Cận cảnh sân bay quân sự Mỹ đang dõi sát Triều Tiên

(Nguồn: Youtube)

Theo CNN, chiếc Lockheed U-2 được mệnh danh là “Bà Rồng” (Dragon Lady), với kiểu dáng đẹp, có khả năng thực thiện các chuyến bay trinh sát ngày và đêm, trong mọi thời tiết ở độ cao lên tới 21 km so với mực nước biển.

“Bà Rồng” là máy bay trinh sát được Washington lựa chọn để kiểm chứng các mối đe dọa mà Triều Tiên khoe khoang về công nghệ tên lửa có đúng sự thật hay không.

Phi công của “Bà Rồng” chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ kéo dài 12 giờ đồng hồ trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: CNN

“Chúng tôi bận rộn hơn so với thời điểm 10 năm trước” – trung tá James Bartran, một phi công kỳ cựu của chiếc U-2 cho biết. Ông James Bartran là người dẫn đầu Biệt đội trinh sát thứ 5 tại căn cứ không quân Osan – căn cứ của lực lượng Mỹ gần Triều Tiên nhất.

CNN cho biết nhiệm vụ Bà Rồng thực hiện là rất rõ ràng để có thể theo dõi tường tận nhất cử nhất động của Triều Tiên. “Tất cả những dữ liệu mà máy bay này thu thập được đều được gửi đến những nhân sự có đủ năng lực để xử lý, phân tích và truyền đạt thông tin đó đến giới lãnh đạo của chúng tôi trong vòng vài phút” – ông Bartran cho biết.

Lần đầu tiên Bà Rồng cất cánh là trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh trong những năm 1950. Khi đó, chiếc Loockheed U-2 được chế tạo với khả năng bay rất cao đến nỗi những chiến máy bay Liên Xô cũng không thể phát hiện ra. Các mô hình mới hơn của U-2 ngày nay được hiện đại hóa bằng hệ thống cảm biến và camera mới hơn.

Các thành viên của Không quân Mỹ đứng trước máy bay trinh sát U-2 tại căn cứ không quân Osan, Hàn Quốc. Ảnh: CNN

Với chi phí 250 triệu USD mỗi chiếc, máy bay trinh sát có người lái này được giao xử lý hàng loạt nhiệm vụ thu thập tin tình báo mà các máy bay không người lái đời mới không thể kham nỗi. Điều này đã khiến Bà Rồng trở thành một khí tài quan trọng của quân đội Mỹ trong việc phát hiện ra mọi động tĩnh của Triều Tiên. “Chúng tôi cung cấp những gì được gọi là thông tin tình báo. Chúng tôi có thể vừa nhìn thấy vừa nghe thấy mọi thứ cùng một lúc” – ông Bartran khẳng định.

Trong những tháng kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, Washington và Bình Nhưỡng gia tăng những vụ đe dọa tấn công lẫn nhau. Tính khó đoán của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều có thể làm căng thẳng leo thang và chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Ông Bartran giải thích sự hiện diện của "Bà Rồng" ở bán đảo Triều Tiên là nhằm đảm bảo việc Mỹ có được thông tin cần thiết để tiện bề hành động phủ đầu hoặc phản ứng đáp trả. Thông tin tình báo mà Lockheed U-2 gửi trở lại Washington có thể là yếu tố quyết định đến hòa bình hoặc chiến tranh.

Hôm 17-8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo chiến tranh có thể nổ ra nếu Triều Tiên phóng tên lửa nhằm vào lãnh thổ Mỹ hay bất cứ đồng minh nào của Mỹ. “Tôi xin khẳng định với các bạn rằng, với sự hợp tác bền chặt với các đồng minh của chúng tôi, nếu Triều Tiên có hành động thù địch thì hậu quả quân sự sẽ vô cùng nghiêm trọng” – ông Mattis nhấn mạnh.

Tiêm kích F-16 tại căn cứ Osan. Ảnh: CNN

Một trong số “hậu quả” quân sự mà Bộ trưởng Mattis nhắc tới có khả năng xuất phát căn cứ không quân Osan. Bên cạnh là nơi đóng đô của máy bay trinh sát U-2, căn cứ Osan còn là nhà của hai phi đội tiêm kích F-16. Các phi công của các tiêm kích này được huấn luyện theo phương châm “sẵn sàng chiến đấu trong đêm nay”.

Phi đội F-16 thứ ba đóng tại Kunsan, một căn cứ khác của Không quân Mỹ tại Hàn Quốc. Thiếu tá Daniel Trueblood, một phi công F-16 cho biết ông rất tự hào về loại tiêm kích này khi sở hữu tốc độ siêu thanh có khả năng di chuyển với tốc độ 26 km/phút.

Điều đó có nghĩa là cho dù Mỹ quyết định tấn công hay tấn công đáp trả Triều Tiên, những chiếc tiêm kích F-16 về mặt lý thuyết đều có thể xuất kích từ căn cứ Osan tiếp cận không phận Triều Tiên trong vòng chưa đầy ba phút. F-16 có thể mang theo tên lửa tầm xa, tầm ngắn hoặc mang theo bom.

Giống như các phi công "Bà Rồng", phi đội F-16 được huấn luyện hằng ngày ở bán đảo Triều Tiên, mô phỏng các trận chiến cả ngày lẫn đêm. CNN đã có lần theo dõi 12 chiếc F-16 cất cánh từ căn cứ Osan trong một bài tập huấn luyện.

Hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot của Mỹ được bố trí trại căn cứ Osan. Ảnh: CNN

“Chúng tôi không biết khi nào có biến hay khi nào chúng tôi được mệnh lệnh hành động, vì vậy chúng tôi cần đảm bảo rằng toàn bộ ê kíp của chúng tôi phải sẵn sàng hành động vào bất cứ thời điểm nào. Chúng tôi chuẩn bị hằng ngày như thể trận chiến bắt đầu đêm nay” – ông Trueblood nói.

Bất chấp những đồn đoán về trận chiến tiềm ẩn, các giới chức Hàn Quốc và Mỹ khẳng định họ vẫn muốn đối thoại hơn là thù địch với Triều Tiên. Tuy nhiên, lập trường đầy thách thức của Bình Nhưỡng đã gây ra lo ngại rằng cuộc khẩu chiến hiện tại giữa Washington và Bình Nhưỡng có thể dễ dàng biến thành hành động thực tế, đẩy tình hình đến chỗ không thể cứu vãn.

Các phi công tại căn cứ Osan cho hay họ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ nếu chiến tranh xảy ra. “Sứ mệnh này rất rõ ràng và chúng tôi sẵn sàng chiến đấu” – ông Trueblood khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm