Mỹ sẽ có siêu pháo giúp tàu chiến bắn phá Moscow, Bắc Kinh

Ngày 19-10, hãng tin Sputnik cho hay Mỹ đang cố gắng phát triển một loại siêu pháo với tầm bắn xa gấp gần 50 lần các loại súng hiện có, giúp gia tăng đáng kể bán kính hỏa lực của các thiết giáp hạm của nước này.

Dẫn thông tin từ tạp chí Popular Mechanics (Mỹ), Sputnik cho biết hải quân Mỹ đang nghiên cứu chế tạo pháo tấn công chiến lược tầm xa (SLRC) với tầm bắn lên tới 1.000 hải lý (hơn 1.850 km).

Nếu thành công, loại vũ khí này sẽ trở thành "một bước đột phá mang tính cách mạng thật sự trong tác chiến pháo binh". Đồng thời, SLRC có thể trở thành động lực khiến Mỹ cân nhắc lại dự án tàu chiến lớp Montana mà nước này đã hủy bỏ trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Nếu được điều đến vùng biển thích hợp, một thiết giáp hạm lớp Montana được trang bị SLRC có đủ khả năng tấn công thủ đô Moscow của Nga hoặc thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. 

Bệ thử nghiệm pháo hạng nặng dùng cho siêu pháo SLRC. Ảnh: ATEC (US ARMY)

Một ủy ban thuộc Viện Hàn lâm Khoa học, kỹ thuật và y học quốc gia Mỹ đang được phân công nghiên cứu tính khả thi của dự án tham vọng này. Nếu mọi chuyện thuận lợi, SLRC sẽ trải qua lần thử nghiệm đầu tiên vào năm 2023.

Theo mô tả cả quân đội Mỹ, SLRC là một loại pháo cơ động trên xe tải hạng nặng, có thể chọc thủng hệ thống phòng không và phòng thủ trên biển của kẻ thù, mở đường cho các lực lượng khác của Mỹ tấn công.

Tuy nhiên, Popular Mechanics cho rằng việc chỉ bố trí SLRC trên đất liền sẽ vô tình giới hạn sức mạnh của siêu pháo này. Do đó, đề xuất được đưa ra là trang bị SLRC trên các tàu chiến cỡ lớn.

Nếu một thiết giáp hạm được trang bị SLRC xuất hiện ở Biển Bắc, phía tây Nga sẽ rơi vào tầm ngắn. Một con tàu tương tự ở Ấn Độ Dương có khả năng bắn phá Pakistan, Afghanistan, Iran... Nếu ở vùng biển phía đông Nhật, tàu chiến như vậy có thể tấn công Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc) hoặc Triều Tiên.

Dự án SLRC được cho là có thể gợi lại thời kỳ huy hoàng của các thiết giáp hạm - lực lượng được cho là có vai trò quyết định trong tác chiến hải quân ở những năm 1940.

Lớp tàu Montana được nghiên cứu lần đầu vào năm 1939. Tuy nhiên, đến năm 1943, toàn bộ kế hoạch đóng năm tàu của lớp này đã bị hủy bỏ khi hải quân Mỹ tập trung đóng các thiết giáp hạm lớp Iowa và tàu sân bay lớp Essex.

Lớp Iowa là cũng nhóm thiết giáp hạm cuối cùng mà hải quân Mỹ đã đóng. Tuy nhiên, pháo trên các tàu này có tầm bắn khoảng 20 hải lý (chưa tới 40 km).

Còn các tiêm kích F-35C - loại máy bay tối tân nhất được trang bị trên các tàu sân bay Mỹ - có bán kính hoạt động tối đa chỉ là 630-740 hải lý (khoảng 1010-1190 km).

Để khai thác tối đa sức mạnh, mỗi tàu lớp Montana có thể mang theo bốn khẩu SLRC. Siêu pháo này có thể cùng các loại vũ khí khác trên tàu như tên lửa RIM-162 ESSM hay hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx luân phiên khai hỏa. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm