5 vũ khí tàng hình uy lực nhất mọi thời đại

Trang tin National Interest đã liệt kê năm vũ khí tàng hình "nguy hiểm" nhất mọi thời đại.

SR-71 Blackbird (“Hắc điểu” SR-71)

Nổi tiếng là máy bay nhanh nhất thế giới, SR-71 còn được biết tới với khả năng tàng hình ấn tượng. SR-71 có thể đạt tốc độ tối đa Mach 3.2 và là một trong những máy bay đầu tiên được trang bị tính năng tàng hình.

SR-71 Blackbird của Mỹ. Ảnh: National Interest

Lần đầu bay thử vào năm 1962, SR-71 được bổ sung bốn tính năng tàng hình vào thiết kế. Đầu tiên, phần bề mặt máy bay có khả năng ngăn không cho sóng radar đối phương có thể phản xạ lại thiết bị thu sóng. Thứ hai, cánh, đuôi và thân máy bay đã được chế tạo bằng vật liệu tổng hợp cùng với titan, nhằm mục tiêu hấp thụ sóng radar. Thứ ba, phần động cơ máy bay được đặt gọn gàng gần thân máy bay, làm giảm khả năng bị radar dò ra. 

Tính năng cuối cùng là SR-71 được sơn đen với các hạt sắt ferrite cỡ nhỏ. Chính lớp sơn này mang lại cho SR-71 vẻ ngoài đặc biệt mà được mệnh danh là “hắc điểu”. Màu sơn này được cho là giảm thiểu mặt cắt ngang của radar. Đây là chỉ số chỉ mức độ mà radar có thể phát hiện ra vật thể. SR-71 có chỉ số này nhỏ hơn 10m2 trong khi F-15 Eagle là 100m2.

F-117 Nighthawk  (“Chim ưng đêm” F-117)

Đây là máy bay tàng hình đầu tiên của Mỹ được đưa vào tác chiến. Mặc dù là máy bay ném bom chiến thuật không có khả năng chiến đấu không đối không, nhưng F-117 vẫn luôn bị hiểu nhầm là máy bay chiến đấu tàng hình.

F-117 được phát triển từ dự án tuyệt mật Have Blue với các đặc điểm tàng hình ấn tượng giúp nó hoạt động hiệu quả trong các nhiệm vụ bắn phá sở chỉ huy, trung tâm thông tin liên lạc, các hệ thống phòng thủ, kho vũ khí.

Hai binh sĩ Mỹ đứng cạnh một máy bay tàng hình F-117 tại căn cứ không quân Spangdahlem, Tây Nam Bonn, Đức năm 1999. Ảnh: REUTERS

F-117 có thiết kế khí động học rất đặc biệt với những mặt cắt cho phép làm tán xạ sóng radar, khiến nó trở nên khó phát hiện với các thiết bị trinh sát điện tử.

F-117 lần đầu tham gia tác chiến năm 1989, thời điểm Mỹ xâm chiếm Panama. Các chuyến bay làm nhiệm vụ tác chiến tiếp theo của F-117 diễn ra khi tham gia Chiến dịch Bão táp Sa mạc, tên hiệu của cuộc tấn công lớn vào Iraq do Mỹ dẫn đầu trong những năm 1990. F-117 còn thực hiện các sứ mệnh ở Kosovo năm 1999 và Chiến dịch Tự do cho Iraq năm 2003. F-117 “nghỉ hưu” năm 2008.

B-2 Spirit

Lần đầu được nhà thầu Northrop Corporation trình làng năm 1988, B-2 Spirit được coi là máy bay ném bom chiến lược tàng hình chính thức đầu tiên của Mỹ. B-2 được thiết kế không có phần đuôi, giúp nó giảm thiểu khả năng bị radar đối phương phát hiện.

Máy bay ném bom này có thể mang mọi loại khí tài từ bom nguyên tử trọng lực B61 cho tới bom JDAM, hay bom hạng nặng GBU-57A/B (hơn 13 tấn).

Máy bay B-2 Spirit tại căn cứ không quân Whiteman, Missouri của Mỹ. Ảnh: BUSINESS INSIDER

B-2 có 2 khoang vũ khí có thể mang theo 80 bom Mk82, GBU-38 JDAM nặng 225 kg, hoặc 16 bom Mk84, GBU-31 nặng 925 kg, 16 bom hạt nhân chiến thuật B61. Tổng tải trọng vũ khí khoảng 18 tấn. Spirit có tầm hoạt động hơn 11.000 km với nhiên liệu nội bộ. Nếu được tiếp nhiên liệu trên không, nó có thể bay vòng khắp thế giới.

Nhiệm vụ tác chiến đầu tiên của B-2 là ở Kosovo năm 1999. B-2 cũng tham gia hỗ trợ Chiến dịch Tự do bất diện và Tự do cho Iraq. Năm 2011, ba chiếc B-2 bay cất cánh từ lục địa Mỹ tấn công một sân bay của Libya trong chiến dịch Bình minh Odyssey.

F-22 Raptor

Máy bay tàng hình thế hệ thứ năm F-22 Raptor được thiết kế để thay thế F-15 Eagle. Không giống như các dòng máy bay tàng hình trước đây của Mỹ, như F-117 và B-2, F-22 Raptor được thiết kế như một máy bay chiến đấu, sử dụng kỹ năng tàng hình để đưa ra lợi thế mang tính quyết định trong các cuộc không chiến.

F-22 Raptor của Mỹ. Ảnh: NATIONAL INTEREST

F-22 được thiết kế để giảm thiểu tối đa hấp thụ sóng radar. Mặt cắt ngang của radar trên F-22 được hãng chế tạo Lockheed Martin so sánh tương đương với “một viên bi thép”. National Interest đánh giá khả năng tàng hình của F-22 cho phép nó trở thành một trong những máy bay chiến đấu tốt nhất thế giới, vượt xa các máy bay chiến đấu hiện tại và lên kế hoạch trong tương lai.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio

National Interest cho rằng trong số các tàu ngầm, nói đến sự kết hợp mạnh mẽ nhất giữa khả năng tàng hình cũng như gây sát thương cho đối thủ phải kể đến tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ.

Tàu ngầm Ohio nặng 18,45 tấn, là tàu ngầm lớn nhất mà Mỹ từng chế tạo trong lịch sử. Các đặc tính tàng hình của khí tài này bao gồm phần thân tàu thiết kế theo hình con cá nhằm khiến tàu di chuyển nhanh nhưng tạo ra tiếng ồn tối thiểu. Các thiết bị có thể gây ồn được đặt ở khu vực cách âm.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio. Ảnh: National Interest

Giếng phóng tên lửa hạt nhân được đặt dọc thân tàu giảm tiếng ồn đến từ dòng chảy dưới đáy đại dương. Ngoài ra, các tàu lớp Ohio cũng được trang bị hai tua-bin hơi, trong đó một tua-bin giúp tàu vận hành trong im lặng.

Đã có tám chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio được sản xuất, trong đó bốn chiếc được thiết kế để mang tên lửa đạn đạo, bốn chiếc còn lại được cải tiến để mang tên lửa hành trình Tomahawk.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm