Peru: Tiêm 2 liều vaccine của Sinopharm ngừa 94% nguy cơ tử vong ​

Hãng tin Reuters dẫn nghiên cứu mới đây tại Peru cho thấy việc tiêm đủ hai liều vaccine của hãng dược Sinopharm (Trung Quốc) có hiệu quả 94% trong ngăn ngừa nguy cơ tử vong do COVID-19.

Trong khi đó, nghiên cứu - do các nhà khoa học tại Viện Y tế Quốc gia Peru phối hợp cùng hai viện nghiên cứu khác công bố hồi tuần trước – cho thấy vaccine của Sinopharm có hiệu quả 50,4% trong phòng ngừa nhiễm bệnh đối với các nhân viên y tế ở Peru.

Kết quả nghiên cứu trên được ra trong bối cảnh Peru đang đối mặt số ca nhiễm COVID-19 gia tăng liên quan các biến thể Lambda và Gamma, cũng như quốc gia Nam Mỹ này đang xem xét việc tiêm vaccine liều bổ sung.

Peru: Tiêm 2 liều vaccine của Sinopharm ngừa 94% nguy cơ tử vong. Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, nghiên cứu trên bao gồm dữ liệu được thu thập từ tháng 2 đến tháng 6, giai đoạn Peru đang đối mặt làn sóng lây nhiễm COVID-19 liên quan các biến thể Lambda và Gamma.

Nghiên cứu được thực hiện trên gần 400.000 nhân viên y tế tuyến đầu tại Peru. Hầu hết các nhân viên y tế đã được tiêm đủ hai liều vaccine của Sinopharm.

“Hiệu quả trong phòng ngừa nhiễm bệnh là không cao và đây là điều cần xem xét khi tỉ lệ phần trăm dân số đã được tiêm hai liều vaccine là cao, vào thời điểm các liều vaccine bổ sung có thể được coi là giúp tối ưu hóa việc bảo vệ các nhân viên y tế tuyến đầu” – nghiên cứu nêu rõ.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy việc tiêm đủ hai liều vaccine của Sinopharm mang lại hiệu quả 94% trong ngăn ngừa nguy cơ tử vong.

Theo Reuters, một số quốc gia như Campuchia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã sử dụng vaccine AstraZeneca hay Pfizer để tiêm bổ sung cho những người đã tiêm vaccine của Sinopharm.

Trao đổi với Reuters, bà Lely Solari từ viện Y tế quốc gia Peru cho biết: “Điều có khả năng nhất là bạn sẽ thực sự cần đến liều thứ ba, câu hỏi đặt ra là khi nào là thời điểm tốt nhất và với loại vaccine nào”.

Bà Solari nhận định rằng tuy hiệu quả vaccine của Sinopharm trong ngăn ngừa nhiễm bệnh được đánh giá là thấp, song loại vaccine này vẫn được chấp nhận theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo dữ liệu của WHO, vaccine của Sinopharm có tỉ lệ hiệu quả là 78,1% đối với các trường hợp nhiễm COVID-19 có triệu chứng trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III. 

Một thông báo của Bộ Y tế Peru hồi tháng 7 cho thấy vaccine của Sinopharm có hiệu quả 98% trong ngăn ngừa nguy cơ tử vong.

Tuy nhiên, nghiên cứu trên được tiến hành đối với các trường hợp nhiễm COVID-19 không có triệu chứng, điều mà bà Solari lưu ý rằng họ đã không tiến hành thử nghiệm theo thời gian thực để xác định nghiêm ngặt việc nhiễm bệnh.

“Phần lớn các xét nghiệm được tiến hành vì các nhân viên y tế xuất hiện các triệu chứng. Một số được xét nghiệm vì nghi ngờ nhiễm, nhưng phần lớn là do họ có các triệu chứng" – bà Solari cho hay. 

Tính theo tỉ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỉ lệ tử vong cao nhất thế giới, điều các nhà khoa học đánh giá là do biến thể Lambda, được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2020, cũng như hệ thống chăm sóc sức khỏe hạn chế tại Peru.

Thời gian qua, Lambda đã dấy lên lo ngại trước sự lây lan của biến thể này ở Mỹ và các quốc gia Mỹ Latinh khác, mặc dù một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhận định sự lây lan của biến thể này có thể đang giảm dần. 

Theo các nhà nghiên cứu Nhật, biến thể Lambda có khả năng kháng lại các kháng thể được kích hoạt từ việc tiêm vaccine so với nguyên bản gốc của virus gây đại dịch COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm