Mỹ sắp công bố vụ nổ tàu hạt nhân thảm khốc nhất lịch sử

Hải quân Mỹ dự kiến sẽ công khai các tài liệu trước đây chưa từng công bố liên quan đến vụ nổ tàu ngầm hạt nhân USS Thresher (SSN-593) vào năm 1963, từng làm mất đi sinh mạng của gần 130 người, đài Sputnik đưa tin.

Vào ngày 10-2, thẩm phán Trevor McFadden của Mỹ đã ra lệnh cho Hải quân Mỹ bắt đầu công bố các tài liệu mật về vụ chìm tàu USS Thresher vào ngày 10-4-1963, khi tàu này đang tiến hành các cuộc tập trận dưới đáy biển.

Theo trang tin USNI News của Viện Hải quân Mỹ, họ đang hoàn thành việc xem xét toàn bộ 300 tài liệu liên quan trước ngày 30-4 và chính thức đưa ra cho công chúng trước ngày 15-5.

Tàu USS Thresher (SSN-593). Ảnh: US NAVY

Vụ chìm tàu năm 1963 được biết là sự cố tàu ngầm hạt nhân thảm khốc nhất trong lịch sử Mỹ. Ước tính có khoảng 3.600 tài liệu có liên quan đến sự kiện này.

Lệnh của thẩm phán được đưa ra chỉ vài tháng sau khi Đại úy James Bryant, chỉ huy tàu ngầm hạt nhân đã nghỉ hưu, đệ đơn kiện Hải quân Mỹ vào tháng 8-2019, kêu gọi công bố các tài liệu liên quan đến vụ nổ của tàu USS Thresher, xảy ra ngoài khơi Boston, bang Massachusetts, Mỹ và giết tất cả 129 người trên tàu.

Ông Bryant lập luận rằng việc công khai thông tin sẽ cho phép nhiều người tìm hiểu những gì đã xảy ra với tàu USS Thresher, từ đó các chuyên gia sẽ có thể góp ý cũng như đề xuất những ý tưởng để hải quân có thể cải thiện các vấn đề an toàn cho tàu ngầm hạt nhân.

Viên chỉ huy tàu ngầm hạt nhân cũng nói với USNI News rằng ông đặc biệt quan tâm đến các chi tiết liên quan đến máy bơm làm mát chính của tàu trước khi lò phản ứng hạt nhân ngừng hoạt động.

"Tôi đã cố gắng tìm hiểu những gì đã xảy ra bởi vì đó là những bài học kinh nghiệm tốt. Chúng ta cần để các học giả biết điều gì đã xảy ra. Tôi không làm điều này để bôi xấu hải quân" - ông Bryant nói vớiUSNI News tại thời điểm nộp đơn vào tháng 8-2019. 

Mặc dù có thông tin cho rằng vụ nổ liên quan đến vấn đề kỹ thuật nhưng các thuyết âm mưu cho rằng nó có liên quan đến sự can thiệp của Liên Xô.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh thế hệ đầu tiên

Vào giữa những năm 1950, Hải quân Mỹ đưa tàu USS Nautilus, tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trên thế giới vào hoạt động, chính xác là năm 1954. Sau đó, Hải quân Mỹ đóng chín lớp tàu ngầm hạt nhân khác nhau nhưng không thể tìm ra thiết kế xứng đáng để đưa vào sản xuất hàng loạt cho đến khi lớp tàu ngầm hạt nhân USS Thresher ra đời. Đây được cho là một trong những đại diện đầu tiên trong thế hệ tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh của Mỹ.

Được biết Thresher là mẫu tàu ngầm hạt nhân duy nhất thời điểm đó được sản xuất quá năm chiếc, với tổng cộng có 14 chiếc tàu ngầm lớp Thresher được sản xuất. Đây là lớp tàu được thiết kế để di chuyển nhanh, hoạt động ở độ sâu lớn, sở hữu lớp vỏ được sắp xếp hợp lý đến nỗi vẫn được áp dụng trên các tàu ngầm hiện nay.

Tàu ngầm Mỹ hiện nay được trang bị công nghệ SUBSAFE hiện đại. Ảnh: US NAVY

Ngoài ra, Threshers là lớp tàu ngầm đầu tiên sử dụng hợp kim thép có độ bền cao HY-80, được dùng cả trên các tàu ngầm lớp Los Angeles, ra đời vào những năm 1980.

Loại tàu này có chiều dài 85 m và đường kính ngang thân lớn nhất 9,5 m, có lượng choán nước là 4,369 tấn. Được trang bị lò phản ứng S5W mạnh mẽ, các tàu ngầm lớp Threshers có thể di chuyển rất nhanh với 20 hải lý/giờ khi nổi và 30 hải lý/giờ khi ngập hoàn toàn. Tốc độ này nhanh gấp rưỡi so với các tàu lớp Skate tiền nhiệm, vốn chỉ bơi được 20 hải lý/giờ khi lặn.

Hệ thống vũ khí của nó bao gồm ngư lôi dẫn đường Mark 37, mìn biển Mark 57, mìn biển Mark 60 CAPTOR và hệ thống vũ khí chống tàu ngầm SUBROC, Threshers là lớp tàu ngầm bổ sung mạnh mẽ cho khả năng chiến đấu của Hải quân Mỹ thời điểm đó.

Tai nạn thảm khốc

Ngày 9-4-1963, chiếc USS Thresher lặn thử nghiệm tại vùng biển cách Mũi Cod, Massachusetts khoảng 330 km, mặc dù đã phục vụ trong quân đội hai năm. Lý do là Hải quân Mỹ muốn kiểm tra sức mạnh tối đa của thân tàu.

Khi sự cố xảy ra, tàu đang lặn ở độ sâu khoảng 396 m, phía trên có tàu cứu hộ USS Skylark chờ sẵn để đối phó với tình huống khẩn cấp. Khi đó, trên tàu có 16 sĩ quan, 96 thủy thủ và 17 nhà thầu dân sự cùng tham gia quan sát cuộc thử nghiệm.

Đúng 9 giờ 13 phút sáng, sau 15 phút lặn ở độ sâu kiểm tra, tàu USS Thresher báo cáo có gặp một số khó khăn nhỏ, đang di chuyển với góc dương để nổi. Và đó cũng là thông báo rõ ràng cuối cùng từ USS Thresher, sau đó người ta chỉ nghe thấy âm thanh của không khí lùa vào trong khoang. Sau đó, con tàu chìm dần xuống đáy đại dương, mãi mãi nằm lại ở độ sâu 2,5 km và bị vỡ thành sáu mảnh.

Nguyên nhân

Theo các nhà điều tra quân sự Mỹ, khả năng lớn nhất gây ra vụ đắm tàu ngầm thảm khốc này là do các mối hàn bạc. Trên tàu USS Thresher có hơn 3.000 mối hàn bạc trên các đường ống, trong đó có đến hơn 400 mối thực hiện sai quy cách. Vì vậy, đường ống chứa nước biển đã bị vỡ dẫn đến các sự cố bên trong các khoang khiến con tàu bị chìm.

Tuy nhiên, việc nước tràn vào gây mất điện chỉ là một nửa của vấn đề. Theo tạp chí The National Interest, năm 2003, báo cáo của Hải quân Mỹ cho biết các thủy thủ khi đó đã không thể kích hoạt được hệ thống ngăn nước tràn vào các khoang, nguyên nhân là do sự cố từ các van bên trong khoang đáy của tàu.

Sau khi thảm họa của USS Thresher xảy ra, các chuyên gia của Hải quân Mỹ nhanh chóng được huy động để phát triển hệ thống đảm bảo an toàn cho các tàu ngầm có tên là SUBSAFE. Hệ thống này cho phép các tàu ngầm có thể nổi lên mặt nước trong trường hợp xảy ra sự cố khẩn cấp.

Năm 2005, tàu ngầm USS San Francisco va chạm với một mỏm núi ngầm dưới biển ở tốc độ 30 hải lý/giờ tại độ sâu 160 m, tuy nhiên, nhờ có SUBSAFE, con tàu không bị chìm và vẫn có thể di chuyển về căn cứ.

Theo The National Interest, mặc dù tham gia vào "chuyến tuần tra vĩnh cửu" nhưng sự ra đi của 129 người trên tàu USS Thresher không hề vô nghĩa. Nhờ họ mà hệ thống SUBSAFE được ra đời, đảm bảo cho mọi tàu ngầm của Mỹ sau này được an toàn hơn mỗi khi xâm nhập lòng đại dương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm