Báo cáo vũ khí hạt nhân 2020: Ít đi nhưng hiện đại hơn

Trong năm 2019, một số nước đã cắt giảm một phần kho vũ khí hạt nhân của mình và tập trung đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa các đầu đạn hạt nhân, tạp chí Defense News đưa tin.

Dẫn thông tin từ báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) về "Vũ khí, giải trừ quân bị và an ninh quốc tế" được công bố ngày 15-6, Defense News cho biết tính đến cuối năm 2019, toàn thế giới có 13.400 đầu đạn hạt nhân (không tính số đầu đạn của Triều Tiên).

Nga, Mỹ cắt giảm còn Trung, Ấn tăng cường kho vũ khí hạt nhân

Chín quốc gia được nhắc đến trong báo cáo của SIPRI là Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh, Pakistan, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên. Trong đó, Bình Nhưỡng không công khai thông tin về kho vũ khí hạt nhân của mình nhưng SIPRI ước tính Triều Tiên có 30-40 đầu đạn hạt nhân.

Trong số chín nước này, Nga, Mỹ, Pháp và Anh đang trang bị đầu đạn hạt nhân trong các vũ khí trực chiến (tổng cộng 3.720 đầu đạn). Gần 1.800 đầu đạn hạt nhân khác đang được đặt trong trạng thái sẵn sàng triển khai trực chiến. 

Số đầu đạn hạt nhân của chín nước Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên. Ảnh chụp màn hình báo cáo của SIPRI

Nga đang sở hữu 6.375 đầu đạn hạt nhân (giảm 125 đầu đạn so với một năm trước đó) và là nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.

Mỹ đã cắt giảm 385 đầu đạn hạt nhân trong năm 2019, khiến tổng số đầu đạn hạt nhân của nước này giảm còn 5.800.

Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ đang gia tăng kho vũ khí hạt nhân của mình. Theo báo cáo ngày 15-6 của SIPRI, Bắc Kinh phát triển thêm 30 đầu đạn (nâng tổng số lên 320) và New Delhi có thêm 10-20 đầu đạn (nâng tổng số lên 150).

Thêm nhiều hệ thống vũ khí hạt nhân thế hệ mới

Nga và Mỹ đang thực hiện những chương trình hiện đại hóa trang bị hạt nhân với quy mô và chi phí lớn để nâng cấp các đầu đạn hạt nhân, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, hệ thống phóng và trang bị vũ khí hạt nhân và đồng thời, hiện đại hóa các cơ sở lắp ráp vũ khí hạt nhân.

Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác cũng đã trang bị, đang phát triển hoặc đã tuyên bố ý định phát triển các hệ thống vũ khí mới có khả năng triển khai đầu đạn hạt nhân.

Trung Quốc đang phát triển các tên lửa hạt nhân phóng từ đất liền hoặc từ biển và các máy bay có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân, tạo ra "bộ ba hạt nhân". 

Tên lửa hạt nhân Đông Phong DF-41 của Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Ấn Độ và Pakistan đã từng bước gia gia tăng số lượng và chủng loại vũ khí hạt nhân của mình. Còn Triều Tiên coi chương trình trang bị hạt nhân là thành tố trung tâm trong chiến lược an ninh quốc gia của Bình Nhưỡng.

Nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới

SIPRI cho rằng nguyên nhân chính của việc cắt giảm vũ khí hạt nhân trong năm 2019 là việc Mỹ và Nga tháo dỡ các đầu đạn hạt nhân không còn khả năng sử dụng.

Việc cắt giảm vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới) đã hoàn thành từ năm 2018 và trong năm 2019, số đầu đạn của hai cường quốc Mỹ-Nga vẫn thấp hơn mức giới hạn nêu trong hiệp ước START mới.

Ông Shannon Kile, Giám đốc Chương trình Kiểm soát và không phổ biến vũ khí, giải trừ quân bị hạt nhân của SIPRI, cho rằng kỷ nguyên kiểm soát hạt nhân giữa Mỹ và Nga có thể sẽ sớm kết thúc do sự bế tắc về hiệp ước START mới và việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Ông Kile cho rằng các hiệp ước trên là "kênh liên lạc có xu hướng thúc đẩy sự minh bạch và tránh hiểu lầm giữa Nga và Mỹ về năng lực và tình hình lực lượng hạt nhân của từng nước". Do đó, việc không có giải pháp thay thế các kênh đối thoại này có thể "dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới".  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm