‘Phong trào Dù vàng' và sự thức tỉnh của Hong Kong

Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 29-9 đã đăng bài viết với đầu đề “Hai năm sau: Nhìn lại Phong trào Dù vàng”.

Cuộc biểu tình đầu tiên của “Phong trào Dù vàng” được tổ chức hồi tháng 9-2014 trước tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hong Kong ở Công viên Thiêm Mã với hàng trăm sinh viên tham dự.

Người biểu tình phản đối kế hoạch cải cách bầu cử đặc khu trưởng Hong Kong của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc.

Theo kế hoạch cải cách, Bắc Kinh có quyền sàng lọc các ứng cử viên. Trong khi đó, những người biểu tình đề nghị tổ chức phổ thông đầu phiếu.

Chính quyền trung ương Trung Quốc đã lên án và gọi các cuộc biểu tình là phi pháp, thậm chí còn dọa sẽ có thương vong nếu người dân Hong Kong không tuân thủ luật pháp.

Sau đó, một chế độ kiểm duyệt gắt gao với mọi loại hình truyền thông được áp dụng trên toàn Trung Quốc đại lục.

“Phong trào Dù vàng” cũng là bước ngoặt trong quan hệ giữa cảnh sát với người dân Hong Kong.

Ngày 28-9, hàng trăm người cầm dù vàng tập trung bên ngoài các công sở để ba phút thinh lặng đánh dấu năm thứ hai “Phong trào Dù vàng”. Ảnh: Wei Du

Cảnh sát Hong Kong từng được đánh giá tốt nhất châu Á vì mức độ tham nhũng thấp và hoạt động hiệu quả. Song vì hành động sử dụng vũ lực trấn áp biểu tình, cảnh sát Hong Kong đã bị chỉ trích.

Ngày 26-9-2014, cảnh sát đã dùng vũ lực buộc người biểu tình rời khỏi Công viên Thiêm Mã.

Sau đó, một số lượng sinh viên đông đảo hơn đã tập hợp biểu tình tại các trục đường chính ở trung tâm Hong Kong vào rạng sáng hôm sau. Chính quyền đặc khu bị sốc và hoàn toàn không chuẩn bị gì để đối phó.

Trong lúc lúng túng, ngày 28-9-2014, cảnh sát ném hơi cay vào người biểu tình. Người biểu tình đã phải dùng cây dù để bảo vệ bản thân. Tên gọi “Phong trào Dù vàng” ra đời từ đây.

Do tính toán sai mà cảnh sát đã vô tình khuyến khích giới trẻ Hong Kong tập hợp lại. Chỉ trong vài ngày, nhiều nhóm khác cùng tham gia.

Người biểu tình dựng hàng ngàn lều khắp đường phố, bao vây tòa nhà Hội đồng Lập pháp, chặn các trục phố chính và đường hầm xuyên biển, buộc chính quyền phải đặt chướng ngại vật trước các trụ sở cảnh sát.

Trong hơn hai tháng, hơn 100.000 người thuộc mọi tầng lớp đã chiếm đóng nhiều khu vực thương mại ở Hong Kong.

“Phong trào Dù vàng” không phải lúc nào cũng diễn ra ôn hòa. Theo tạp chí The Diplomat, chính quyền bị cáo buộc câu kết với xã hội đen phá lều của người biểu tình.

Nhiều công đoàn, liên đoàn thân Bắc Kinh hay thậm chí một số bang hội đã đụng độ với người biểu tình.

Đáng chú ý nhất là cảnh sát tiếp tục dùng vũ lực ép buộc người biểu tình rời đi. Có một vụ bảy cảnh sát tấn công một nhân viên xã hội đang nằm dưới đất đã được ghi hình lại.

“Phong trào Dù vàng” đã kết thúc sau 79 ngày. Nguyên nhân do thiếu kế hoạch phối hợp, do chính quyền Hong Kong chọn cách ngồi im chờ đợi và do người biểu tình mất lòng tin.

Theo kết quả bầu cử Hội đồng Lập pháp đặc khu Hong Kong ngày 4-9, các ứng cử viên ủng hộ quyền tự quyết cho Hong Kong đã chiếm 1/3 trong 70 ghế Hội đồng Lập pháp. Trong số người trúng cử có La Quán Thông, 23 tuổi, một trong những thủ lĩnh của “Phong trào Dù vàng” năm 2014, đại diện của đảng Demosistō (Đứng lên vì dân chúng). Báo South China Morning Post ghi nhận số ghế còn lại thuộc về các ứng cử viên thân Trung Quốc.

_________________________________

Mặc dù không làm chính quyền Hong Kong nhượng bộ nhưng “Phong trào Dù vàng” đã làm người dân Hong Kong thức tỉnh về chính trị. Thái độ thức tỉnh được thể hiện qua kết quả bầu cử Hội đồng Lập pháp ngày 4-9.

Tạp chí THE DIPLOMAT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm