8 biệt đội siêu đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới

Họ có can đảm đi tới những nơi mà các binh sĩ khác không dám tới, loại bỏ các mối đe dọa tiềm ẩn, nắm chắc mục tiêu chiến lược và thực hiện các nhiệm vụ có độ nguy hiểm cao. Họ là những người “đỉnh của đỉnh”.

Hiện nay, quy mô quân đội không phải là chỉ tiêu duy nhất để đánh giá thực lực quân đội của quốc gia, mà lực lượng đặc nhiệm đang đóng vai trò quan trọng trong quân sự. Independent đã điểm danh tám lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ trên thế giới mà khi chỉ mới nghe thôi đã khiến quân địch thất điên bát đảo.

8. Nhóm nhiệm vụ đặc biệt (SSG) của Pakistan còn được biết đến với biệt danh Cò đen bởi chiếc mũ vô cùng độc đáo của đội biệt kích này. SSG cũng có quá trình đào tạo binh sĩ hết sức khắc nghiệt. Mỗi người phải chạy 8 km trong vòng 20 phút với đồ đạc trên người và phải hành quân 12 giờ đồng hồ trên quãng đường dài 58 km.

Tháng 10-2009, các chiến binh Taliban đã tấn công trụ sở quân đội Pakistan. Các biệt kích SSG đã xông vào một tòa nhà căn phòng giải cứu khoảng 40 người bị bắt làm con tin.

7. Lực lượng tác chiến đặc biệt hải quân Tây Ban Nha.

Lực lượng này được thành lập từ năm 1952 với các thành viên là lính thủy đánh bộ, sau đó theo gương lực lượng đặc biệt hàng không của Anh và trở thành lực lượng chiến đấu tinh nhuệ. Lực lượng này được đánh giá là một trong những lực lượng đặc nhiệm đáng sợ nhất ở châu Âu.

Tuy nhiên, bạn muốn tham gia đội quân này cũng không phải là một chuyện dễ dàng, tỉ lệ thất bại của binh lính ứng tuyển lên đến 70%-80%, cơ chế lựa chọn rất nghiêm ngặt.

Nhóm Alpha của Nga. Ảnh: Independent

6. Nhóm Alpha của Ngalà một trong những đơn vị lực lượng đặc biệt nổi tiếng nhất trên thế giới. Đơn vị này xuất thân từ Cơ quan an ninh quốc gia (KGB) của Liên Xô vào năm 1974 và giờ đây thuộc về Cơ quan an ninh quốc gia mới của Nga (FSB).

Năm 2002, trong vụ bắt cóc con tin ở Moscow, cả nhóm Alpha và lực lượng đặc nhiệm Nga bị chỉ trích không ít. Lúc đó, quân đội chính phủ bí mật sử dụng khí hóa học bơm vào trong nhà hát, kết quả dẫn đến cái chết của 129 con tin.

5. Rất hiếm lực lượng chống khủng bố trên thế giới có thể vượt qua cái tên Nhóm hiến binh can thiệp quốc gia Pháp (GIGN).

Nhóm này gồm 200 thành viên được đào tạo đặc biệt để đối phó với các tình huống giải cứu con tin. Được biết, từ khi thành lập năm 1973 đến nay, nhóm này đã giải cứu được hơn 600 con tin. Vì phòng tránh thành viên của GIGN bị trả đũa nên pháp luật nước Pháp cấm công khai ảnh chụp binh sĩ của nhóm này.

Nhóm hiến binh can thiệp quốc gia Pháp (GIGN). Ảnh: Independent

Một trong những thành tựu đáng chú ý nhất của GIGN là sự kiện nhà thờ Hồi giáo ở Mecca vào năm 1979. Lúc ấy, các lực lượng vũ trang chiếm giữ nhà thờ Hồi giáo, những người không phải là tín đồ không được tiến vào thánh địa Mecca. Do đó, ba thành viên của GIGN tạm thời quy y đạo Hồi, cuối cùng giúp đỡ quân đội Ả Rập Xê Út chiếm lại nhà thờ Hồi giáo.

4. Sayeret Matkal của Israel là một trong những đơn vị tinh nhuệ nhất thế giới. Nhiệm vụ chính của lực lượng này là thu thập tin tình báo và hoạt động sâu trong lòng quân địch.

Trong giai đoạn lựa chọn tân binh, mỗi ứng viên phải trải qua đào tạo và kiểm tra nghiêm khắc, toàn bộ quá trình đều có bác sĩ và nhà tâm lý học giám sát, chỉ có người tài giỏi nhất mới được giữ lại.

Sayeret Matkal của Israel. Ảnh: Independent 

Năm 2003, một tài xế taxi bị bắt cóc sau khi chở 4 người Palestine đến Jerusalem. Quân đội Sayeret Matkal lập tức hành động và giải cứu con tin này trong một hố sâu 10 m ở một nhà máy bỏ hoang ở ngoại ô Ramallah.

3. Đội đặc nhiệm Không quân Anh (SAS), thuộc Lực lượng đặc biệt của Anh, được thành lập từ năm 1941 trong Thế chiến 2 và đã được nhân rộng như mô hình đặc nhiệm chuẩn mực trên toàn thế giới.

Hiện tại, đơn vị gồm một trung đoàn thường xuyên và hai trung đoàn địa phương, chủ yếu được giao các nhiệm vụ chống khủng bố. Khi được hỏi về vai trò của SAS trong cuộc chiến tranh tại Iraq, tướng Mỹ Stanley McChrystal nhận xét rất ngắn gọn: “Chủ chốt. Không thể làm gì nếu không có họ”.

2. Đội đặc nhiệm hải quân Anh(SBS).

Quá trình tuyển chọn lực lượng này rất nghiêm ngặt gồm kiểm tra sức bền, đào tạo trong rừng nhiệt đới của Belize và huấn luyện chiến đấu sống còn.

SBS có nguồn gốc từ lực lượng biệt kích Anh trong Thế chiến 2. Sau khi chiến tranh kết thúc, SBS trở thành một đơn vị độc lập và sáp nhập thêm một số đơn vị đặc nhiệm đường thủy khác. Nhiệm vụ của SBS rất đa dạng, bao gồm chống khủng bố, trinh sát, tình báo, phá hoại ngầm, bắt giữ và tiêu diệt các mục tiêu cá nhân.

1. Lực lượng đặc nhiệm hải quân Mỹ SEAL

Để được vào đào tạo trong SEAL, các ứng viên phải vượt qua bài kiểm tra, yêu cầu chống đẩy 42 lần trong vòng 2 phút, gập người liên tục 50 lần trong 2 phút và chạy khoảng 2,5 km với thời gian 11 phút.

Lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ. Ảnh: Independent

Lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ thành lập năm 1962, được coi là đội quân tinh nhuệ bậc nhất thế giới, nổi tiếng với chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tại Pakistan năm 2011.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm