Ấn Độ tìm ra cách lách trừng phạt của Mỹ để mua S-400

Ấn Độ nhiều khả năng sẽ sử dụng đồng euro chi trả cho hợp đồng mua tổ hợp phòng không S-400 từ Nga nhằm tránh lệnh trừng phạt của Mỹ, tạp chí Economic Times dẫn lời các nguồn tin giấu tên cho biết.

Các nguồn tin cho hay mặc dù một số khoản tiền đã được chi trả bằng đồng rúp Nga, Moscow và New Delhi đã ký kết thỏa thuận trong đó có nêu rõ, ngân hàng Nga VTB sẽ nhận tiền euro.

Hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga. Ảnh: SPUTNIK

Một số hợp đồng liên quan tới việc Nga cung cấp thiết bị quân sự cho Ấn Độ trị giá tới 4 tỉ USD đã được ký, trong đó có cả việc mua hệ thống tên lửa S-400 và bốn tàu chiến cũng như thuê tàu ngầm Chakra.

Ngoài ra, Moscow và New Delhi cũng ký kết thêm hai thỏa thuận về cung cấp loạt súng AK-203 và máy bay trực thăng Ka-226 cho quân đội Ấn Độ.

Ấn Độ thông báo sẵn sàng mua hệ thống S-400 từ Nga năm 2015. Hợp đồng cung cấp các hệ thống phòng không trị giá 5,43 tỉ USD này được ký trong chuyến công du Ấn Độ của Tổng thống Vladimir Putin năm 2018. Bộ Quốc phòng Ấn Độ hồi đầu năm nay thông báo việc bàn giao sẽ bắt đầu từ tháng 10-2020 và hoàn tất vào tháng 4-2023.

Thỏa thuận này khiến Ấn Độ có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt chiếu theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). CAATSA được thông qua vào năm 2017, cho phép Washington áp trừng phạt bất kỳ quốc gia nào mua vũ khí phòng thủ do Nga sản xuất.

Cuối tháng 5, một quan chức cấp cao giấu tên trong Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay việc Ấn Độ quyết định mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 của Nga có thể cản trở cơ hội hợp tác quốc phòng với Mỹ trong tương lai, trong đó có cung cấp thiết bị quân sự hiện đại.

Ngoài ra, vị quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh với mỗi lựa chọn mà Ấn Độ thực hiện liên quan đến việc mua hệ thống S-400, họ sẽ bị mất những cơ hội khác. Cụ thể, các cuộc thảo luận giữa New Delhi và Washington về việc mua các máy bay chiến đấu và các loại khí tài hiện đại khác có thể sẽ bị ảnh hưởng.

 Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây yêu cầu Ấn Độ không được mua hệ thống S-400, đồng thời đề xuất cung cấp một hệ thống phòng không tương tư do Mỹ sản xuất.

“Liên quan tới vấn đề S-400, chúng tôi kêu gọi tất cả đồng minh và đối tác của chúng tôi, kể cả Ấn Độ, từ bỏ các giao dịch với Nga vốn có nguy cơ kích hoạt lệnh trừng phạt chiếu theo CAATSA… Chúng tôi khuyến khích Ấn Độ xem xét các lựa chọn thay thế”, một quan chức ngoại giao Mỹ nói.

Một vụ thử nghiệm hệ thống phòng không tầm trung NASAMS II của Mỹ. Ảnh: AP

Một số báo cáo cho hay Ấn Độ đang tìm cách thuyết phục Mỹ cấp quy chế miễn trừ trừng phạt cho thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Nga.

Dù vậy, phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo tại thủ đô New Delhi ngày 26-6, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói rằng hợp đồng mua tên lửa S-400 nhằm phục vụ lợi ích của nước này nên sẽ không từ bỏ thỏa thuận với Nga, theo RT. 

Mỹ từng nhiều lần khẳng định việc Ấn Độ mua S-400 có thể làm ảnh hưởng tới kế hoạch chuyển giao công nghệ quốc phòng của Washington cho New Delhi trong thời gian tới. Lầu Năm Góc lo ngại hợp đồng S-400 giữa Nga và Ấn Độ sẽ tác động tiêu cực tới các thương vụ xuất khẩu máy bay không người lái và tên lửa phòng không Patriot của Mỹ ra nước ngoài.

Ở chiều ngược lại, giới chức Ấn Độ cho rằng việc tăng cường năng lực phòng không bằng hệ thống S-400 là cần thiết, trong bối cảnh không quân Trung Quốc và Pakistan ngày càng được trang bị những vũ khí hiện đại.

Mỹ từng đề xuất bán hệ thống phòng không tầm trung NASAMS II để bảo vệ thủ đô New Delhi khỏi tên lửa đạn đạo, cũng như chào bán Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và tên lửa Patriot PAC-3 cho Ấn Độ. Theo Business Standard, chính quyền Tổng thống Trump đưa ra đề nghị trên vào tháng 5-2019.

Theo trang tin Business Standard, Ấn Độ đã bắt đầu tiến trình mua hệ thống phòng không NASAMS II từ Mỹ. Một nguồn tin quốc phòng Ấn Độ tiết lộ với tờ Times of India rằng “Mỹ nhiều khả năng sẽ gửi bản dự thảo cuối cùng về “thư xác nhận” bán NASAMS II cho Ấn Độ trong thời gian tháng 7-8.

Một khi thỏa thuận được ký, việc chuyển giao sẽ diễn ra trong 2-4 năm, theo Times of India. NASAMS II sẽ được triển khai cùng với các hệ thống bản địa, các hệ thống của Nga và Israel nhằm tạo ra lá chắn tên lửa đa tầng bảo vệ thủ đô New Delhi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm