Phát hiện vật thể, Indonesia thu hẹp phạm vi tìm kiếm tàu ngầm

Đài CNN ngày 23-4 đưa tin các lực lượng cứu hộ Indonesia đã thu hẹp được phạm vi khu vực tìm kiếm tàu ngầm hải quân của nước này bị mất tích ngoài khơi Bali hôm 21-4.

Theo ông Achmad Riad - phát ngôn viên của quân đội Indonesia, khu vực cần tập trung tìm kiếm có vị trí cách Bali 40 km về phía bắc, nơi lực lượng cứu hộ đã phát hiện các vệt dầu loang ở một số địa điểm sau khi tàu ngầm mất tích, cũng như một vật thể “có từ tính cao" đang trôi nổi ở độ sâu từ 50-100 mét. 

Tàu ngầm KRI Alugoro của hải quân Indonesia tìm kiếm tàu ngầm KRI Nanggala-402 bị mất tích. Ảnh: ERIC IRENG/ AP

Theo hãng tin Reuters, các lực lượng cứu hộ của Indonesia và quốc tế ngày 23-4 tiếp tục chạy đua với thời gian nhằm cứu sống 53 thủy thủ trên tàu ngầm hải quân Indonesia bị mất tích ngoài khơi Bali trước khi nguồn dưỡng khí cạn kiệt.

Trực thăng tìm kiếm và nhiều tàu khác đã rời Bali và một căn cứ hải quân ở Java hướng đến khu vực nơi tàu KRI Nanggala-402 đã mất tích hôm 21-4 cùng 53 thủy thủ trên tàu khi tham gia một cuộc diễn tập phóng ngư lôi ở vùng biển phía bắc Bali.

Chính quyền Indonesia cho biết nguồn cung cấp oxy cho tàu ngầm hải quân này sẽ hết vào rạng sáng 24-4 (giờ địa phương).

"Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm thấy con tàu... nhưng với các thiết bị hiện có, chúng tôi có thể sẽ tìm thấy vị trí" - ông Riad nói trong cuộc họp báo hôm 23-4.

Reuters dẫn lời một phi công của lực lượng không quân Indonesia cho biết sáu tấn thiết bị đã được vận chuyển đến một căn cứ nhằm phục vụ việc tìm kiếm, gồm cả khinh khí cầu dưới nước để giúp nâng tàu.

Hải quân Indonesia cho biết đang điều tra xem liệu tàu ngầm có bị mất điện khi lặn và không thể thực hiện các thủ tục khẩn cấp khi xuống đến độ sâu 600-700 mét, vượt quá giới hạn có thể chịu đựng của con tàu hay không.

Ông Julius Widjojono - người phát ngôn của Hải quân Indonesia - cho biết tàu ngầm chạy bằng điện-diesel có thể chịu được độ sâu lên tới 500 mét, nhưng vượt quá độ sâu có thể dẫn đến sự cố. Biển Bali có thể đạt độ sâu hơn 1.500 mét.

Theo chuyên gia quốc phòng Indonesia - bà Connie Rahakundini Bakrie, khả năng tìm thấy thủy thủ đoàn còn sống là vẫn có.

“Tuy nhiên, nếu tàu ngầm ở trong máng biển dài 700 mét, các thủy thủ đoàn sẽ khó sống sót vì áp lực dưới nước sẽ gây ra các vết nứt và vỏ thép bị vỡ” -  bà Bakrie lưu ý thêm.

Theo bà Natalie Sambhi - chuyên gia về quân sự và an ninh Indonesia tại Verve Research, trường hợp tốt nhất là tàu ngầm không ở độ sâu lớn, song ”ngay cả khi điều này xảy ra, những thách thức vẫn vô cùng lớn”.

Úc, Ấn Độ, Malaysia, Singapore và Mỹ đã cử tàu cũng như máy bay chuyên dụng nhằm hỗ trợ nỗ lực tìm kiếm cùng Indonesia.

Quân đội Mỹ đã cử một máy bay P-8 Poseidon đến hỗ trợ tìm kiếm tàu ngầm.

Trước đó, Lầu Năm Góc hôm 23-4 cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nói chuyện với người đồng cấp Indonesia và đề nghị hỗ trợ thêm, có thể bao gồm các thiết bị tìm kiếm dưới biển.

Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan hôm 22-4 nói với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi rằng "Mỹ sẽ làm mọi thứ có thể để hỗ trợ nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn của Indonesia".

Hai tàu Hải quân Úc đang trên đường đến khu vực tìm kiếm, bao gồm một tàu khu trục nhỏ với khả năng định vị thủy âm (sonar) đặc biệt, theo Bộ Quốc phòng Úc.

Indonesia hiện vận hành năm tàu ngầm, trong đó có hai chiếc Type 209 do Đức chế tạo gồm KRI Nanggala-402 và ba tàu mới hơn của Hàn Quốc.

Jakarta đã và đang thúc đẩy việc hiện đại hóa năng lực quốc phòng của mình, song một số thiết bị của nước này đã cũ và đã dẫn đến một số vụ tai nạn chết người trong những năm gần đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm