Bên trong cuộc đua chế tạo tàu ngầm toàn cầu

sub-3-7076-1430733652.jpg

Một mẫu tàu ngầm lớp Kockums tại xưởng của công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng Saab AB, Thụy Điển. Ảnh:WSJ

Thụy Điển, do không hài lòng với việc Đức sở hữu xưởng đóng tàu lớn nhất nước này, mùa hè năm ngoái gây sức ép buộc ThyssenKrupp AG, Đức, bán lại một giải pháp công nghệ tàu ngầm cho công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng Saab AB. Thương vụ bị ThyssenKrupp cho là "không công bằng", khiến tập đoàn công nghiệp Đức thiệt hại nhiều tỷ USD tiền hợp đồng đóng tàu cũng như mất hàng trăm kỹ sư lành nghề.

Bước đi này là một phần trong kế hoạch của Thụy Điển để gia tăng tiềm lực của nhà thầu quốc phòng Saab trong cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị trường tàu ngầm thế giới, theoWall Street Journal.

ThyssenKrupp, nhà sản xuất tàu ngầm truyền thống lớn nhất thế giới, cũng bắt đầu cảm nhận được sức ép từ các nhân tố mới trong ngành như Nhật Bản, Hàn Quốc hay những đối thủ cũ như Pháp, Nga.

"Chúng tôi cần tự nâng cao khả năng bởi áp lực ngày càng lớn", Hans Christoph Atzpodien, chủ tịch ban giải pháp công nghiệp thuộc tập đoàn ThyssenKrupp cho biết.

Cuộc cạnh tranh giữa Đức và Thụy Điển phần nào phản ánh một thực tế rằng sản xuất tàu ngầm đang từng bước vươn lên trở thành một ngành kinh doanh phát đạt, nhờ sự chuyển dịch địa chính trị và những cải tiến về công nghệ.

Phát triển vượt bậc

Lần đầu tiên kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các hạm đội tàu ngầm trên thế giới gần đây mới cho thấy một chiều hướng phát triển vượt trội. Một số quốc gia hiện đẩy mạnh mua thêm hoặc nâng cấp các hạm đội cũ nhằm giải quyết các thách thức chiến lược đang biến đổi từng ngày.

Khả năng tàng hình khiến tàu ngầm trở thành một khí tài quân sự đặc biệt hấp dẫn đối với nhiều nước, theoWSJ.

Việt Nam đã đặt mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga, trong khi Australia, Indonesia, Singapore và Hàn Quốc cũng không ngừng hiện đại hóa và tăng số lượng các hạm đội để bắt kịp với sự tăng trưởng mạnh mẽ của lực lượng hải quân Trung Quốc.

Iran mới đây cho hay đang chế tạo các mẫu tàu ngầm truyền thống để củng cố năng lực phòng thủ.

Ít nhất 17 quốc gia khác cũng công bố kế hoạch tạo mới hoặc mở rộng hạm đội hải quân.

Tàu ngầm là thiết bị quân sự duy nhất có khả năng vừa tự vệ vừa tấn công hiệu quả cũng như đóng vai trò quan trọng trong tư thế phòng thủ của một quốc gia. Tàu sân bay dù có ưu thế tuyệt vời nhưng giá thành cao và khả năng phòng vệ kém. Các loại chiến đấu cơ tuy có thể bay xa nhưng cần nhiều hỗ trợ khác nhau, từ tiếp liệu đến thay thế phụ tùng.

Không chỉ tàu ngầm hạt nhân mà còn cả các chủng loại tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel hay động cơ điện cũng chứng kiến bước tăng vượt bậc về nhu cầu.

Chiến tranh Lạnh kết thúc đã cắt giảm số lượng tàu ngầm điện - diesel của thế giới từ 463 chiếc 15 năm trước xuống còn 256 chiếc vào năm ngoái, theo báo cáo của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London, Anh.

Nhưng trong 10 năm tới, lực lượng hải quân toàn cầu sẽ tăng gấp đôi chi tiêu hàng năm cho đầu tư, mua sắm các loại tàu ngầm, từ mức 5,5 tỷ USD lên khoảng 11 tỷ USD, Cơ quan nghiên cứu Thông tin Tình báo Quốc phòng Chiến lược ước tính.

Tàu ngầm hạt nhân được dự báo sẽ tiếp tục thống trị các vùng biển và là quân át chủ bài đối với các cường quốc hạt nhân. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất vẫn là chi phí khi giá thành sản xuất một chiếc tàu ngầm hạt nhân quá lớn, trung bình là hai tỷ USD, cao gấp 4 lần mẫu tàu ngầm điện - diesel mà Thụy Điển đang đặt hàng.

Giới phân tích đánh giá châu Á - Thái Bình Dương sẽ sở hữu trên một nửa số tàu ngầm mới của thế giới trong thập kỷ tới mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc Trung Quốc ráo riết tăng cường sức mạnh hải quân. Các nước trong khu vực, từ Nhật Bản đến Australia, buộc phải phản ứng lại bằng cách tự nâng cao năng lực quân đội, nhắm trọng tâm vào các mẫu tàu ngầm hiện đại.

Nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại tàu ngầm truyền thống cũng là một xu thế đáng chú ý. Mỹ, nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chỉ sản xuất tàu ngầm quân sự hạt nhân và không có ý định bán chúng. Tình thế này mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất tàu ngầm truyền thống khác.

Bên cạnh Saab, đối thủ của ThyssenKrupp còn có nhà sản xuất chiến hạm DCNS, Đức, xưởng đóng tàu Admiralty JSC của Nga, Tập đoàn Tàu biển và Kỹ thuật Hàng hải Daewoo, Hàn Quốc, hay liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi và Kawasaki của Nhật Bản.

Sự trỗi dậy của tàu ngầm truyền thống

sub-2-9372-1430733652.jpg

Đồ họa:WSJ

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cuộc chiến dưới lòng đại dương thật sự là cuộc đọ sức giữa các loại tàu ngầm hạt nhân. Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp đều cố gắng chế tạo những loại tàu ngầm tấn công có khả năng mang tên lửa đạn đạo và đầu đạn hạt nhân với hỏa lực cực mạnh để trấn áp đối thủ.

Với nhược điểm ồn ào và thời gian hoạt động liên tục hạn chế, tàu ngầm truyền thống thường chỉ được dùng cho mục đích răn đe hay tham gia các nhiệm vụ bảo vệ bờ biển.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa tàu ngầm truyền thống và tàu ngầm hạt nhân đang được rút ngắn. Hai năm trước, một tàu ngầm lớp 212A thuộc hải quân Đức đi thẳng tới Đại Tây Dương và trú lại trong đúng 18 ngày. Đây được xem như quãng thời gian hoạt động liên tục lâu nhất tính tới thời điểm đó đối với một mẫu tàu ngầm truyền thống.

Những tàu ngầm như vậy, với công nghệ tiên tiến, có khả năng hoạt động êm, trơn tru và lâu dài hơn, đang là nhân tố khiến chiến lược trên biển của nhiều quốc gia phải thay đổi. Bù đắp nhược điểm không thể duy trì quá lâu dưới đáy biển, các lớp tàu ngầm truyền thống lại chiếm ưu thế ở việc có thể hoạt động yên lặng hơn bởi chúng không phát ra tiếng ồn từ hệ thống làm mát lò phản ứng như tàu ngầm hạt nhân.

Khả năng tàng hình và hoạt động lâu hơn dưới nước là "sự thay đổi đáng kể" khiến các loại tàu ngầm phi hạt nhân trở nên khó theo dõi, ông Peter Roberts, chuyên gia từ Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, trụ sở tại London, nhận định. Ông dự đoán "một cuộc ganh đua sức mạnh tàu ngầm" sẽ bùng nổ ở Tây Thái Bình Dương trong tương lai không xa.

Xu hướng này càng trở nên rõ ràng từ cuối năm 2013, khi Mỹ lần đầu tiên triển khai máy bay trinh sát săn ngầm P-8 Poseidon tới vùng Okinawa của đồng minh Nhật Bản. Ấn Độ và Australia, cảnh giác trước hoạt động mở rộng dưới đáy biển của Trung Quốc, cũng đầu tư sắm thêm những chiếc P-8 Poseidon đầu tiên.

Nhưng ngay cả máy bay tân tiến như P-8, với giá mỗi chiếc lên đến 200 triệu USD, cũng gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm các loại tàu ngầm truyền thống được cải tiến.

"Tàu ngầm điện - diesel trên toàn cầu hiện phát triển tinh vi hơn, xét trên cả phương diện công nghệ giảm tiếng ồn, khả năng hoạt động liên tục lẫn hỏa lực", Đô đốc Brian McGuirk, chỉ huy Hạm đội Tác chiến Đáy biển thứ ba của Mỹ, nhận xét.

Điều này khiến Washington chú trọng hơn tới việc tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên để điều chỉnh lại chiến thuật rà soát, phát hiện mục tiêu ngầm, ông cho biết thêm.

Australia chuẩn bị đặt hàng thêm 12 tàu ngầm mới để thay thế các mẫu với thiết kế Kockums đã cũ. Giá trị hợp đồng lên tới khoảng 20 tỷ USD. Năm ngoái, nước này cũng gần đạt được thỏa thuận thu mua tàu ngầm Soryu của Nhật Bản.

Tháng 12/2013, Singapore, một đối tác lâu dài của nhiều công ty sản xuất tàu ngầm Thụy Điển, thông báo sẽ mua hai tàu ngầm do ThyssenKrupp thiết kế và được chế tạo ngay tại Đức.

Hai tháng sau khi Singapore đưa ra tuyên bố trên, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển lên tiếng thúc giục nhà sản xuất nước này đẩy nhanh kế hoạch chế tạo tàu ngầm lớp A26 cũng như nâng cấp hạm đội hiện tại. A26 dự kiến sẽ mang đến những bản hợp đồng đặt hàng trị giá tới một tỷ USD.

Theo một số nhà hoạch định quân sự, vì tính cơ động và khả năng tấn công nhiều mục tiêu trên mặt biển cùng lúc nên mối đe dọa từ các loại tàu ngầm chiến đấu là rất lớn.

Một chiếc tàu ngầm mạnh đủ sức "làm thay đổi chiến lược quốc phòng cũng như tính toán của nhiều quốc gia", Phó đô đốc Lực lượng Quốc phòng Australia Ray Griggs năm ngoái phát biểu trong một phiên họp tại Canberra.

sub-1-8555-1430733652.jpg

Đồ họa:WSJ

Theo Vũ Hoàng/Vnexpress(theoWSJ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm