Phe nổi dậy Syria muốn Trump sửa sai lầm của Obama

Cuộc hòa đàm Syria diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ) 6 ngày và sẽ kết thúc vào cuối tuần này. Họp báo sau cuộc đối thoại với đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura ngày 2-3, phái đoàn phe nổi dậy Syria cho biết hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ sửa chữa những “sai lầm thảm khốc” của người tiền nhiệm Barack Obama khi chọn trở thành một đối tác của Iran.

“Người dân Syria đã phải trả một cái giá đắt vì các sai lầm thảm khốc của chính phủ Obama. Ông Obama đã nói dối, không thực hiện bất kỳ lời hứa nào đã nói với người dân Syria. Ông ta vạch ra các giới hạn đỏ rồi lại tự xóa nhòa, im lặng về các tội ác mà chính phủ Bashar al-Assad đã làm” - Reuters dẫn lời ông Nasr al-Hariri, lãnh đạo phái đoàn phe đối lập.

Phái đoàn phe nổi dậy Syria tham gia hòa đàm ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 27-2. Ảnh: REUTERS

Phái đoàn phe nổi dậy Syria tham gia hòa đàm ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 27-2. Ảnh: REUTERS

Quan điểm của Tổng thống Obama là Tổng thống Syria Assad phải từ nhiệm để chấm dứt cuộc nội chiến khiến hàng trăm ngàn người chết, hàng triệu người sơ tán. Mỹ cung cấp vũ khí, huấn luyện và hỗ trợ tài chính cho các nhóm nổi dậy, nhưng không trực tiếp tấn công quân chính phủ Syria. Sự tụt lại của Mỹ đã làm nổi bật vai trò của Nga và Iran ở Syria, vốn rất tích cực ủng hộ quân sự cho chính phủ Syria.

Về phần mình, ngay từ khi chưa nhậm chức Tổng thống Trump từng nói ưu tiên của ông ở Syria là đánh IS, chứ không phải lật đổ ông Assad. Câu nói này của ông Trump đã giúp đẩy vai trò điều khiển cục diện cuộc nội chiến Syria vào tay Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Song ông Trump cũng nói rõ ông muốn kiềm chế Iran ở khu vực.

Đến giờ chính phủ Trump vẫn chưa có động thái rõ ràng nào chứng tỏ mình muốn tìm một giải pháp chính trị cho Syria. Tại vòng hòa đàm, các nhà ngoại giao nói rằng họ vẫn chưa rõ chính sách của Mỹ với Syria. Đại diện Mỹ đã rời khỏi vòng hòa đàm chỉ sau vài ngày tham gia, không theo tới cùng.

Giải thích về điều này, người phát ngôn phái đoàn Mỹ ở Geneva nói: “Mỹ không phải là bên tham dự trực tiếp vào cuộc hòa đàm do LHQ bảo trợ. Mỹ tiếp tục ủng hộ bất kỳ tiến trình nào có thể đưa đến một giải pháp chính trị cho khủng hoảng Syria”.

Tại Mỹ, khi được hỏi về vòng hòa đàm này, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer đã không đưa ra được câu trả lời rõ ràng về quá trình giải quyết nội chiến Syria hay vai trò của ông Assad.

Lãnh đạo phái đoàn đối lập Hariri nói phe nổi dậy thấy mình có nhiều điểm chung với ông Trump vì cả hai đều muốn chống khủng bố và giảm ảnh hưởng của Iran.

“Chúng tôi rất mong chờ Mỹ xác định quan điểm của mình, có vai trò tích cực trong khu vực và sửa chữa các sai lầm nghiêm trọng của chính phủ Obama” -theo ông Hariri.

Đại sứ Syria tại LHQ Bashar al-Jaafari, trưởng phái đoàn chính phủ Syria tại vòng hòa đàm Syria ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 28-2. Ảnh: REUTERS

Đại sứ Syria tại LHQ Bashar al-Jaafari, trưởng phái đoàn chính phủ Syria tại vòng hòa đàm Syria ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 28-2. Ảnh: REUTERS

Hòa đàm Syria đã có chuyển biến quan trọng khi ngày 2-3 phe nổi dậy Syria và Nga đã có cuộc đối thoại trực tiếp, việc chưa từng diễn ra trong các vòng hòa đàm Geneva trước. Cuộc hòa đàm cũng có tín hiệu tốt khi phe chính phủ và phe nổi dậy Syria đã có một số điểm chung. Tuy nhiên theo Reuters, với việc hai bên vẫn duy trì cung cách đối thoại gián tiếp thông qua đặc phái viên LHQ Mistura như thế này thì khó có thể mong chờ một kết quả đột phá nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm