Phát hiện hóa thạch khủng long 166 triệu năm tuổi tại Scotland

Theo kênh BBC hôm 26-8, một nhà khoa học đã phát hiện ra hóa thạch khủng long 166 triệu năm tuổi khi đang chạy dọc bờ biển của một hòn đảo nhỏ ở Scotland.

Hóa thạch khủng long 166 triệu năm tuổi trên đảo. Ảnh: E PANCIROLI

Cụ thể, người tìm được hóa thạch này là Tiến sĩ Elsa Panciroli - nhà khoa học tại Viện bảo tàng Quốc gia Scotland. Bà cho biết: “Đó là một phát hiện tình cờ khi tôi đang chạy để bắt kịp các thành viên còn lại của nhóm nghiên cứu trên đảo Eigg”.

"Tôi nhận ra rằng mình đã chạy qua một thứ gì đó. Mặc dù lúc đó tôi không rõ hóa thạch này thuộc về loài khủng long nào, nhưng chắc chắn đó là xương khủng long” - bà cho biết thêm.

Hóa thạch có xương chi dài khoảng 50cm và được cho là của loài khủng long stegosaurus và là hóa thạch xuất hiện vào kỷ Jura giữa.

Bà cho biết đây là phát hiện "cực kỳ quan trọng", đồng thời nói thêm: "Trên toàn cầu, hóa thạch kỷ Jura giữa rất hiếm và cho đến nay, hóa thạch khủng long duy nhất được tìm thấy ở Scotland là trên Đảo Skye.

Theo bà Elsa, chiếc xương này đã 166 triệu năm tuổi và là bằng chứng cho thấy khủng long stegosaurus đã sống ở Scotland vào thời điểm này.

"Hóa thạch này là bằng chứng bổ sung cho thấy những con khủng long stegosaurus với những chiếc sừng tấm trên lưng từng đi lang thang ở Scotland. Điều này chứng minh dấu chân từ đảo Skye mà chúng tôi phát hiện trước đó là do một con thuộc loài khủng long này tạo ra” - bà nói thêm.

Tiến sĩ Steve Brusatte, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Edinburgh cho biết: “Việc bà Elsa tìm được mảnh xương này có ý nghĩa quan trọng”.

Ở Scotland, hóa thạch xương khủng long chỉ mới được tìm thấy trên đảo Skye. Trên đảo Eigg, trước đó các nhà khoa học chỉ tìm được hóa thạch của các loài bò sát biển và cá.

Hiện hóa thạch này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Scotland ở thủ đô Edinburgh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm