Tổng thư ký NATO:

‘Châu Âu trong tầm ngắm của tên lửa Triều Tiên’

“Chúng tôi phải thừa nhận rằng châu Âu hiện cũng nằm trong tầm ngắm của tên lửa Triều Tiên và các nước thành viên NATO đang trong thế nguy hiểm” - Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói với tờ Yomiuri Shimbun (Nhật) hôm 29-10.

Tuyên bố của người đứng đầu NATO được đưa ra trong bối cảnh ông sắp có chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc. Cả Tokyo và Seoul thời gian qua liên tục bày tỏ quan ngại với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông Stoltenberg khẳng định NATO hiện có khả năng đáp trả bất kỳ mối đe dọa nào. “NATO đã và đang bảo vệ các quốc gia thành viên khỏi mối đe dọa của các tên lửa đạn đạo thông qua hệ thống ngăn chặn”.

Hình ảnh của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA công bố ngày 5-7-2017 cho thấy người dân nước này đang xem tường thuật vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 của Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA

Theo ông, nhiều nỗ lực ngoại giao hơn cần được thực hiện để tìm ra một giải pháp hòa bình cho căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. “Không có thành viên NATO nào muốn chiến tranh cả. Đó sẽ là một thảm họa” - lãnh đạo NATO nhận định.

Ông Stoltenberg dự kiến sẽ có chuyến thăm Nhật Bản trong ngày 30 và 31-10. Tại đây, ông sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera. Người đứng đầu NATO cũng sẽ thăm căn cứ hải quân của Nhật ở Yokosuka trước khi đến thăm Hàn Quốc.

Lá chắn tên lửa của NATO được thiết kế để bảo vệ các quốc gia châu Âu trước mối đe dọa từ những quốc gia như Triều Tiên và Iran. Hệ thống ngăn chặn này được phát triển dưới sự chỉ dẫn của Mỹ, theo RT. Hệ thống sử dụng một mạng lưới radar để phát hiện các mối đe dọa trên không. Nếu có mối đe dọa, một tên lửa đánh chặn sẽ được phóng từ một căn cứ phòng thủ hoặc một tàu chiến để tiêu diệt tên lửa đối phương.

Năm ngoái, NATO tuyên bố đưa vào hoạt động hệ thống phòng thủ tên lửa ở Romania. Song song đó, NATO cũng động thổ xây dựng một căn cứ phòng thủ tên lửa khác ở Ba Lan. Đây là một phần trong kế hoạch nhằm hoàn thành lắp đặt lá chắn tên lửa của NATO ở khu vực Đông Âu trong năm 2018.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm