Cặp sát thủ Su-57 và Hunter-B của Nga đem đến 'ác mộng' cho Không quân Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các cường quốc quân sự hàng đầu đang trong cuộc đua phát triển máy bay không người lái (UAV) đóng vai trò phụ trợ cho các tiêm kích. Những UAV chiến đấu này được thiết kế để phối hợp sức mạnh và giảm thiểu rủi ro cho phi công.

Mỹ tuyên bố đã đạt được những bước tiến lớn trong chương trình phát triển UAV Skyborg, song Nga đang đem ác mộng đến cho Không quân Mỹ với cặp sát thủ tiêm kích Sukhoi Su-57 và UAV chiến đấu Hunter-B, theo trang tin The EurAsian Times.

Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga bay cùng UAV Okhotnik-B. Ảnh: The EurAsian Times

Ý niệm về một UAV hoạt động cùng máy bay thông thường có người lái rất đơn giản, tức là ghép nối một máy bay thông thường có người lái với một đội UAV. Những UAV này được gọi là máy bay phụ trợ chi phí thấp (LCAA), bay trước máy bay có người lái. Chúng cung cấp mức độ linh hoạt đáng kể trong hoạt động và thường mang theo vũ khí tùy nhiệm vụ cụ thể.

LCAA được thiết kế để đảm bảo an toàn cho phi công và thực hiện các vai trò trong môi trường được coi là quá nguy hiểm cho phi công.

Bộ đôi “sát thủ” của Nga

Sukhoi S-70 Okhotnik-B, còn được gọi là Hunter-B, là UAV chiến đấu thế hệ thứ sáu tối tân với tính năng tàng hình mạnh mẽ. Hunter-B là sản phẩm của Cục Thiết kế Sukhoi và Tổng công ty chế tạo phi cơ MiG của Nga. UAV chiến đấu này đang được phát triển cho Không quân Nga. Những chiếc Hunter-B đến năm 2024 sẽ được bàn giao cho quân đội Nga để triển khai cùng với tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm Su-57.

Hunter-B thực hiện chuyến bay đầu tiên kéo dài 20 phút năm 2019. Khi đó, UAV Hunter-B được nhìn thấy bay vòng quanh Trung tâm Thử nghiệm bay nhà nước Chkalov ở TP Astrakhan, phía nam nước Nga.

Hunter-B được trang bị động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt AL-31, có thiết kế cánh bay mạnh mẽ và trọng lượng cất cánh tối đa 20 tấn. UAV Hunter-B có tầm hoạt động 6.000 km và có thể bay với tốc độ 1.000 km/giờ.

Thân Hunter-B được phủ lớp sơn hấp thụ radar, lớp sơn này được thiết kế để giảm tiết diện chống phản xạ radar.

Hunter-B và Su-57: Cặp đôi hoàn hảo?

Tiêm kích Su-57 (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gọi là Felon) bị chỉ trích vì thiếu mức độ tàng hình như của tiêm kích F-35 Mỹ. Trong khi một số chuyên gia tin rằng Su-57 có khả năng cơ động tốt hơn F-35, tiết diện chống phản xạ radar cao hơn của Su-57 đặc biệt ở hướng bên và từ phần đuôi máy bay làm ảnh hưởng tới tính năng tàng hình tổng thể của nó.

Mô hình 3D UAV chiến đấu Okhotnik-B (Hunter-B) của Nga. Ảnh: TWITTER

Cũng có một số quan điểm cho rằng Su-57 không phải là tiêm kích thế hệ thứ năm thực thụ và máy bay này chỉ có khả năng tàng hình. Điều này có nghĩa là tính năng tàng hình của Su-57 được thiết kế như một tính năng phụ cho phép máy bay thực hiện các vai trò tàng hình hạn chế như thâm nhập không sâu vào tuyến phòng thủ của kẻ thù.

Tuy nhiên, với việc có UAV Hunter-B phụ trợ, điều này có thể sớm thay đổi. Hunter-B sở hữu phạm vi hoạt động ấn tượng và có thể bay khi được trang bị hơn hai tấn vũ khí tấn công mặt đất và không đối không, giúp các cuộc tấn công chính xác trong lòng địch trở nên khả thi.

Chương trình Skyborg của Mỹ

Cơ quan chỉ đạo các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Mỹ đã dẫn đầu các chương trình thiết bị trung gian phối hợp giữa người và máy nhằm tăng cường khả năng không quân của quân đội Mỹ.

Năm ngoái, DARPA khởi động chương trình Tiến hóa không chiến (Air Combat Evolution-ACE). Chương trình được cho đã đạt được tiến bộ đáng kể và đã kết thúc thành công giai đoạn 1.

Bổ sung vào chương trình ACE của DARPA là chương trình Skyborg của riêng Không quân Mỹ. Chương trình Skyborg đang hoạt động để cách mạng hóa hơn nữa ý niệm máy bay phụ trợ. Dự án này dưới sự bảo trợ của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân (AFRL).

UAV Skyborg sử dụng công nghệ AI của Không quân Mỹ. Ảnh: The EurAsian Times

Theo ông Will Roper, Trợ lý Bộ trưởng Không quân Mỹ về mua sắm, công nghệ và hậu cần, Skyborg được hứa hẹn trở thành một UAV phụ trợ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), sẽ huấn luyện cùng với máy bay có người lái, và đạt được sự nhạy bén hơn nữa trong hoạt động để đáp ứng nhu cầu của phi công và giúp chống các mối đe dọa.

Dự án ARFL này vẫn trong giai đoạn sơ khai và đã nhận được tài trợ. Không quân Mỹ được cho quan tâm tới việc đưa “mục tiêu bay” QF-16 do Boeing sản xuất, UAV chiến đấu tàng hình Kratos XQ-58 Valkyrie hoặc UAV mục tiêu BQM vào dự án Skyborg.

Những điều này ám chỉ về kế hoạch máy bay phụ trợ tiềm năng trong tương lai của Không quân Mỹ.

Mỹ có nên lo lắng?

Nga đã đạt được những bước tiến nhanh chóng trong công nghệ UAV những năm gần đây, điều này trở thành vấn đề đáng lo ngại với Mỹ. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng mặc dù Nga đã thực hiện những nỗ lực tốt nhất, có những tiến bộ  thấy rõ nhưng cả Mỹ và Trung Quốc vẫn vượt xa Nga trong cuộc đua chế tạo UAV chiến đấu.

Dù là trường hợp nào thì có một điều chắc chắn là máy bay yểm trợ trung thành ở mức độ nào đó sẽ ảnh hưởng tới kết quả của bất kỳ cuộc chiến tranh nào trong tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm