Cận cảnh máy bay Mỹ 'đánh hơi' hạt nhân Triều Tiên

Theo trang tin Defense Tech, WC-135 Constant Phoenix là loại máy bay chuyên thu thập các mẫu không khí và các mảnh vụn để dò ra các hạt phóng xạ xuất phát từ một vụ nổ hạt nhân. Dựa vào các mẫu không khí sau khi được phân tích, các chuyên gia có thể xác định chính xác những gì đã xảy ra.

WC-135 Constant Phoenix là phiên bản cải tiến của máy bay tiếp tế và vận tải Boeing C-135B hoặc EC-135C, theo Washington Post.

WC-135 Constant Phoenix

"Kẻ đánh hơi" WC-135 Constant Phoenix của không quân Mỹ. Ảnh: CNN

“Kẻ đánh hơi” được trang bị thiết bị ngoài có chức năng thu thập các vật liệu phóng xạ từ không khí từ giấy lọc. Máy bay cũng có hệ thống nén khí.

Hai thiết bị xúc ở thân máy bay hút vào rồi đưa vào máy lọc. Phi hành đoàn sẽ lập tức phân tích những gì được giữ lại, góp phần xác định sự hiện diện của bụi phóng xạ, thậm chí xác định được các đặc tính của đầu nổ hạt nhân.

Các trang thiết bị trên máy bay do các thành viên của Trung tâm ứng dụng công nghệ không quân điều khiển.

Có tới 10 máy bay loại này hoạt động kể từ năm 1963, trong đó có hai chiếc WC-135C và WC-135W đang phục vụ trong không quân Mỹ. WC-135 hiện là dòng máy bay duy nhất thực hiện sứ mệnh thu thập các mẫu không khí.

WC-135 Constant Phoenix đóng vai trò quan trọng trong việc “đánh hơi” các mảnh vỡ hạt nhân sau thảm họa xảy ra ở nhà máy hạt nhân Chernobyl ở Liên Xô vào năm 1986.

Thành tích của “Chim thời tiết” WC-135 Constant Phoenix được ghi nhận khi Mỹ điều máy bay này tới làm nhiệm vụ “đánh hơi” hạt nhân sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch hồi đầu năm nay.

WC-135 Constant Phoenix

WC-135 Constant Phoenix đã thực hiện rất nhiều nhiệm vụ trong lịch sử.Ảnh: The Aviationist

Trước đó, WC-135 Constant Phoenix cũng đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ này khi nó cất cánh từ căn cứ không quân Kadena ở Okinawa để “xác nhận sự thật” về ba vụ thử hạt nhân trước đó của Bình Nhưỡng.

Máy bay này không chỉ thu thập mẫu không khí sau ba vụ thử bom nguyên tử của Triều Tiên vào năm 2006, 2009 và 2013 mà nó còn phát huy “tay nghề” sau thảm họa nhà máy hạt nhân tại Fukushima (Nhật Bản) hồi năm 2011.

Khi giới chuyên gia còn nghi ngờ về năng lực hạt nhân của Triều Tiên, những dữ liệu thu thập được nhờ “kẻ đánh hơi” WC-135 có thể giúp ích trong việc xác nhận những nghi ngờ này và giúp “khai sáng” về tình trạng của chương trình hạt nhân của đất nước bí ẩn này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm