Mỹ đang đàm phán bán 7 hệ thống vũ khí lớn cho Đài Loan

Mỹ đang thúc đẩy việc bán bảy hệ thống vũ khí lớn cho Đài Loan nhằm gia tăng áp lực lên Trung Quốc, hãng tin Reuters cho hay.

Mỹ và Đài Loan được cho là đang đàm phán mua bán các hệ thống phóng tên lửa di động, máy bay không người lái, tên lửa, thủy lôi và một số loại vũ khí khác.

Các vũ khí mà Đài Loan đang nhắm tới là sản phẩm của ba tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu ở Mỹ là Lockheed Martin, Boeing và General Atomics.

Ba nguồn tin thân thuộc với giới lập pháp Mỹ cho biết ba tập đoàn công nghiệp quốc phòng trên đang tích cực đàm phán bán vũ khí cho Đài Loan.

Hệ thống tên lửa - pháo binh cơ động cao (HIMARS) khai hỏa trong một lần thử nghiệm tại bãi thử White Sands (Mỹ). Ảnh: US ARMY

Một nguồn tin trong số này cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến sẽ báo cáo cho Tổng thống Donald Trump thông tin về các hợp đồng trên ngay trong tuần này.

Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về thông tin này của Reuters.

Trong quá khứ, Mỹ được coi là luôn thận trọng trong các giao dịch vũ khí với Đài Loan. Do đó, việc Washington cùng lúc đàm phán bán bảy hệ thống vũ khí cho chính quyền Đài Bắc là một động thái mạnh hiếm hoi, Reuters nhận xét. 

Đài Loan mua vũ khí gì từ Mỹ?

Các quan chức Đài Loan được cho là đang thảo luận ở cấp cao nhất với các đối tác Mỹ để mua một loại máy bay không người lái tiên tiến. Vũ khí này sẽ giúp vùng lãnh thổ mở rộng phạm vi giám sát và tấn công, hỗ trợ đắc lực cho các hệ thống phòng thủ mặt đất.

Nguồn tin của Reuters cho biết Đài Loan mong muốn trở thành "một con nhím" để phòng vệ trước sự tấn công (có thể xảy ra) từ phía Trung Quốc.

Trước đó, vào đầu tháng 8, Reuters đưa tin Washington đang đàm phán bán cho Đài Loan ít nhất bốn máy bay không người lái cỡ lớn với giá trị hợp đồng khoảng 600 triệu USD.

Đài Loan cũng đang đàm phán để mua Hệ thống tên lửa - pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Lockheed Martin sản xuất cùng với một số loại tên lửa chống tăng hiện đại.

Tên lửa đất đối hải Harpoon của công ty Boeing cũng được kỳ vọng sẽ sớm nằm trong biên chế lực lượng phòng vệ Đài Loan, giúp vùng lãnh thổ này gia tăng năng lực phòng thủ trước tên lửa hành trình của kẻ địch. 

Bà Tiêu Mỹ Cầm - người đứng đầu Văn phòng đại diện Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại thủ đô Washington (Mỹ). Ảnh: CNA

Trong tháng 7, bà Tiêu Mỹ Cầm - đại diện cấp cao nhất của Đài Loan tại Mỹ - cho biết vùng lãnh thổ này còn muốn mua "thủy lôi và các vũ khí khác để ngăn chặn hoạt động đổ bộ và tấn công trực tiếp".

Tại sao lại là thời điểm này?

Các nguồn tin này cho biết một phần trong số các hợp đồng trên đã được Đài Loan đề xuất từ hơn một năm trước nhưng quá trình đàm phán mới tiến triển trong thời gian gần đây.

Một quan chức cấp cao ở Mỹ cho rằng Trung Quốc đang ngày càng hung hăng ở eo biển Đài Loan, phá vỡ sự cân bằng giữa hai bờ eo biển. Điều này là "nguy hiểm" và phần nào thúc đẩy Washington bán vũ khí cho Đài Bắc.

Đồng thời, Tổng thống Trump cũng muốn tìm kiếm thêm nhiều hợp đồng cung cấp vũ khí cho các đồng minh. Theo cách này, chính quyền Washington vừa giúp tăng cường năng lực phòng thủ của nước nhập vũ khí và giảm sự phụ thuộc vào quân đội Mỹ, vừa tạo thêm việc làm cho người lao động trong nước.

Về phía Đài Loan, sau khi tái đắc cử hồi đầu năm 2020, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Bà Thái coi việc củng cố năng lực phòng thủ là một ưu tiên hàng đầu.

Đồng thời, Đài Loan có vẻ đang lo ngại ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Đối thủ của ông Trump là cựu Phó Tổng thống Joe Biden bị coi là thiếu cứng rắn với Trung Quốc và nếu đắc cử, đại diện của đảng Dân chủ có thể hạn chế bán cho Đài Bắc những vũ khí tiên tiên nhất của Washington, Reuters viết. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm