Những điều ít biết về chiến hạm Mỹ mang tên thành phố Việt Nam

USS Hué City tại Đại Tây Dương năm 2007

USS Hué City tại Đại Tây Dương năm 2007

Tuần dương hạm Ticonderoga hiện là lớp tàu chiến mặt nước mạnh nhất của Hải quân Mỹ (cho tới khi DDG-1000 chính thức được đưa vào sử dụng). Ban đầu, Ticonderoga CG-47 được thiết kế để mang theo radar mảng pha quét điện tử thụ động và hoạt động với vai trò như một tàu khu trục. Tuy nhiên, sự ra đời của hệ thống tác chiến AEGIS cùng radar AN/SPY-1 đã dẫn đến việc Ticonderoga được chuyển đổi từ khu trục hạm thành tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển ngay trước khi đặt ky.

5 chiếc Ticonderoga đầu tiên mang số hiệu từ CG-47 đến CG-51 chưa được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng đa năng Mk-41 như sau này mà chỉ được trang bị 2 ray phóng đôi Mk-26 bố trí ở phía trước và sau tàu. Những ray phóng đôi này không cho phép khai hỏa tên lửa với tốc độ nhanh mà sau mỗi loạt phóng lại phải tái nạp một lần và còn phải lựa chọn chủng loại tên lửa cho phù hợp. Chính vì vậy 5 chiếc tuần dương hạm Ticonderoga đời đầu đã bị Hải quân Mỹ loại biên khi tuổi đời còn khá trẻ.

USS Ticonderoga CG-47 với ray phóng đôi Mk-26

USS Ticonderoga CG-47 với ray phóng đôi Mk-26

Theo quy tắc, các tuần dương hạm của Hải quân Mỹ được đặt tên theo những trận đánh lớn trên khắp thế giới mà có sự tham gia của Quân đội Mỹ, chính vì vậy CG-66 được đặt tên Hué City để kỷ niệm chiến dịch Huế, Tết Mậu Thân 1968 - nơi mà Trung đoàn 1 Thủy quân lục chiến Mỹ phải đối đấu với lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong lễ biên chế chính thức CG-66 cho Hải quân Mỹ, 3 tiểu đoàn trưởng từng tham gia trận đánh đã được mời làm khách danh dự.

USS Hué City có thông số cơ bản: Dài 173m; rộng 16,8m; mớn nước 10,2m; lượng giãn nước tiêu chuẩn 9.200 tấn, đầy tải 9.600 tấn. Tàu được trang bị 4 động cơ turbine khí General Electric LM2500 80.000 mã lực (60.000 kW) cho phép chạy với tốc độ tối đa 32,5 hải lý/h (60 km/h); tầm hoạt động 6.000 hải lý (11.000 km) khi chạy với tốc độ 20 hải lý/h (37 km/h) hoặc 3.300 hải lý (6.100 km) khi chạy với vận tốc 30 hải lý/h (56 km/h). Biên chế của tàu có khoảng 340 thủy thủ cùng 60 sỹ quan.

CG-66 được trang bị hệ thống điện tử cực kỳ đồ sộ gồm: Radar mảng pha đa năng AN/SPY-1A/B, radar tìm kiếm mục tiêu trên không AN/SPS-49; radar tìm kiếm bề mặt AN/SPS-73; radar kiểm soát hỏa lực tên lửa AN/SPG-62, radar kiểm soát hỏa lực pháo AN/SPQ-9; hệ thống tác chiến điện tử AN/SQL-32; hệ thống sonar AN/SQQ-89(V)1/3 - A(V)15 gồm sonar chủ động AN/SQS-53B/C/D cùng 2 sonar thụ động AN/SQR-19 TACTAS và AN/SQR-19B ITASS & MFTA cùng hệ thống hàng không AN/SQQ-28 phục vụ tác chiến chống ngầm.

Tên lửa RIM-161 SM-3 phóng đi từ tuần dương hạm USS Hué City

Tên lửa RIM-161 SM-3 phóng đi từ tuần dương hạm USS Hué City

USS Hué City thuộc thế hệ thứ hai của tuần dương hạm Ticonderoga nên đã được thay thế 2 ray phóng đôi Mk-26 bằng 2 cụm 61 ống phóng thẳng đứng Mk-41, mang theo hỗn hợp 122 tên lửa gồm tên lửa phòng không RIM-66M-5 Standard SM-2MR Block IIIB, RIM-156A SM-2ER Block IV, RIM-161 SM-3, RIM-162A ESSM, RIM-174A Standard ERAM, tên lửa hành trình tấn công mặt đất BGM-109 Tomahawk và tên lửa chống ngầm RUM-139A VL-ASROC. Bên cạnh đó tàu còn được trang bị 8 tên lửa hành trình chống hạm RGM-84 Harpoon bố trí ở phía đuôi tàu.

Những điều ít biết về chiến hạm Mỹ mang tên thành phố Việt Nam ảnh 4

Pháo hạm 127mm Mk-45 của USS Hué City khai hỏa

Vũ khí phụ của CG-66 gồm 2 hải pháo 127mm Mk-45 Mod 2, 2 pháo tự động 25mm Mk-38, 4 súng máy 12,7mm, 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx Block 1B cùng 2 cụm 3 ống phóng ngư lôi hạng nhẹ 324mm Mk-32. Tàu có nhà chứa máy bay ở phía đuôi cho phép mang theo 2 trực thăng Sikorsky SH-60B hoặc MH-60R Seahawk trong các chuyến hải trình.

USS Hué City là một trong những tàu chiến Mỹ đã tham dự cuộc duyệt binh hải quân quốc tế lần thứ sáu tổ chức tại New York vào tháng 7 năm 2000 với sự có mặt của tổng thống Bill Clinton. Thời gian gần đây tàu được triển khai thực hiện nhiệm vụ tại vịnh Ba Tư và biển Ả rập.

Vào ngày 14/4/2014, một đám cháy đã bùng phát trên CG-66 trong khi tàu đang hoạt động tại vị trí cách đảo Bermuda 200 hải lý về phía Đông Bắc. Mặc dù không gây ra thiệt hại về người nhưng đám cháy đã làm tàu phải ngừng hoạt động trong ít nhất 8 tháng để điều tra và sửa chữa với tổng chi phí dự kiến ban đầu khoảng 23 triệu USD.

USS Hué City (CG-66) cũng đã từng nằm trong danh sách những tàu chiến Mỹ buộc phải loại biên sớm do thiếu kinh phí hoạt động. Tuy nhiên Quốc hội Mỹ đã bác bỏ kế hoạch này và tiếp tục cung cấp tiền để tu sửa nhằm kéo dài thời hạn phục vụ của con tàu.

Gần đây đã xuất hiện một số ý kiến trong cộng đồng mạng (chủ yếu mang tính chất vui vẻ) cho rằng sau khi bị loại biên vào năm 2021 (sau khi đã trải qua 30 năm phục vụ), Việt Nam có thể đàm phán với Mỹ để được chuyển giao CG-66, sau đó sẽ đổi tên Hué City sang Thành phố Huế.

Theo Tri thức trẻ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm