Pháp, Đức kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng khiêu khích EU

Pháp và Đức hôm 15-10 đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục có những hành vi khiêu khích Liên minh châu Âu (EU) ở khu vực đông Địa Trung Hải, đồng thời thúc giục Ankara làm rõ lập trường trong xung đột Armenia-Azerbaijan.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phản đối mạnh quyết định điều tàu khảo sát trở lại khu vực Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ và cho rằng đây là hành vi "không thể chấp nhận được".

Trước đó một ngày, bất chấp nỗ lực nhằm thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ngừng các hoạt động thăm dò khí đốt trái phép trong vùng biển thuộc lãnh thổ Hy Lạp của các lãnh đạo EU tại buổi Hội nghị thượng đỉnh hôm 2-10, Ankara cho biết tàu khảo sát của họ đang bắt đầu hoạt động trở lại.

Theo hãng tin Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho rút tàu khảo sát của mình vào tháng trước, ngay trước khi Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra, nhưng đã tái hoạt động vào ngày 12-10 vừa rồi.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu tại một phiên họp của Hạ viện Đức ở Berlin, ngày 7-10. Ảnh: REUTERS

Phản hồi việc này, EU tuyên bố sẽ xem xét khả năng áp đặt lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội nghị thượng đỉnh vào ngày 10-12, Reuters cho hay.

Khi được hỏi về khả năng liệu EU có áp đặt lệnh trừng phạt hay không, Ngoại trưởng Maas nói mọi việc sẽ được quyết định dựa trên hành vi của chính quyền Ankara trong những tuần tới.

“EU đã hai lần thảo luận về các lệnh trừng phạt này nhưng vẫn chưa có gì xảy ra. Chúng tôi không biết khi nào sẽ chính thức tiến hành chúng. Cần phải chờ xem liệu có tiến triển nào trong những tuần tới hay không thì EU mới quyết định thực hiện các hành động cần thiết” - Ngoại trưởng Đức chia sẻ.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng thể hiện sự đồng tình khi phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Đức: “Chúng tôi thấy rõ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang có những hành động khiêu khích và thù địch không thể chấp nhận được”.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đeo khẩu trang tại Cung điện Elysee ở Paris, ngày 29-7. Ảnh: REUTERS

Ông Le Drian đồng thời chỉ trích vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, khi chính quyền Ankara ủng hộ và nhiều lần hỗ trợ cho Azerbaijan chống lại phía Armenia.

“Sẽ không có một quốc gia nào thực sự chiến thắng trong cuộc xung đột này, vì vậy các bên phải tiến hành lệnh ngừng bắn. Và hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất không ủng hộ lệnh ngừng bắn, điều này đang gây tổn hại rất nhiều" - Ngoại trưởng Pháp tuyên bố.

Hôm 11-10, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ đưa tàu nghiên cứu Oruc Reis trở lại vùng biển tranh chấp phía Đông Địa Trung Hải và tiến hành các cuộc khảo sát tới ngày 22-10. Động thái trên đã bị cộng đồng quốc tế lên án gay gắt.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Đức dẫn lời Ngoại trưởng Maas tiết lộ rằng EU có thể sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vào buổi Hội nghị thượng đỉnh tháng 12 tới, Reuters đưa tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm