Phong trào biểu tình 'áo vàng' tái diễn, 137 người bị bắt

Tính đến 16 giờ (giờ địa phương) ngày 21-9, cảnh sát Pháp đã bắt giữ 137 người thuộc phong trào tuần hành "áo vàng" tập trung trở lại ở thủ đô Paris nhằm phản đối chính sách tài khóa mới của nước này. Số lượng người bị bắt giữ vẫn đang liên tục được cập nhật.

Dẫn nguồn tin từ Sở Cảnh sát Paris, hãng tin BFMTV của Pháp cho biết tính đến tối 21-9, còn 48/137 người bị bắt trước đó vẫn đang bị tạm giữ ở các đồn cảnh sát. 

Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát Paris. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Những người này bị cáo buộc đã sử dụng bạo lực trong các cuộc biểu tình mới tiếp diễn. Cảnh sát tìm thấy trong túi của họ những vật dụng có thể dùng làm đạn, như đá, ná cao su và búa, tờ báo này cho biết.

Chính quyền Pháp đã cấm các cuộc tụ tập đông người ở đại lộ Champs-Elysees và Khải Hoàn Môn, những nơi thường là điểm nóng đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình trong phong trào "áo vàng" đã diễn ra trước đó.

Khoảng 30 trạm tàu điện ngầm đã bị đóng cửa và nhiều cửa hàng phải được lắp rào chắn.

Ở Paris, khoảng 7.500 cảnh sát và xe bọc thép đã được huy động để ứng phó với nguy cơ bạo loạn có thể xảy ra, làm xáo trộn hoạt động của thành phố trong tuần thứ 45 của phong trào biểu tình "áo vàng". Đặc biệt, phong trào tiếp diễn trong bối cảnh cùng lúc có một cuộc tuần hành kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu và một cuộc tuần hành khác phản đối chính sách lương hưu mới.

Sau thời gian đầu cuộc tuần hành diễn ra tương đối ôn hòa, đụng độ đã xảy ra khi cảnh sát sử dụng bình xịt hơi cay để ngăn người biểu tình tiếp cận các tuyến phố lân cận.

Bạo lực bùng phát khi 1.000 người của nhóm Black Blocs, một nhóm không có người đứng đầu, trà trộn vào đoàn người biểu tình vì biến đổi khí hậu.

Những đoạn phóng sự cho thấy những người đàn ông mặc đồ đen đã đập phá cửa sổ một ngân hàng. Một chiếc xe máy và các thùng rác bị đốt, buộc lính cứu hỏa phải can thiệp.

Phong trào biểu tình nổi bật với những người tham gia mặc chiếc áo khoác phản quang màu vàng, được phát động trên mạng xã hội từ tháng 11 năm ngoái, chống lại việc tăng thuế phát thải carbon, điều mà Tổng thống Macron cho là cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu.

Kể từ đó, phong trào này đã trở thành một cuộc nổi dậy lớn của người dân chống lại chính sách kinh tế và chính sách tài khóa mà họ cho là làm lợi cho giới nhà giàu. Một số người còn yêu cầu ông Macron từ chức.

Trước những thách thức đối với quyền lãnh đạo của mình, người đứng đầu điện Elysees đã phải đưa ra một loạt nhượng bộ như giảm thuế nhiên liệu xuống thấp hơn so với kế hoạch trước đó. Ông còn đề xuất "gói hỗ trợ kinh tế-xã hội khẩn cấp" trị giá 10 tỉ euro (khoảng 11,02 tỉ USD). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm