Mỹ muốn mua lại S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara nói không bán

Theo sửa đổi một thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất hồi tuần trước, Mỹ có thể được phép mua lại hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ. S-400 do Nga sản xuất và Thổ Nhĩ Kỳ đã mua của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng không có cơ sở pháp lý để Thổ Nhĩ Kỳ bán hệ thống S-400. Trong khi đó, Nga nói Thổ Nhĩ Kỳ muốn bán lại S-400 cho bên thứ ba phải có sự đồng ý của nước này.

Nghị sĩ Mỹ đề xuất mua lại S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ

Theo đề xuất sửa đổi Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) năm 2021 mà Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Whip John Thune trình lên quốc hội Mỹ hôm 25-6, quân đội Mỹ sẽ được phép mua hệ thống S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ, theo báo Newsweek.

Đề xuất cũng quy định rằng quy trình mua S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được sử dụng cho các trường hợp mua khí tài khác mà Mỹ đánh giá là không tương thích với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hệ thống S-400 của Nga tại Moscow hôm 18-6. Ảnh: KIRILL KUDRYAVTSEV/AFP VIA GETTY IMAGES

Ông Thune đưa ra đề xuất trên trong bối cảnh Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bất đồng quanh chuyện Ankara mua S-400 của Nga.

Ngay sau khi giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nhận S-400 từ Nga, Mỹ đã loại Ankara khỏi chương trình phát triển tiêm kích hiện đại F-35, đồng thời đe dọa rút vai trò sản xuất F-35 của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3 năm nay.

Tuy nhiên, như trang tin Defense One cho biết hồi tháng 1, dự kiến Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sản xuất các linh kiện F-35 đến cuối năm nay.

Nghị sĩ Mỹ đề xuất trừng phạt mạnh Thổ Nhĩ Kỳ

Cũng trong ngày 25-6, Thượng nghị sĩ James Risch - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ra đề xuất cứng rắn hơn, thúc đẩy Mỹ áp trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ vì thương vụ S-400.

Đề xuất sửa đổi của ông Risch sẽ yêu cầu Tổng thống Donald Trump áp đặt nămlệnh trừng phạt lớn hoặc hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ theo các quy định nêu trong Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).

Nếu đề xuất của ông Risch trở thành dự thảo cuối cùng của NDAA, Tổng thống Trump sẽ phải áp trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi NDAA được thông qua 30 ngày.

Phát biểu tại họp báo hồi cuối năm 2019, ông Trump cho biết chính phủ Mỹ đang cân nhắc áp lệnh trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ. Một tháng trước đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Robert O'Brien ra cảnh báo tương tự.

“Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thoát khỏi S-400 thì sẽ có lệnh trừng phạt. Các lệnh trừng phạt theo CAATSA sẽ thông qua tại Quốc hội và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cảm nhận được tác động của những lệnh trừng phạt đó”, ông O'Brien nói với kênh CBS News.

Ông O'Brien nói thêm sẽ không có chỗ cho khí tài quân sự của Nga trong NATO.

“Tôi nghĩ rằng phương án Mỹ mua lại S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ là cách khôn khéo để giúp Tổng thống Erdogan thoát khỏi vũng lầy mà ông ấy tự bước vào. Chúng tôi chỉ muốn đưa hệ thống này ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và điều đó cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tham gia chương trình F-35 thì càng tốt”, Defense One dẫn lời ông Jim Townsend, cựu quan chức Lầu Năm Góc phụ trách chính sách châu Âu và NATO, nói.

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng

Ông Omer Celik, Thư ký báo chí của đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng không có cơ sở pháp lý để Thổ Nhĩ Kỳ bán hệ thống S-400, theo hãng tin Sputnik.

Hệ thống S-400 tập dượt cho lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Nga. Ảnh: SPUTNIK

Ông Celik nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu có ý định mua hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất nhưng không nhận được phản hồi từ Mỹ.

Ông Celik cho hay Thổ Nhĩ Kỳ là “người mua cuối cùng” S-400, vì thế không có lý do gì để nước này phải bán lại hệ thống của Nga.

Về phía Nga, Cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang Nga nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể bán lại hệ thống S-400 cho Mỹ mà không có sự đồng ý của Moscow.

 “Để xuất khẩu các sản phẩm quân sự, người mua các vũ khí của chúng tôi phải trình bày khai báo người dùng cuối cho phía Nga. Đó là lý do việc chuyển giao hay tái xuất khẩu những sản phẩm như vậy cho bên thứ ba là không thể mà không có sự cho phép chính thức từ phía Nga”, đại diện của Cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang Nga nói rõ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bày tỏ ý định tiếp tục hợp tác với Nga trong lĩnh vực quốc phòng, mặc dù tiến trình này bị chậm lại do đại dịch COVID-19.

Tháng 9-2017, Nga cho biết đã ký với Thổ Nhĩ Kỳ hợp đồng cung cấp hệ thống S-400 trị giá 2,5 tỉ USD. Tháng 7-2019, Nga đã ban giao lô S-400 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Hệ thống S-400 Triumf (NATO định danh SA-21 Growler) là hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm xa mới nhất. Hệ thống đi vào biên chế trong quân đội Nga năm 2007. S-400 được thiết kế để phá hủy máy bay, tên lửa hành trình và đạn đạo. S-400 cũng có thể chống lại các mục tiêu trên mặt đất. S-400 có thể kết liễu mục tiêu ở khoảng cách 400 km và tại độ cao 30 km.

 
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm