17-10. Ảnh: TÂN HOA XÃ

“Giá trị về mặt quân sự mà công nghệ này có thể mang lại không được thảo luận công khai. Tuy nhiên, đây là một bí mật mà ai trong cộng đồng nghiên cứu cũng biết tới” – báoBưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) dẫn lời nhà nghiên cứu giấu tên trên.

Giáo sư Tu Liangcheng, người nghiên cứu lĩnh vực đo trọng lực tại ĐH Khoa học Kỹ thuật Hoa Trung ở Vũ Hán, cho biết chính quyền Trung Quốc những năm gần đây đã rót một số tiền đáng kể vào việc nghiên cứu công nghệ theo dõi tàu ngầm. “Có một sự thay đổi trong thái độ của Hải quân Trung Quốc đối với chiến tranh tàu ngầm” – ông Tu nói.

Trước đây, Trung Quốc quan tâm nhiều tới việc tự phát triển tàu ngầm và công nghệ giúp các tàu không phát ra âm thanh, uy lực và có khả năng duy trì dưới mặt nước lâu hơn. Nước này nhìn chung đã không để mắt đến hoạt động của tàu ngầm hạt nhân các nước khác, trừ khi chúng đi vào lãnh hải của Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc bơm tiền cho các dự án nghiên cứu công nghệ săn tàu ngầm, gồm việc đo trọng lực, hiện tăng lên đáng kể. Sự thay đổi cho thấy tham vọng của Trung Quốc về việc xây dựng một hải quân “biển xanh” để bảo vệ lợi ích quốc gia dọc các tuyến đường thương mại hàng hải quan trọng trên thế giới.

Chuyên gia Tu cho biết Hải quân Trung Quốc cực kỳ muốn sở hữu khả năng theo dõi tàu ngầm hạt nhân các nước. Tuy nhiên, nước này vẫn còn bị Mỹ bỏ xa 30 năm nếu xét về công nghệ theo dõi tàu ngầm.

“Hiện Trung Quốc có đủ tiền và sức mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu đã ngang ngửa Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, Trung Quốc chịu áp lực cao giữa bối cảnh nước này có kỳ vọng lớn về một bước đột phá trong thời gian ngắn trong lại thiếu nhiều nguồn lực” – ông Tu nói.

“Thiên nhãn” phát hiện tàu ngầm

Có nhiều cách thức để đo dao động song. Vệ tinh GRACE thực hiện sứ mệnh quan sát thời tiết và xác định trọng lực của Mỹ - Đức được phóng vào năm 2002 sử dụng một cặp vệ tinh để đo sự thay đổi của trường hấp dẫn trên Trái Đất.

Phóng vệ tinh Thần châu 11, Trung Quốc tham vọng gì?

Tàu ngầm hạt nhân USS North Dakota của Mỹ đậu tại một căn cứ hải quân Mỹ ở Connecticut. Ảnh: The Day

Tuy nhiên, hệ thống đo giao thoa nguyên tử lạnh được đặt trên trạm vũ trụ Trung Quốc sẽ chính xác hơn vì nó có thể đo sự dao động ở cấp nguyên tử. Các chuyển động lên – xuống của nguyên tử gây ra do trọng lực sẽ giúp các nhà khoa học có được thông tin để theo dõi những diễn biến bất thường của trọng lực ở một khu vực cụ thể nào đó.

Giáo sư Zhan Mingsheng, đứng đầu nhóm nguyên cứu thiết bị đo giao thoa nguyên tử lạnh không gian tại Viên Vật lý và Toán học Vũ Hán thuộc Học viên Khoa học Trung Quốc, cho biết các nhà khoa học Trung Quốc sẽ có thể thu nhỏ thiết bị từ kích thước của một căn phòng xuống còn kích thước nhỏ hơn mà có thể bằng phần sau của một chiếc xe hơi.

Tuy nhiên, ông Zhan hiện nghi ngờ về khả năng liệu công nghệ sẽ giúp theo dõi một tàu ngầm trong tương lai gần hay không. “Vấn đề lớn nhất là tiếng ồn. Quả thật công nghệ rất tinh nhạy nhưng ngoài ra chính vì độ tinh nhạy mà thiết bị có thể nghe hết mọi thứ. Do đó tín hiệu mà bạn muốn theo dõi đơn giản sẽ bị át tiếng và biến mất trong tạp âm” – ông Zhan nói.

Bên cạnh đó, thiết bị trên sẽ bị phá rối ở một môi trường rộng lớn như trạm không gian, nơi nhiều thiết bị có thể gây tình trạng “hỗn loạn âm thanh”. Thậm chí tiếng ho của một phi hành gia cũng có thể gây ra một báo động sai. Đồng thời, máy đo giao thoa nguyên tử lạnh cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi máy bay và các tàu nổi trên Trái đất.

Khi một tàu ngầm hạt nhân bước vào một vùng biển lớn và rộng như Thái Bình Dương, người ta cho rằng nó sẽ không bị phát hiện cho đến khi nổi lên mặt nước. Tuy nhiên, một trạm theo dõi tàu ngầm ở vũ trụ có thể định vị tàu ngầm này một cách chính xác.

Tận dụng công nghệ mặt đất

Ngoài thiết bị đo giao thoa nguyên tử lạnh, Trung Quốc có thể xem xét các cách thức phi truyền thống khác để theo dõi tàu ngầm.

Phóng vệ tinh Thần châu 11, Trung Quốc tham vọng gì?

Chiếc đồng hồ nguyên tử lạnh ngoài không gian (CACS) đầu tiên trên thế giới được gắn ở phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 2. Ảnh: SCMP

Các lò phản ứng của tàu ngầm hạt nhân thường sẽ tạo ra neutrino, các hạt phân tử nhỏ có khả năng xâm nhập qua các bề mặt như nước, tường một cách dễ dàng, giúp xác định vị trí của một tàu ngầm khác.

Tận dụng nguyên lý này, Trung Quốc đã xây dựng các thiết bị theo dõi neutrino sâu 2,4 km dưới mặt đất, gồm một tại nhà máy điện hạt nhân Daya Bay ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông và một tại một nhà máy thủy điện ở Tứ Xuyên. Đây là phòng thí nghiệm dưới mặt đất sâu nhất trên thế giới.

Cao Jun, nhà nghiên cứu dẫn đầu dự án theo dõi neutrino Daya Bay, nói rằng việc theo dõi các hạt phân tử khó tìm ở khoảng cách xa 50 km đòi hỏi một thiết bị theo dõi nặng 20.000 tấn. Tuy nhiên, công nghệ theo dõi neutrino đang được nghiên cứu có thể đáp ứng việc thu nhỏ kích thước của thiết bị này theo như yêu cầu của quân đội Trung Quốc.

Ông Cao cho biết một bước đột phá về công nghệ trong tương lai có thể giúp các nhà khoa học phát triển các thiết bị theo dõi mà có thể đặt được trên tàu hoặc các trạm không gian.

Mỹ và EU ngoài ra cũng bắt đầu các dự án nghiên cứu thiết bị đo giao thoa nguyên tử lạnh. Tuy nhiên, các dự án này có thể bị hủy hoặc trì hoãn vì thâm hụt ngân sách. Một số nhà khoa học châu Âu hiện bày tỏ sự quan tâm về hợp tác với phía Trung Quốc.

Trung Quốc nói với Cơ quan Vũ trụ châu Âu rằng có thể còn chỗ cho các phi hành gia châu Âu trên trạm vũ trụ Trung Quốc và một số nhà du hành vũ trụ châu Âu hiện đã bắt đầu học tiếng Trung Quốc để chuẩn bị cho chuyến hành trình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm