Philippines nói không nêu luật hải cảnh Trung Quốc trước LHQ

Báo Inquirer (Philippines) dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. ngày 8-2 cho biết nước này sẽ không nêu vấn đề luật hải cảnh của Trung Quốc trước Liên Hợp Quốc (LHQ).

Phát ngôn trên là phản hồi của ông Locsin trước câu hỏi của đài ABS-CBN News liên quan đề xuất của cựu thẩm phán toà án tối cao Philippines Antonio Carpio rằng Philippines và các nước Đông Nam Á nên tuyên bố luật hải cảnh của Trung Quốc là không có giá trị trước LHQ.

Đây được xem là một cú đánh vào những người "tuyệt vọng trước công chúng" và những người muốn "thể hiện" trước LHQ.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr.. Ảnh: INQUIRER 

“Có quá nhiều người tuyệt vọng muốn thể hiện tại LHQ và bảo vệ Philippines. Làm ơn, không có gì để bảo vệ cả, chúng tôi đã thắng… Đây thực sự là thành tích của ông Aquino. Ông Carpio đã ở đó. Đừng vứt bỏ chiến thắng đó đi chỉ vì bạn tuyệt vọng muốn tìm đến việc công khai vấn đề tại LHQ” – ông Locsin trả lời ABS-CBN News.

“Bạn biết bạn có thể làm gì không? Bạn có thể làm công tác phòng chống dịch COVID-19. Những thành viên tuyệt vọng của phe đối lập xin hãy ra tiền tuyến, hỗ trợ xét nghiệm mọi người. Đó là cách bạn nên thể hiện. Nhưng bạn không dám” – ông anh Locsin nói thêm.

“Tôi rất tôn trọng ông Carpio. Tôi tôn trọng suy nghĩ của ông ấy. Nhưng không, mọi người đều muốn thể hiện tại LHQ. Tôi sẽ không quay lại đó. Điều đó sẽ mở lại phán quyết trọng tài năm 2016 và tôi sẽ không cho họ cơ hội để làm điều đó” – ông Locsin nói.

Trước đó, Ngoại trưởng Locsin hôm 27-1 đã gửi công hàm phản đối về việc Trung Quốc thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào các tàu nước ngoài và gọi đó là “mối đe dọa chiến tranh”.

“Dù việc ban hành luật là quyền của quốc gia nhưng luật mà Trung Quốc vừa thông qua là lời đe dọa chiến tranh đối với bất kỳ quốc gia nào không tuân theo” - ông Locsin lưu ý.

Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines hôm 1-2 khẳng định luật hải cảnh “tuân thủ các công ước quốc tế và không nhắm mục tiêu cụ thể vào bất kỳ quốc gia nào”.

Hôm 22-1, Trung Quốc đã thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh nước này sử dụng “tất cả các biện pháp cần thiết” để chấm dứt hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài. Bên cạnh đó, lực lượng hải cảnh Trung Quốc còn được quyền phá dỡ những công trình do các quốc gia khác xây dựng trong vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.

Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên Trung Quốc cho đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm