Kim Jong Un khiến Mỹ rối trí như thế nào?

Khi ông Kim trở thành lãnh đạo tối cao của Triều Tiên vào hai năm trước, tình báo Mỹ nghĩ rằng người chú của ông sẽ chỉ bảo ông trong thời gian chuyển giao quyền lực. Tháng 12 vừa qua, người chú này cùng với những người thân tín đã bị xử tội. 

Kim Jong Un, Triều Tiên, tên lửa đạn đạo, tình báo Mỹ, chương trình hạt nhân
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (bên trái ảnh)

Mỹ nghĩ là ông Kim sẽ tập trung vào phát triển nền kinh tế, thay vì các chương trình quân sự. Thực tế, Kim Jong Un đã quyết định tiếp tục thử nghiệm các tên lửa đạn đạo, nỗ lực theo hướng phát triển tên lửa xuyên lục địa có thể đe dọa tới Mỹ, cùng với đó là chương trình hạt nhân, các lực lượng tác chiến đặc biệt và pháo tầm xa. 

Cựu chuyên gia về Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ là Evans J. R. Revere thừa nhận trên tờ Times: “Chúng tôi đã thất bại. Trong suốt hai thập kỷ, chính sách của chúng tôi là ngăn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Giờ thì rõ ràng là chẳng có cách nào để họ từ bỏ, bất kể các lệnh trừng phạt lẫn đề nghị chúng tôi đưa ra là gì”.  

Về cơ bản, Triều Tiên coi thường mọi ý muốn của Mỹ, và giờ đây Mỹ chẳng biết phải làm gì với Bình Nhưỡng. 

Thêm vào đó, các điệp viên của Mỹ hầu như ‘mù tịt’ thông tin về Bình Nhưỡng. Tờ Bưu điện Washington dẫn ra một vụ rò rỉ thông tin trong cộng đồng tình báo Mỹ hồi năm ngoái, trong đó cho biết, “năm lỗ hổng then chốt trong tình báo Mỹ về chương trình hạt nhân và tên lửa Bình Nhưỡng, và các nhà phân tích rốt cuộc chẳng biết gì về ý định của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un”. 

Khi ông Kim Jong Un nắm quyền vào tháng 12/2011, nhiều chuyên gia nói rằng vị lãnh đạo còn trẻ tuổi này có thể sẽ ngại ngùng khi đối đầu với Mỹ, và thậm chí là với Hàn Quốc. Nhưng rồi, vị lãnh đạo ở độ tuổi ngoài 30 này đã chứng tỏ ông thậm chí còn có kỹ năng lãnh đạo điêu luyện hơn nhiều người từng nghĩ. 

Business Insider thống kê tám điều mà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên đã làm trong 18 tháng qua khiến cho Mỹ ngạc nhiên và rối trí. 

1. Mỹ nghĩ rằng Kim Jong Un sẽ không quá gấp gáp trong chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng Triều Tiên lại tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân thứ ba vào tháng 2/2013. Ông Kim đang mở rộng việc sản xuất uranium làm giàu ở cấp cao hơn để có nguồn cung nhiều hơn cho năng lượng hạt nhân, và gần đây đe dọa tiến hành ‘một kiểu thử hạt nhân mới’.  

2. Khi cả thế giới nghĩ rằng việc Triều Tiên phóng tên lửa là chuyện xa xôi, thì tháng 12/2012, Bình Nhưỡng cho phóng tên lửa có thể bắn tới 1.600 dặm. Sự kiện này bị nghi là thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa mà Kim Jong Un muốn lấy đó để đe dọa Mỹ và đồng minh. 

3. Tháng 4/2013, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ nói rằng, họ tin là Triều Tiên đã học được cách tiểu hình hóa vũ khí hạt nhân để lắp lên đầu tên lửa đạn đạo.  

4. Tờ New York Times viết: “Các quan chức quốc phòng nói rằng, giờ họ ít có thời gian cảnh báo về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hơn so với hai hoặc ba năm trước, vì ông Kim đã đặt mọi nguồn lực lên các bệ phóng di động, mà liên tục di chuyển từ hầm này sang hầm khác, khiến cho các vệ tinh của Mỹ ngày càng khó theo dõi hơn”.  

5. Tổng thống Mỹ từng được báo cáo rằng người chú Jang Song Thaek có thể kìm hãm được Kim Jong Un, nhưng rồi Kim đã xử tử ông Jang – người được cho là có quan hệ rất gần gũi với Trung Quốc. 

6. Trong khi rất nhiều người mong chờ nền kinh tế Triều Tiên sụp đổ vì các lệnh trừng phạt, điều này lại không xảy ra. 

7. Trung Quốc hậu thuẫn cho Triều Tiên: Bắc Kinh mới đây đã phản đối một báo cáo lạm dụng nhân quyền tại Triều Tiên, và được cho là đã cung cấp thiết bị quân sự và một quỹ ủy thác của lãnh đạo Bình Nhưỡng tại ngân hàng ở Trung Quốc. 

8. Triều Tiên được cho là có máy bay không người lái dùng để do thám, và công nghệ của họ sẽ còn phát triển hơn nữa. 

Điều đặc biệt là, trong khi ông Kim Jong Un có cơ hội rất lớn để tiếp tục chiều hướng này thì Mỹ lại hầu như không nắm được gì trong việc thu thập thông tin tình báo về Triều Tiên. 

Theo Lê Thu (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm