Nga: Sẽ không nhượng bộ New START theo ý Mỹ

Hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu được thiết lập trong những năm cuối của thời chiến tranh lạnh đang tiến dần tới sự sụp đổ.

Mỹ ra tối hậu thư cho Nga

Theo trang tin UAWire, Mỹ đã ra tối hậu thư cho phía Nga trong các cuộc đàm phán về số phận của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START). Đây là thỏa thuận cuối cùng còn tồn tại giúp hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân của hai nước.

Hai tên lửa được phóng đi trong cuộc tập trận của Nga tại Đông Siberia năm 2018. Ảnh: AP

Washington đề xuất rằng Nga - sớm nhất có thể là trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 - ký một biên bản ghi nhớ cấp tổng thống lưu lại những điều khoản cơ bản về việc gia hạn hiệp ước. Đề nghị này do Đặc phái viên Nhà Trắng về kiểm soát vũ khí – ông Marshall Billingslea tiết lộ với báo Kommersant (Nga) hôm 20-9.

Ông Billingslea cảnh báo rằng nếu Nga không đáp ứng yêu cầu thì cái giá Nga phải trả cho việc đảm bảo thỏa thuận này với Mỹ sẽ tăng lên. Ông Billingslea còn nói Mỹ sẽ đưa ra “nhiều điều kiện mới” nếu Nga chờ cho tới khi cuộc bầu cử Mỹ kết thúc và Tổng thống Donald Trump tái đắc cử mới quyết định.

“Nếu không đạt được thỏa thuận gia hạn, chúng tôi rất vui khi tiếp tục hiện đại hóa lực lượng hạn nhân mà không có bất kỳ hạn chế nào” – ông  Billingslea nhấn mạnh.

Đáp lại, Nga yêu cầu hiệp ước cần có sự tham gia của các đồng minh Mỹ gồm Pháp và Anh và vũ khí hạt nhân của Mỹ loại khỏi châu Âu.

Washington phản đối những điều khoản này.

“Cả Anh và Pháp đều không tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình. Trung Quốc đang tích cực phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân của họ” – ông Billingslea giải thích.

Ông Billingslea nói thêm rằng lực lượng hạt nhân của Mỹ vẫn sẽ ở lại châu Âu, giống như các tên lửa Nga. Mỹ không yêu cầu Nga rút đầu đạn và hệ thống tên lửa khỏi vùng Kaliningrad (cực tây nước Nga).

Nga: Hoặc Mỹ dừng ra tối hậu thư hoặc không có thỏa thuận nào

Trao đổi với hãng tin TASS, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng Moscow xem các yêu cầu của Mỹ là “tối hậu thư” và Điện Kremlin không có ý định tiến hành thảo luận với phía Mỹ theo cách này.

“Đây đều là tối hậu thư làm giảm khả năng đạt được thỏa thuận” – ông Ryabkov cho biết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ảnh: INDIAN EXPRESS

“Hoặc họ có thể dừng việc ra tối hậu thư và chúng tôi có thể bắt đầu đàm phán hoặc sẽ không có thỏa thuận nào cả” –  hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Ryabkov.

Ông Ryabkov cho rằng những yêu cầu của Mỹ không phù hợp với ý tưởng của Nga về những gì phải làm để đảm bảo ổn định chiến lược.

Ông nói thêm Nga “bảo vệ an ninh nước mình theo cách tốt nhất có thể, bao gồm bằng việc phát triển lực lượng răn đe chiến lược”.

 “Ở nhiều khía cạnh, sự phát triển và thành tựu của chúng tôi trong lĩnh vực quân sự vượt trội hơn Mỹ, như đã được đề cập” – ông Ryabkov khẳng định.

Mỹ và Nga ký START năm 2010. Hiệp ước sẽ hết hạn vào tháng 2-2021.

Nếu hiệp ước không được gia hạn hoặc thay thế thì lần đầu tiên trong hàng thập niên, hai cường quốc hạt nhân thế giới sẽ trở lại kỷ nguyên không có những hạn chế thực chất về kho vũ khí. Điều này có khả năng dọn đường cho một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Mỹ muốn START khi gia hạn nên bao gồm Trung Quốc. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong số các cường quốc hạt nhân, Trung quốc đang xây dựng kho vũ khí hạt nhân với tốc độ kỷ lục.

Tính đến cuối năm 2019, số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc tăng thêm 30 và đạt đến con số 320.

Mỹ cắt giảm 285 đầu đạn hạt nhân xuống còn 5.800 đầu đạn, trong khi Nga hiện có 6.375 đầu đạn sau khi cắt giảm 125 đầu đạn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm