Quan chức đối ngoại hàng đầu EU lên án bạo lực ở Myanmar

Ngày 20-2, quan chức đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) đã lên án tình trạng bạo lực ngày càng nghiêm trọng ở Myanmar, sau khi hai người biểu tình thiệt mạng khi lực lượng an ninh bắn đạn thật. Ông cho biết EU sẽ "đưa ra quyết định phù hợp", kênh Channel News Asia đưa tin.

"Tôi lên án mạnh mẽ hành động bạo lực chống lại những người biểu tình của quân đội Myanmar. Tôi kêu gọi quân đội và tất cả các lực lượng an ninh ở quốc gia này ngay lập tức chấm dứt bạo lực đối với dân thường" - ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại EU - viết trên Twitter.

Ông cho biết thêm rằng các ngoại trưởng EU sẽ tổ chức một cuộc họp tại Brussels vào ngày 22-2 để "thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Myanmar để đưa ra quyết định phù hợp".

Quân đội Myanmar cầm súng kiềm chế người biểu tình ở TP Mandalay, Myanmar. Ảnh: AFP

Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi lực lượng an ninh ở TP Mandalay của Myanmar bắn đạn thật và đạn cao su vào những người biểu tình phản đối cuộc chính biến tại quốc gia này hôm 1-2.

Theo nguồn tin địa phương, có hai người thiệt mạng, trong đó có một người đàn ông đã bị bắn vào đầu.

"Hiện có tổng cộng hai người thiệt mạng - một bị trúng đạn ở đầu đã chết tại chỗ và người còn lại bị thương ở ngực do đạn và đã chết sau đó - và khoảng 30 người bị thương. Một nửa số người bị thương đã bị trúng đạn thật" - lãnh đạo một nhóm cứu hộ khẩn cấp tình nguyện ở Mandalay cho hay.

Hôm 19-2, Ủy ban châu Âu đã phản ứng trước cái chết của một người biểu tình khác bị bắn vào đầu trong một cuộc biểu tình vào ngày 9-2, và tử vong vài ngày sau đó.

Một phát ngôn viên của tổ chức này đã kêu gọi một cuộc điều tra "minh bạch" về cái chết đó để "những người có liên quan phải chịu trách nhiệm cho hành vi của họ".

Một quan chức cấp cao của EU cho biết cuộc họp của các bộ trưởng EU vào ngày 22-2 tới dự kiến sẽ thảo luận về việc trừng phạt các sĩ quan quân đội Myanmar.

Trước đó, vào ngày 1-2, quân đội Myanmar bất ngờ bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng một số quan chức cấp cao của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Động thái này của quân đội Myanmar đã dẫn đến làn sóng biểu tình phản đối rộng khắp của người dân nước này.

Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy làn sóng biểu tình phản đối cuộc chính biến có chiều hướng suy giảm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm