Lộ diện kho vũ khí khủng của Hamas sau 14 năm bị Israel cô lập

Trong cuộc giao tranh lần thứ tư này giữa Israel và lực lượng Hamas tại Dải Gaza, chỉ hơn 10 ngày, Hamas đã phóng hơn 4.000 quả rocket vào Israel, một số quả tiến sâu vào lãnh thổ Israel và với độ chính xác cao chưa từng có.

Các thành viên người Palestine thuộc cánh quân sự của Hamas diễu hành trong một cuộc tập trận quy mô lớn ở Dải Gaza năm 2018. Ảnh: Khalil Hamra/AP

Rocket của Hamas thậm chí đã bắn đến tận phía bắc, tới Tel Aviv. Hamas còn sử dụng máy bay không người lái và thiết bị lặn dưới nước để tấn công các mục tiêu của Israel. Theo hãng tin AP, thực tế này là màn phô diễn kho vũ khí mà Hamas đã liên tục mở rộng bất chấp sự phong tỏa nghiêm ngặt của Israel và Ai Cập trong suốt 14 năm.

“Mức độ đánh phá của Hamas lớn hơn nhiều và độ chính xác cũng cao hơn nhiều trong cuộc xung đột lần này. Thật là sốc trước những gì họ có thể làm dù bị phong tỏa” – ông Mkhaimar Abusada, giáo sư khoa học chính trị tại ĐH Al-Azhar (TP Gaza, Dải Gaza) nhận định.

Israel lập luận rằng lệnh phong tỏa – vốn gây ra khó khăn nghiêm trọng cho hơn hai triệu người Palestine ở Dải Gaza – là cần thiết để ngăn Hamas tích lũy vũ khí và lệnh phong tỏa không thể được tháo gỡ.

Từ vũ khí thô sơ tới rocket tầm xa

Từ khi Hamas được thành lập năm 1987, cánh quân sự bí mật của lực lượng này – vốn hoạt động cùng với một tổ chức chính trị công khai hơn – đã phát triển từ một lực lượng dân quân nhỏ thành những gì Israel mô tả là “quân đội bán chính quy”.

Cánh quân sự của lực lượng Hamas trưng rocket tự sản xuất Qassam trong lễ duyệt binh chống Israel năm 2016. Ảnh: Abed Rahim Khatib/Flash90

Trong những ngày đầu thành lập, Hamas thường xuyên thực hiện các vụ bắn giết, bắt cóc người Israel. Đã có hàng trăm người Israel thiệt mạng trong các vụ ném bom liều chết do Hamas thực hiện trong cuộc xung đột năm 2000.

Khi bạo lực lan rộng, Hamas bắt đầu sản xuất rocket thô sơ có tên “Qassam”. Rocket thô sơ này hoạt động bằng đường nóng chảy, tầm bắn chỉ vài km và thường bay vô định. Đa số rocket này rơi ngay trong Dải Gaza và ít gây thiệt hại cho Israel.

Sau khi Israel rút khỏi Dải Gaza năm 2005, Hamas đã tạo ra được một đường dây tiếp vận bí mật tới những nhà bảo trợ lâu năm là Iran và Syria, theo quân đội Israel. Những quả rocket tầm xa, chất nổ có sức công phá mạnh, kim loại và máy móc đã được chuyển vào Dải Gaza từ biên giới Ai Cập.

Các chuyên gia cho hay rocket được vận chuyển tới Sudan, sau đó được chuyển qua sa mạc rộng lớn của Ai Cập rồi được chuyển lậu thông qua hệ thống đường hầm hẹp bên dưới bán đảo Sinai.

Năm 2007, khi Hamas buộc Chính quyền Palestine rời khỏi Dải Gaza để tiếp quản nơi đây, Israel và Ai Cập đã ban hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Dù vậy, việc vận chuyển lậu vũ khí cho Hamas vẫn tiếp diễn, quân đội Israel thừa nhận.

Sau khi chính trị gia Hồi giáo và là đồng minh của Hamas – ông Mohammed Morsi được bầu làm Tổng thống Ai Cập năm 2012, hoạt động chuyển lậu vũ khí vào Dải Gaza tăng mạnh.

Hamas đã tích trữ một số loại rocket do nước ngoài chế tạo có tầm bắn nâng cấp, chẳng hạn như Katyushas hay Fajr-5 do Iran cung cấp và từng được Hamas sử dụng trong các cuộc giao tranh với Israel năm 2008 và năm 2012.

Tự chế tạo vũ khí

Sau khi Tổng thống Morsi bị lật đổ năm 2013, nhà chức trách Ai Cập đã triệt phá hàng trăm đường hầm buôn lậu. Kể từ đó, ngành công nghiệp vũ khí địa phương của Dải Gaza phát triển.

“Iran đã khởi động việc sản xuất tên lửa tại Dải Gaza, cung cấp kiến thức và công nghệ. Nhưng giờ đây, người Palestine có thể tự cung tự cấp. Ngày nay, hầu hết rocket mà chúng ta nhìn thấy là được sản xuất ở Dải Gaza, thường là có thêm sự sáng tạo công nghệ” – nhà phân tích an ninh độc lập chuyên về các loại vũ khí được sử dụng tại Trung Đông, ông Fabian Hinz cho biết.

Lực lượng an ninh Israel kiểm tra một giáo đường Do Thái bị hư hỏng do trúng rocket phóng từ Dải Gaza. Ảnh: Tsafrir Abayov/AP

Một phim tài liệu do kênh Al Jazeera phát sóng hồi tháng 9-2020 có xuất hiện một phân cảnh các tay súng Hamas lắp ráp thành công một loại tên lửa của Iran với tầm bắn lên tới 80 km và đầu đạn có thể mang theo lượng thuốc nổ nặng 175 kg.

Các chiến binh Hamas được cho đã thu được một số tên lửa “tịt ngòi” của Israel và đã tháo chúng ra để lấy một số vật liệu nổ bên trong. Hamas thậm chí đã lấy những ống nước cũ làm thân tên lửa.

Để chế tạo rocket, các nhà hóa học và kỹ sư của Hamas đã chế tạo thuốc nổ từ phân bón, chất oxy hóa cùng các thành phần khác trong các nhà máy tạm bợ. Nhiều nguyên vật liệu vẫn được tuồn lậu vào Dải Gaza thông qua nhiều đường hầm.

Hamas công khai ca ngợi Iran vì đã hỗ trợ lực lượng này. Giới chuyên gia tin rằng hiện giờ sự hỗ trợ của Iran chủ yếu ở dạng bản thiết kế, hướng dẫn sử dụng vũ khí, thử nghiệm động cơ cùng một số chuyên môn kỹ thuật khác.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết mỗi năm Iran cung cấp 100 triệu USD cho các nhóm vũ trang người Palestine.

Lộ diện kho vũ khí

Theo ước tính của quân đội Israel, trước khi bùng phát xung đột, Hamas sở hữu 7.000 quả rocket với nhiều tầm bắn khác nhau, có thể bao phủ gần toàn bộ lãnh thổ Israel, cùng với 300 tên lửa chống tăng và 100 tên lửa phòng không.

Ngoài ra, Hamas còn có hàng chục máy bay không người lái, có một đội quân gồm 30.000 tay súng, trong đó có 400 lính biệt kích hải quân.

Một ôtôthị trấn Ashkelon (Israel) bị trúng tên lửa được phóng từ Dải Gaza hôm 11-5. Ảnh: Ariel Schalit/AP

Trong cuộc xung đột lần này, Hamas đã trình làng các loại vũ khí mới như máy bay tấn công không người lái, thiết bị lặn không người lái và một loại rocket không người lái có tên “Ayyash” với tầm hoạt động 250 km. Israel tuyên bố những hệ thống mới này đã bị vô hiệu hóa hoặc không thể tiến hành các cuộc tấn công trực diện vào lãnh thổ Israel.

Quân đội Israel cho biết chiến dịch hiện tại của nước này đã giáng một đòn nặng nề vào các cơ sở nghiên cứu, cất trữ và sản xuất vũ khí của Hamas. Tuy nhiên, giới chức Israel thừa nhận họ không thể ngăn Hamas tiếp tục phóng rocket vào lãnh thổ nước này.

Không như tên lửa dẫn đường, rocket thường thiếu tính chính xác và đã bị hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Israel đánh chặn. Tuy nhiên, với việc liên tục thách thức sức mạnh hỏa lực của Israel, Hamas có lẽ muốn gửi đi thông điệp chính.

“Mục tiêu của Hamas không phải là hủy diệt quân sự Israel. Suy cho cùng, rocket cũng chỉ là công cụ để tạo ra đòn bẩy và viết lại luật chơi” – chuyên gia Hinz nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm