Mỹ sẽ triển khai THAAD tới Romania bất chấp Nga phản đối

Mỹ sẽ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) sang Romania trong mùa hè này để ủng hộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Bộ chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu (EUCOM) nói trong một tuyên bố ngày 11-4, theo hãng tin Sputnik. Mỹ đưa ra động thái này bất chấp sự phản đối từ Nga.

Lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ. Ảnh: SPUTNIK

“Theo yêu cầu của NATO, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ triển khai hệ thống THAAD tới Romania trong mùa hè này nhằm hỗ trợ năng lực chống tên lửa của khối” – thông báo của EUCOM nêu rõ.

Theo thông cáo, tại Romania, THAAD sẽ đảm đương nhiệm vụ của hệ thống phòng thủ Aegis Ashore, đang được sửa chữa vào bảo dưỡng.

Giới chức EUCOM những năm gần đây đã yêu cầu đẩy mạnh hệ thống THAAD nhằm tăng cường năng lực phòng không và phòng thủ tên lửa trong khu vực. Khu vực Thái Bình Dương và Trung Đông đã được triển khai lá chắn tên lửa này, theo trang tin Military.com.

Năm 2013, Mỹ triển khai THAAD tới đảo Guam nhằm phản ứng với vụ thử hạt nhân lần thứ ba của Triều Tiên, theo tổ chức phi lợi nhuận Missile Defense Advocacy Alliance.

Nhằm đáp trả mối đe dọa Triều Tiên ngày càng tăng, Mỹ năm 2016 thông báo đang triển khai THAAD tới Hàn Quốc. Quân đội Mỹ năm 2017 đã triển khai hai bệ phóng THAAD tới Seongju, phía nam Hàn Quốc.

Gần đây, THAAD lần đầu tiên được triển khai ở Israel hồi tháng 3. Theo chỉ đạo của Lầu Năm Góc, EUCOM đã triển khai hệ thống này tới Israel nhằm cho thấy “lực lượng Mỹ linh hoạt, có thể phản ứng nhanh và khó đoán trước bất kỳ mối đe dọa nào, bất kỳ nơi nào, bất cứ khi nào”, EUCOM tháng trước cho biết.

Quốc gia đầu tiên vận hành THAAD là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). UAE mua hệ thống này từ nhà sản xuất Lockheed Martin năm 2012.

Năm 2017, Bộ Ngoại giao Mỹ đồng ý bán hệ thống THAAD trị giá 15 tỉ USD cho Saudi Arabia.

THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa chống tên lửa đạn đạo, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo trong hoặc ngoài bầu khí quyển ở giai đoạn giữa hoặc giai đoạn cuối của hành trình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm