Pakistan giải cứu con tin Mỹ vì mục đích chính trị?

Quân đội Pakistan vừa giải cứu thành công một gia đình vợ Mỹ chồng Canada cùng 3 con sau gần 5 năm bị bắt cóc ở Afghanistan, các quan chức Pakistan và Mỹ thông báo ngày 12-10.

Người vợ Mỹ Caitlan Coleman và chồng người Canada Joshua Boyle bị nhóm vũ trang Haqqani thân Taliban bắt cóc khi đang du lịch ở Afghanistan năm 2012.

Sinh 3 con trong 5 năm bị giam cầm

3 đứa con được sinh ra trong 5 năm bị giam cầm này. Thời điểm bị bắt cóc, người vợ Coleman đang mang thai. Một đoạn video Taliban công bố tháng 12-2016 cho thấy 2 con trai của cặp vợ chồng này ra đời trong thời gian họ là con tin. Thông tin về đứa con thứ ba của họ chỉ được biết qua thông báo của Mỹ và Pakistan ngày 12-10.

Theo Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly, trong 5 năm cả gia đình con tin phải sống trong điều kiện tệ hại: “Họ đã phải sống trong một cái hố suốt 5 năm”.

Cũng chưa rõ khi nào gia đình con tin này rời khỏi Pakistan. Hai quan chức Mỹ cho biết quân đội Mỹ đã sẵn sàng di chuyển gia đình con tin khỏi Pakistan bằng máy bay nhưng người chồng Boyle từ chối.

Người vợ Mỹ Caitlan Coleman, người chồng Canada Joshua Boyle và 2 con trai. REUTERS đưa hình ảnh chụp lại từ video Taliban công bố ngày 19-12-2016.

Người vợ Mỹ Caitlan Coleman, người chồng Canada Joshua Boyle và 2 con trai. REUTERS đưa hình ảnh chụp lại từ video Taliban công bố ngày 19-12-2016.

Tờ Toronto Star (Canada) cho biết ông Boyle nói với bố mẹ qua điện thoại rằng gia đình ông được quân đội Pakistan giải cứu khi đang trong một chiếc xe của những kẻ bắt cóc. Những kẻ bắt cóc cuối cùng bị bắn chết, bản thân ông Boyle bị thương nhẹ trong trận đấu súng.

“Câu nói cuối cùng ông Boyle nghe được từ những kẻ bắt cóc là: Hãy giết các con tin” - tờ Toronto Star viết.

Từ thông tin tình báo của Mỹ

Chưa rõ tình huống quân đội Pakistan giải cứu gia đình con tin, chỉ biết Pakistan đã hành động sau khi được Mỹ chia sẻ thông tin tình báo về nơi giam giữ con tin, sau khi họ được di chuyển từ Afghanistan sang Pakistan.

Phía Mỹ không công khai chi tiết thông tin tình báo này. Tuy nhiên trái với thông tin từ Pakistan, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ không nêu tên nói không có chứng cứ gì cho thấy các con tin đã ở Afghanistan suốt 5 năm trước ngày được giải cứu. Theo một số quan chức Mỹ, các con tin có thể bị nhóm Haqqani giữ trong hoặc gần tổng hành dinh của mình ở tây bắc Pakistan trong thời gian này.

Mỹ lâu nay vẫn chỉ trích Pakistan thiếu tích cực trong chiến đấu với nhóm Haqqani và Taliban. Thời gian gần đây, nhiều quan chức cấp cao Mỹ cáo buộc Pakistan đi đêm với các nhóm vũ trang mà Mỹ đã và đang rất vất vả chiến đấu trong 16 năm qua ở nước láng giềng Afghanistan. Mỹ còn cáo buộc Pakistan là thiên đường khủng bố, khiến Mỹ khó kết thúc cuộc chiến này. Pakistan dĩ nhiên bác bỏ cáo buộc này.

Về phần mình, quân đội Pakistan cũng muốn qua vụ giải cứu con tin này chứng minh sức mạnh của liên minh.

“Thành công của phi vụ giải cứu con tin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin tình báo đúng lúc, và Pakistan cam kết tiếp tục chiến đấu với kẻ thù chung hai nước thông qua hợp tác giữa hai nước” – quân đội Pakistan tuyên bố.

Giải cứu vì mục đích chính trị?

Tổng thống Mỹ Donald Trump - vốn gần đây lên án mạnh Pakistan thiếu hợp tác trong chống khủng bố - ngày 12-10 khen ngợi sự hợp tác giữa Pakistan với Mỹ trong giải cứu con tin, rằng điều này thể hiện “một thời điểm tích cực” trong quan hệ hai nước.

“Sự hợp tác của chính phủ Pakistan là một dấu hiệu cho thấy Pakistan coi trọng mong muốn của Mỹ nỗ lực nhiều hơn cho an ninh khu vực” – Reuters dẫn phát ngôn của ông Trump.

Theo một số quan chức Mỹ, động cơ giải cứu con tin của Pakistan có thể là vì chính trị chứ chưa hẳn vì nhân đạo, với chủ ý nhằm giảm căng thẳng với Mỹ trước các chuyến thăm sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

Trong một tuyên bố tuần trước, ông Mattis nói Mỹ sẽ “cố gắng một lần nữa” trong hợp tác với Pakistan. Trước đó, ông Tillerson nói chiến lược của ông Trump với khu vực ghi nhận “vai trò quan trọng của Pakistan trong ổn định và hòa bình khu vực”.

Các quan chức Mỹ vẫn hy vọng vụ giải cứu con tin sẽ là sự kiện bước ngoặt trong quan hệ hai nước. Vì dù thế nào Pakistan vẫn là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống Taliban và các nhóm Hồi giáo cực đoan trong khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm