Không phải Trung Quốc, Ấn Độ, đây mới là nước có không quân mạnh nhất châu Á

Khi Ấn Độ và Trung Quốc ra sức thể hiện tiềm lực trên không của nước mình thì Mỹ tiếp tục vận hành lực lượng không quân mạnh nhất thế giới với các tiêm kích uy lực như F-22 Raptor, F-35 và một một loạt máy bay thiện chiến khác như F-15EX, F-16 và nhiều hơn nữa.

Câu hỏi đặt ra là vậy quốc gia nào có hoặc có thể có lực lượng không quân mạnh thứ hai thế giới và mạnh nhất châu Á?

Nhật dần vươn lên thành nước có lực lượng không quân đáng gờm ở châu Á

Theo báo The EurAsian Times, Nhật sắp trở thành nước vận hành tiêm kích tàng hình F-35 lớn thứ hai sau Mỹ. Nước này cũng đang phát triển một máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu. Với tất cả điều này, Nhật đang phát triển thành nước có lực lượng không quân đáng gờm ở châu Á, có thể vượt qua cả Trung Quốc và Ấn Độ.

Các thành viên của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản đi qua tiêm kích F-15J/DJ (trái) và F-2 A/B (phải) đậu trên đường băng tại căn cứ không quân Hyakuri ở tỉnh Ibaraki (Nhật) năm 2014. Ảnh: KAZUHIRO NOGI/AFP/Getty Images

Nhật là một trong những nước chi tiêu quân sự lớn nhất tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và đứng thứ chín trong chi tiêu quân sự toàn cầu với 49,1 tỉ USD, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

Nhật xếp thứ năm, chỉ sau Ấn Độ (thứ tư) và Trung Quốc (thứ ba) trong bảng xếp hạng Hỏa lực Toàn cầu (Global Firepower) 2021 xét về các yếu tố trong tiềm lực quân sự, khả năng tài chính và hậu cần cũng như địa lý.

Mỹ có dấu ấn đáng kể với kho vũ khí quân sự của Nhật vì lực lượng phòng vệ Nhật có liên minh an ninh với người Mỹ theo Hiệp ước Hợp tác và An ninh tương hỗ Mỹ-Nhật năm 1960.

Bản Hướng dẫn Chương trình quốc phòng (NDPG) 2018 đã vạch ra chính sách quốc phòng của Nhật trong năm năm tới.

Không quân Nhật

Không quân Nhật còn được gọi là Lực lượng phòng vệ trên không Nhật, ra đời sau Đạo luật Lực lượng phòng vệ năm 1954.

Máy bay chiến đấu bản địa đầu tiên của Nhật là F-1, do công ty Mitsubishi Heavy Industries (MHI) phát triển trong những năm 1970. Chiếc F-2 ‘Viper Zero’ là một máy bay chiến đấu nội địa khác của Nhật, dựa trên thiết kế của tiêm kích F-16 của Mỹ.

Là máy bay chiến đấu đa nhiệm một động cơ, F-2 được trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn và tầm trung cũng như tên lửa diệt hạm.

Những thay đổi hữu hình đối với thiết kế F-2 bao gồm tăng 25% diện tích cánh, lắp đặt dù hãm và thân máy bay được điều chỉnh cùng với một bộ tác chiến điện tử do công ty Mitsubishi Electric phát triển và màn hình hiển thị đa chức năng (MFD) do công ty Yokogawa có trụ sở ở Nhật chế tạo.

Tiêm kích F-35A Lightning II của Mỹ. Ảnh: Wikimedia Commons

Mitsubishi còn có giấy phép sản xuất tiêm F-15 Eagle – máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không của Mỹ, điều này khiến Nhật trở thành quốc gia duy nhất chế tạo phiên bản nội địa của máy bay Mỹ  - F-15J.

Ngoài ra, gần 50 máy bay chiến đấu F-4 Phantom II – tiêm kích biểu tượng thời Chiến tranh Lạnh vẫn còn trong biên chế trong không quân Nhật, theo chuyên san quân sự National Interest.

Nhật đang trong quá trình mua số lượng kỷ lục tiêm kích tàng hình F-35, một trong những tiêm kích hiện đại nhất thế giới, để thay thế phi đội F-4 già cỗi.

Tháng 7-2020, Mỹ đã đồng ý bán 105 tiêm kích F-35, bao gồm cả F-35A và F-35B cho Nhật. Thỏa thuận trị giá 23 tỉ USD này biến Nhật trở thành khách hàng nước ngoài lớn nhất của F-35 và là nước vận hành F-35 lớn thứ hai thế giới với 147 chiếc, sau Mỹ. Không quân Mỹ là khách hàng lớn nhất của F-35 do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất, chiếm 70% trong tổng số 2.443 máy bay trong kế hoạch của Lầu Năm Góc.

Nhật đang lên kế hoạch triển khai bốn chiếc F-35A tới căn cứ Komatsu ở biển Nhật Bản đến năm 2025, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc liên tục xâm phạm không phận nước này, theo báo The Japan Times.

Tháng 12-2020, báo Nikkei Asia công bố chi tiết chương trình đầy tham vọng trị giá 48 tỉ USD của Nhật để phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ thứ sáu F-X, tiếp tục cuộc đua với Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Việc sản xuất tiêm kích F-X sẽ bắt đầu vào năm 2031 và triển khai vào năm 2035 để thay thế phi đội F-2 của nước này.

F-X sẽ là tiêm kích hai động cơ, được trang bị radar hiện đại. F-X sẽ có khả năng điều khiển máy bay không người lái từ xa và tác chiến điện từ cùng tấm chắn nhiệt và tên lửa không đối không.

Tiềm lực quân sự ngày càng tăng của Nhật

The EurAsian Times trước đó đưa tin nội các của Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đã thông qua ngân sách quân sự cao kỷ lục 51,7 tỉ USD cho năm tài khóa 2021-2022, tăng 1% so với năm trước.

Trong bảng xếp hạng Chỉ số Quyền lực Châu Á (Asia Power Index) 2020 do Viện Lowy (có trụ sở Sydney – Úc) công bố, Nhật xếp thứ 3 trong số 26 quốc gia trong khu vực có mức tăng trưởng mạng lưới quốc phòng lớn nhất, phản ánh sự tiến bộ trong ngoại giao quốc phòng khu vực của nước này.

Ý tưởng tiêm kích thế hệ thứ sáu F-X. Ảnh: Business Insider

Năm ngoái, Nhật đạt được thỏa thuận xuất khẩu vũ khí đầu tiên, bảy năm sau khi ngành công nghiệp này dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí. Philippines đã ký với Nhật hợp đồng mua radar giám sát trên không hiện đại trị giá 103,5 triệu USD.

Có thể thấy rõ sự thay đổi trong chính sách Đài Loan của Nhật khi nước này tham gia chống chính sách hiếu chiến của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nubuo Kishi nhấn mạnh cần phải “thức tỉnh” trước việc Bắc Kinh gây sức ép lên Đài Loan, coi hòn đảo này là “lằn ranh đỏ”, gây phương hại tới an ninh của Nhật, theo trang tin Taipei Times. Để duy trì cán cân sức mạnh trong bối cảnh Trung Quốc ngày một hung hăng và quyết đoán, Nhật đang cải tiến quy chế quân sự nước mình, từng bước một.

Chuyên gia chiến lược Nitin J. Ticku nhận định Trung Quốc có thể có lực lượng trên không lớn nhất châu Á hoặc lớn thứ hai thế giới, nhưng chính Nhật mới đang dần dần vươn lên thành lực lượng không quân có sức ảnh hưởng lớn. Trung Quốc hay thậm chí Ấn Độ có thể có những con số nhưng Nhật với sự hỗ trợ của Mỹ nắm giữ lợi thế công nghệ giống như Israel ở Trung Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm