Pháp, Đức gác đề xuất họp thượng đỉnh với Nga do EU phản đối

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 25-6 từ chối đề xuất của Pháp-Đức tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Nga sau khi Ba Lan và các nước Baltic cho rằng họ sẽ gửi đi thông điệp sai giữa lúc quan hệ Đông-Tây đang xấu đi.

Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên Tổng thống Nga Putin tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 16-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết một hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa EU với ông Putin kể từ tháng 1-2014 sẽ là “một cuộc đối thoại để bảo vệ lợi ích của chúng ta”. Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng EU phải chủ động trong đường lối ngoại giao với Nga.

Ý, một nước xuất khẩu lớn sang Nga với các khoản đầu tư vào năng lượng của Nga, cũng ủng hộ cuộc gặp thượng đỉnh với chủ nhân Điện Kremlin. “Nga là một quốc gia quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và chính trị... Chúng ta phải có một cuộc đối thoại tích cực” -Thủ tướng Ý Mario Draghi nói với các phóng viên tại hội nghị thượng đỉnh Brussels.

Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel. Ảnh: SHARECAST

Tuy nhiên, hãng Reuters đưa tin các cuộc đàm phán vào tối muộn ngày 25-6 giữa 27 nhà lãnh đạo EU đã không đi đến một thỏa thuận, theo lời Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Pháp và Đức mong muốn có thể hợp tác với Nga về chống biến đổi khí hậu và tìm cách ổn định quan hệ. Bà Merkel nói ngay cả khi không có hội nghị thượng đỉnh, “các hình thức cũng sẽ được khám phá... theo đó các cuộc đối thoại có thể được bắt đầu”.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết ông ủng hộ đề xuất hội nghị thượng đỉnh, nhưng nhiều nhà lãnh đạo khác phản đối và các nước láng giềng trực tiếp với Nga là bên lên tiếng nhiều nhất.

Tổng thống Pháp Macron nói ông đã đi đến kết luận rằng sự thống nhất của EU là quan trọng hơn và hội nghị thượng đỉnh với Nga không phải là ưu tiên hàng đầu.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói với các phóng viên rằng ông Putin phải dừng các chính sách “gây hấn” với các nước láng giềng, và rằng không thể có hội nghị thượng đỉnh trong khi Moscow nắm giữ Crimea, sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014, và đứng về phía phe ly khai ở miền đông Ukraine.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cho rằng ý tưởng tổ chức thượng đỉnh giống như “cố gắng giao lưu với con gấu để giữ một bình mật ong an toàn”, trong khi Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins nói rằng Moscow có thể coi hội nghị thượng đỉnh như một phần thưởng khi ngoại giao không thể chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraine.

Về phần mình, Điện Kremlin cho biết họ cam kết cải thiện quan hệ với EU - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Nga và là khách hàng dầu khí lớn, và Bộ Ngoại giao Nga cho biết EU đang bị cản trở bởi một “thiểu số hiếu chiến”.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Nhìn chung, Tổng thống Putin vẫn quan tâm đến việc cải thiện quan hệ làm việc giữa Moscow và Brussels. Lập trường của châu Âu là rời rạc, không phải lúc nào cũng nhất quán và đôi khi không rõ ràng”.

Sự thất bại của sáng kiến này nhấn mạnh những áp lực mâu thuẫn mà EU phải đối mặt, vốn tuyên bố sẽ không bao giờ công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và cáo buộc Moscow thực hiện các hoạt động bí mật nhằm phá hoại các nền dân chủ của mình.

Moscow bác bỏ những gì họ nói là sự can thiệp của phương Tây.

Trong trường hợp này, các nhà lãnh đạo EU đã quay trở lại lập trường quen thuộc. Trong một tuyên bố, họ kêu gọi Ủy ban châu Âu và nhà ngoại giao hàng đầu của EU là ông Josep Borrell “đưa ra các lựa chọn về các biện pháp hạn chế bổ sung, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt kinh tế”.

EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các lĩnh vực năng lượng, tài chính và vũ khí của Nga cũng như các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với những người Nga bị cáo buộc vi phạm quyền con người hoặc sử dụng vũ khí hóa học bị cấm.

Các nhà ngoại giao cho biết các biện pháp trừng phạt tiếp theo có thể nhằm vào cái mà họ gọi là hoạt động rửa tiền của Nga hoặc các nhà tài phiệt quyền lực bị nghi ngờ tham nhũng nghiêm trọng ở nước ngoài, như nước Anh – hiện không còn là thành viên EU – đã làm vào tháng 4.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm