Phát triển xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa

Xã hội hài hòa là gì?

Hài hòa dùng để chỉ sự vật phát triển ở trạng thái hài hòa, cân bằng, có trật tự. Xã hội hài hòa là chỉ các yếu tố xã hội ở trong trạng thái dựa vào nhau cùng tồn tại, hài hòa lẫn nhau, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Khi kinh tế phát triển nhanh chóng, các mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn lợi ích giữa các giai cấp xã hội đã khiến sự phồn thịnh của Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ. Giáo sư Lục Học Nghệ (Viện Khoa học xã hội Trung Quốc) dẫn chứng một vụ án đáng chú ý xảy ra gần đây tại Bắc Kinh và xem đó là một ví dụ điển hình của sự bất ổn định xã hội do chênh lệch giàu nghèo. Một công nhân thất nghiệp 58 tuổi sống dựa vào tiền trợ cấp của nhà nước nhìn thấy trong khu phố ông ở ngày có nhiều người giàu lên nên sinh lòng oán hận. Ông đã chém hỏng lốp xe của hơn 100 chiếc xe cho đến khi bị bắt.

Đối với dân, xây dựng xã hội trực tiếp nhất và thiết thực nhất là y tế, bảo hiểm xã hội, giáo dục chứ không phải GDP.
Đối với dân, xây dựng xã hội trực tiếp nhất và thiết thực nhất là y tế, bảo hiểm xã hội, giáo dục chứ không phải GDP.

Tháng 9-2004, Đại hội Đảng lần thứ 16 đã xác định nhiệm vụ chiến lược trọng đại xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa. Tháng 2-2005, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đã đưa ra mục tiêu cụ thể đối với vấn đề xây dựng xã hội hài hòa. Đó là xây dựng chế độ pháp luật dân chủ, tràn đầy sức sống, thành ý hữu hảo, ổn định có trật tự, con người và tự nhiên cùng chung sống hài hòa.

Đến Đại hội Đảng lần thứ 17, báo cáo chính trị minh định: Xây dựng xã hội hài hòa là yêu cầu đề ra dựa vào bản chất của chủ nghĩa Mác-Lênin, là kết luận được đúc kết đầy đủ từ các quy luật phát triển của xã hội loài người với thực tiễn lịch sử dân tộc Trung Hoa; xã hội hài hòa là chủ đề và giá trị cuộc sống vĩnh hằng để con người theo đuổi, là một loại tín ngưỡng, là một loại lý luận, là một loại văn hóa, là một loại thực tiễn; mỗi dân tộc, mỗi nền văn minh, mỗi giai đoạn lịch sử đều có giải thích khác nhau về quan niệm xã hội hài hòa.

Trật tự và ổn định trước đã

Giáo sư Nghiêm Thư Hàn (chủ nhiệm bộ môn nghiên cứu chủ nghĩa xã hội khoa học Trường Đảng Trung ương Trung Quốc) bình luận: Xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa là nỗ lực xây dựng một xã hội có trật tự kết cấu hợp lý, vận hành có quy phạm trên cơ sở ổn định xã hội.

Giảm bớt ở mức độ tối đa nhân tố không hài hòa.
Giảm bớt ở mức độ tối đa nhân tố không hài hòa.

Ông dẫn giải trong thời gian qua, Trung Quốc tăng cường xây dựng kinh tế mà coi nhẹ công tác xây dựng xã hội, thể hiện rõ trong cuộc chiến chống bệnh dịch SARS.

Giáo sư Lục Học Nghệ (Viện Khoa học xã hội Trung Quốc) nhận định: Cải cách tạo sự đa dạng cho xã hội nhưng tích tụ nhiều mâu thuẫn khiến sự ổn định trước mắt thiếu gốc rễ sâu chắc. Nếu những mâu thuẫn ấy không được giải quyết sẽ là nguy cơ và xung đột thực sự xảy ra bất cứ lúc nào, từ đó sẽ dẫn đến mất ổn định xã hội.

Giáo sư Diệp Đốc Sơ (Trường Đảng Trung ương) phân tích: Để giải quyết và giảm bớt mâu thuẫn, cần phải dùng cơ chế pháp luật để điều hòa mối quan hệ lợi ích dựa vào xây dựng chế độ. Việc Đảng trừng trị các hành vi phạm pháp, tham nhũng đã thể hiện rõ quyết tâm và lòng tin thực hiện trị an lâu dài, tìm kiếm sự ổn định cân bằng sâu hơn.

Giáo sư chính trị học Lâm Thượng Lập (Đại học Phúc Đan) nhấn mạnh: Sự ổn định của Trung Quốc đã không còn do đơn phương chính phủ cung cấp và khống chế mà đến từ cuộc sống của người dân. Theo giáo sư Nghiêm Thư Hàn, đối với người dân, xây dựng xã hội trực tiếp nhất và thiết thực nhất chính là các chính sách về y tế, bảo hiểm xã hội, giáo dục chứ không phải là GDP (tổng sản phẩm nội địa). Ông nhận định một xã hội có trật tự sẽ là một xã hội cùng xây dựng và cùng hưởng thụ.

Quản lý tốt, xã hội sẽ an toàn

Với đường lối cải cách mở cửa, kinh tế Trung Quốc phát triển, kết cấu xã hội biến động sâu sắc, kết cấu lợi ích bị điều chỉnh lớn, quan niệm tư tưởng cũng thay đổi. Những biến đổi sâu sắc này khiến cách thức quản lý xã hội truyền thống phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Do đó, phải làm tốt công tác quản lý xã hội mới có thể xúc tiến hài hòa xã hội.

Bà Ngũ Hoa (Bí thư Đảng ủy khu phố Thủy Tỉnh Phường, khu vực Miên Giang, TP Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên) đóng góp ý kiến: Quản lý xã hội không thể tách rời khỏi quần chúng nhân dân và chỉ có huy động nhiều hơn quần chúng cùng tham gia, công tác quản lý xã hội mới đạt hiệu quả.

Bà lấy ví dụ tại khu phố của bà, trong công tác quản lý xã hội, trước tiên chú trọng làm tốt công tác cung cấp cho người dân các dịch vụ hành chính đa dạng, kế đó là tổ chức các hoạt động văn hóa, thúc đẩy giao lưu giữa các gia đình để thúc đẩy mối quan hệ hài hòa giữa con người với nhau.

Ngoài ra, xây dựng văn minh sinh thái sẽ thúc đẩy con người và thiên nhiên cùng chung sống hài hòa. Bảo vệ tốt môi trường thì mới duy trì sự tồn tại của con người. Ông Tề Kiến Quốc (Viện Khoa học xã hội Trung Quốc) nhận xét: Con đường công nghiệp hóa mới là con đường công nghiệp hóa của văn minh sinh thái với yêu cầu giảm tiêu hao tài nguyên, giảm thải các chất ô nhiễm, phát triển kinh tế theo xu hướng vừa tiết kiệm tài nguyên vừa khiến con người và môi trường sống chung hài hòa.

Báo cáo Đại hội Đảng lần thứ 17 nêu rõ: Xã hội hài hòa là xã hội mà “mọi người đều được giáo dục, có bệnh được chữa trị, người già được dưỡng lão, nhà nhà đều có nơi ăn chốn ở”..., “kinh tế, dân số và môi trường tài nguyên sống chung hài hòa”.

Để xây dựng xã hội hài hòa, Báo cáo nêu: “Cần phải xây dựng kết cấu quản lý xã hội do Đảng lãnh đạo, chính phủ phụ trách, xã hội góp sức, công dân tham dự”. Trong Báo cáo có đề cập đến ba mức độ tối đa:

- Khích lệ với mức độ tối đa sức sáng tạo của xã hội;

- Tăng cường ở mức độ tối đa nhân tố hài hòa;

- Giảm bớt ở mức độ tối đa nhân tố không hài hòa.

HỒNG ANH (Theo Tân Hoa xã)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm